Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) ngày càng bền vững hơn. Đồng thời Bộ trưởng cũng cho biết nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu của các Đại biểu Quốc hội về thu, chi NSNN.


 

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về tình hình thực hiện NSNN năm 2019 dự toán NSNN năm 2020 và kế hoạch tài chính ba năm 2020-2022 chiều 31-10. (ẢNH: DUY LINH)

Báo cáo về tình hình thực hiện NSNN năm 2019 dự toán NSNN năm 2020 và kế hoạch tài chính ba năm 2020-2022 tại phiên thảo luận hội trường chiều 31-10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thu NSNN bốn năm qua đều vượt dự toán, trong đó năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp vượt thu NSTƯ.

Các chỉ tiêu tổng thu, tỷ lệ huy động vào NSNN và cơ cấu thu nội địa cơ bản đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Cụ thể, tổng thu 5 năm 2016-2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào NSNN đạt 24,4%GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21%GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 dự đoán sẽ đạt gần 84% trong tổng thu NSNN.

Dự toán thu đã sát hơn

Giải trình về một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội cho rằng, thu NSNN chưa thực sự bền vững, thu NSNN vượt dự toán trong khi thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thu của ba khu vực doanh nghiệp (Doanh nghiệp Nhà nước - DNNN; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp; và doanh nghiệp ngoài quốc doanh) đều không đạt dự toán trong nhiều năm liền và nhiều địa phương thu NSNN không đạt chỉ tiêu được giao có nguyên nhân chủ quan của việc giao dự toán.

"Những năm qua, do thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm nhanh, dự toán năm 2020 thu từ dầu thô chiếm 2,3% tổng thu NSNN; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,8% và thu từ tiền sử dụng đất chiếm 6%, cho nên dự toán thu hằng năm tập trung vào ba khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu NSNN.” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phân tích.

"Về vấn đề này, năm 2018, Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội và từng bước điều chỉnh sát hơn với thực tiễn, thể hiện, số địa phương không đạt dự toán thu nội địa không kể tiền đất và xổ số kiến thiết đã giảm trong những năm gần đây”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Cụ thể, nếu như năm 2017 là 34 địa phương, thì đến năm 2018 còn 22 địa phương và dự kiến năm 2019 còn 15 địa phương, Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc dự báo nguồn thu ở địa phương cũng có nhiều khó khăn, chẳng hạn khi xây dựng dự toán, đánh giá trong năm tới năng lực sản xuất của địa phương sẽ tăng lên do một hoặc hai, hoặc ba dự án mới đi vào hoạt động, nhưng thực tế chậm tiến độ dẫn đến giảm thu trong năm.

"Nhưng xét về mặt bền vững ngân sách, chúng tôi cho rằng thu ngân sách nhà nước đang ngày càng bền vững hơn. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng và cốt lõi, dự toán thu nội địa năm 2020 ở mức 83,6% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, riêng thu từ 3 khu vực kinh tế đạt gần 45% tổng thu ngân sách nhà nước và năm 2017 mới đạt 39%, tỷ lệ này đang tăng lên rất là nhanh. Thu tiền sử dụng đất năm 2020 chỉ chiếm 6% và thu quyền khai thác khoáng sản chiếm 0,3% tổng thu ngân sách nhà nước". - Bộ trưởng Tài chính cho biết.

 

Tỷ lệ về nợ đọng đã giảm

Về công tác chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2019, toàn ngành Tài chính đã thực hiện hơn 73,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó, kiến nghị xử lý tài chính hơn 48,3 nghìn tỷ đồng.

"Trong đó, thu nộp vào NSNN 14,8 nghìn tỷ đồng, kiến nghị tài chính khác là 33 nghìn tỷ đồng, riêng số giảm lỗ là 29,9 nghìn tỷ đồng, số thực nộp vào NSNN là 10,3 nghìn tỷ đồng.” Bộ trưởng Tài chính nói.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã và đang đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân.

Về công tác thu hồi nợ đọng thuế, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong tổng số tiền nợ thuế do ngành thuế quản lý tính đến hết tháng 10/2019, nợ có khả năng thu chiếm 52,2%, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2018; nợ không có khả năng thu hồi chiếm 47,8% và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

"Tỷ lệ nợ đọng có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm. Nếu năm 2015 là 7,7% thì đến cuối tháng 10-2019 còn 3,65%” - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn chứng.

Tốc độ tăng nợ công giảm hơn một nửa

Về chi NSNN, Bộ trưởng Tài chính cho biết "cơ cấu chi NSNN đã chuyển dịch tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch 5 năm”.

"Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần, dự toán năm 2017 là 64,4% thì đến năm 2020 dự kiến là 60,5% nếu được Quốc hội thông qua. Mục tiêu của kế hoạch là 64%, trong khi vẫn bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo Nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ chi cho quốc phòng - an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác,...” Bộ trưởng Tài chính nói.

Đồng thời Bộ trưởng cũng cho biết, lũy kế 5 năm chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giảm khoảng 27-28 nghìn tỷ đồng.

Về bội chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định đã kiểm soát được cả số tuyệt đối và số tương đối. "Năm 2020 dự toán là 3,44% GDP. Như vậy, bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 3,6-3,7% GDP, vượt mục tiêu đề ra cả giai đoạn là 3,9% và năm 2020 dự kiến là dưới 3,5% GDP".

"Nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa.” - Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

"Nếu như giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 14,5%/năm, thì giai đoạn năm 2016-2018 tốc độ tăng nợ công 8,2%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 9,7%/năm." - Bộ trưởng dẫn chứng.

"Nhờ vậy, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2020 chúng tôi ước tính là 54,3% GDP, trong khi năm 2016, năm đầu của thời kỳ là 63,7% GDP. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ tăng bình quân từ mức 3,9 năm của năm 2011 lên mức 13,5 năm của 9 tháng đầu năm 2019 ” - Bộ trưởng Tài chính nói.

 

TheoNhanDan

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục