(HBĐT) - Sau khi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã được kiểm soát, các vùng dịch được phát hiện, xử lý và tiêu huỷ kịp thời lợn mắc bệnh dịch, số lượng đàn lợn ở nhiều địa phương giảm đi, cũng vì thế mà giá thịt lợn ngày càng tăng. Hiện nay, trên toàn tỉnh, giá bán lẻ thịt lợn các loại tại các chợ dân sinh đã vượt mốc 100.000 đồng/kg, giá lợn hơi giao động từ 70.000-73.000 đồng/kg. 


Những ngày này, tại các điểm chợ ở TP Hoà Bình như Thái Bình, Nghĩa Phương, Tân Thành, Hữu Nghị, các quầy bán thịt lợn thưa thớt người mua. Nguyên nhân do giá thịt lợn ngày càng tăng cao. Qua khảo sát, giá thịt lợn hơi trên thị trường tỉnh dao động từ 70.000-73.000 đồng/kg, có nơi giá cao tới 90.000 đồng/kg, giá bán lẻ dao động từ 100.000-150.000 đồng/kg tuỳ loại. Tại chợ Nghĩa Phương, phường Phương Lâm (TP Hoà Bình), hiện thịt nạc thăn, nạc vai, nạc mông, ba chỉ, mông sấn giá từ 125.000-140.000 đồng/kg; giá thịt sụn tăng gần gấp đôi, từ 90.000 đồng lên 160.000 đồng/kg. Tại siêu thị Vinmart thuộc Trung tâm thương mại Vincom, phường Đồng Tiến (TP Hoà Bình), giá thịt lợn cũng rất cao, từ 130.000 - trên 160.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Bích Phượng, tiểu thương chợ Thái Bình (TP Hoà Bình) cho biết: "Giá thịt lợn tăng từng ngày ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu thụ. Đối với các tiểu thương bán buôn, trước đây, 1 ngày có thể xuất được 7-8 con lợn, thì nay giảm xuống chỉ 2-3 con. Bản thân tôi là 1 tiểu thương bán lẻ, nếu như nhiều tháng trước, có những ngày dọn hàng về nhà sớm vì đông khách tới mua, thiếu hàng bán, thì thời điểm này, thịt lợn lại tiêu thụ khá chậm. Mặc dù nhiều hôm phải cất công tới những khu vực vùng sâu, xa để bắt được lợn ngon nhưng lượng khách mua vẫn giảm dần, có lẽ chỉ bằng hơn nửa so với thời điểm trước. Bởi ở các khu dân cư gần chợ, nhiều khách hàng đã chủ động chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác để thay thế thịt lợn". 


Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế. Ảnh: Khách hàng chọn mua thực phẩm tại siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vincom, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình). 

Đi tham khảo giá các loại thực phẩm tại chợ, anh Nguyễn Mạnh Toàn, chủ nhà hàng Tám nổ, đường đê Đà Giang (TP Hoà Bình) chia sẻ: "Thời gian gần đây, giá thịt lợn ngày càng tăng, kéo theo giá thành nhiều mặt hàng cũng như các loại chi phí tăng. Vì vậy, gia đình tôi lựa chọn các loại thực phẩm khác giá thành thấp hơn để thay thế thịt lợn như trứng, thịt bò, gà, ngan, cá để giảm bớt chi tiêu hàng ngày. Trứng gà hiện đang có giá 40.000 - 42.000 đồng/10 quả, còn giá gà cũng ở mức 110.000/kg. Tuy nhiên, đối với nhà hàng đang hoạt động, hàng ngà, tôi vẫn phải mua đủ sụn lợn làm nguyên liệu để chế biến nhưng không tăng giá thành sản phẩm, chấp nhận tăng chi phí mua nguyên liệu, giảm lợi nhuận để giữ khách". 

 Khác với các tiểu thương, dù sức mua của thị trường trong tỉnh giảm nhưng nguồn tiêu thụ của các hộ chăn nuôi lợn thịt vẫn ổn định. Ngoài thị trường tỉnh, lợn thịt của các hộ chăn nuôi còn được tư thương ở các địa bàn lân cận tìm mua, nhất là khu vực các tỉnh có đàn lợn bị tiêu huỷ lớn do nhiễm DTLCP. Ông Hà Văn Đoà, hộ chăn nuôi lợn thịt ở xóm Chiềng Xạ, thị trấn Mai Châu (Mai Châu) cho biết: "Với mức giá lợn hơi xuất chuồng như hiện nay, trung bình gia đình tôi thu lãi từ 2,5-3 triệu đồng/con. Tuy vậy, tôi chỉ duy trì số lượng lợn thịt đang nuôi hiện tại, chưa triển khai mở rộng, tái đàn vì vẫn lo lắng dịch có thể tái phát bất cứ lúc nào". 

Nhằm giảm sức ép cho nguồn cung thịt lợn, tránh tình trạng khan hiếm thịt lợn trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã có lệnh cấm xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc. Một phần để ngăn ngừa dịch bệnh, một phần đảm bảo nguồn cung trong nước. Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: Tại tỉnh, sau khi công bố hết dịch ở toàn bộ các địa bàn, tổng đàn lợn thịt toàn tỉnh giảm không nhiều. Vì vậy, cần điều chỉnh việc tái đàn để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thị trường, tránh xảy ra tình trạng tăng giá mặt hàng thịt lợn mất kiểm soát, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Bên cạnh đó, các sở, ngành phối hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người tiêu dùng, khuyến khích việc sử dụng thịt lợn đông lạnh và các nguồn thực phẩm khác thay thế thịt lợn như thịt bò, gà, cá... để tránh gây sức ép lên nguồn cung thịt lợn khiến giá cả tăng cao. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không tự ý tăng giá cao đối với thịt lợn.



Thu Hằng



Các tin khác


Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục