(HBĐT) - Trong suốt hải trình gần 20 ngày đặt chân đến các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, chúng tôi luôn bị lôi cuốn bởi những luống rau xanh tốt trong các vườn rau tăng gia của cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) trên đảo. Qua tìm hiểu mới thấm thía câu nói của ông cha "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Các chiến sỹ đảo Trường Sa Lớn tăng gia sản xuất.
Bởi, trừ một số đảo nổi thì đa số các đảo đều được bồi đắp bằng những rạn san hô, nơi chỉ có rau muống biển, bàng vuông, phong ba là những loài thực vật có thể sinh trưởng và phát triển được. Còn việc trồng rau hiển nhiên là điều không thể. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, bằng nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo mà những vườn rau của CB, CS trên quần đảo Trường Sa luôn tươi tốt.
Trong 2 ngày lưu lại trên đảo Trường Sa Lớn, nơi được coi là trái tim của quần đảo Trường Sa, chúng tôi được thăm quan vườn rau tăng gia sản xuất của Cụm chiến đấu 1. Dù trước chuyến đi đã được rỉ tai rằng, lính đảo tăng gia sản xuất rất giỏi nên lá mồng tơi to như bàn tay là chuyện bình thường. Thế nhưng, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi những loài cây kiên cường nhất trên biển như bàng vuông, nho biển phần nhiều lá cây bị cháy vì muối biển, còn những luống rau muống, rau cải, mồng tơi hay những giàn bầu, giàn mướp, cây đu đủ thì vẫn tươi xanh chẳng kém những vườn rau được trồng trong nhà kính.
Lý giải về điều này, trung tá Phạm Văn Tâm, Chính trị viên Cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa Lớn cho biết: Để khắc phục khó khăn về khí hậu, thổ nhưỡng, mỗi luống rau đều được xây kè chắn xung quanh để không bị rửa trôi lớp đất màu mỗi khi trời mưa bão. Xung quanh vườn rau xây tường bao, che chắn bằng lưới, bạt để chống gió mùa đưa nước mặn vào. Để tăng khả năng thích nghi, các loại rau đều được trồng bằng cách gieo hạt. Ngoài ra, đảo còn nhận được sự hỗ trợ từ Trung tâm giống cây trồng của Bộ NN&PTNT về cung cấp phân vi sinh và hướng dẫn canh tác. CB, CS cũng nảy ra sáng kiến thú vị trong cải tạo đất, đó là thu gom lá cây phong ba khi còn tươi xanh, băm nhỏ cho vào thùng ngâm để tạo phân bón hữu cơ. Nhờ những nỗ lực đó mà việc tăng gia đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao, đáp ứng cơ bản nhu cầu rau xanh đưa vào bữa ăn cho bộ đội.
Giàn bầu sai quả trên đảo Trường Sa Lớn, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Vườn rau trên đảo Trường Sa Đông thậm chí còn tươi tốt hơn. Ngoài những loại rau quen thuộc, CB, CS trên đảo còn trồng thêm rau ngót Nhật và một số loại rau thơm khác. Thay vì trồng trên những luống đất màu thì rau trên đảo Trường Sa Đông được trồng trong các thùng xốp. Điều này vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới, lại không làm thất thoát lớp đất màu vốn quý như vàng ở trên đảo. Đại úy Cáp Văn Tuần chia sẻ: Vườn rau xanh trên đảo có diện tích hơn 400 m2, đất trồng rau được chuyển ra từ đất liền. Do vậy, CB, CS phải thường xuyên cải tạo dinh dưỡng cho đất. Đồng thời, dùng các tấm tôn, bạt che kín xung quanh để chống hơi nước mặn cho cây.
Còn ở đảo An Bang, đảo khắc nghiệt bậc nhất trên quần đảo Trường Sa thì câu chuyện tăng gia cũng rất thú vị. Để đối phó với sự khắc nghiệt của thời tiết, An Bang không có vườn rau cố định mà di động theo mùa. Đại úy Hứa Văn Hoàng, Chỉ huy trưởng đảo cho biết: Từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau, đảo tổ chức tăng gia ở đầu Tây Nam để tránh gió mùa Đông Bắc. Thời gian còn lại là mùa gió mùa Tây Nam, vườn rau được dịch chuyển về phía Đông Bắc để tránh sóng biển đánh trùm lên, làm ảnh hưởng đến chất lượng tăng gia sản xuất.
Đó chưa phải tất cả những câu chuyện trong tăng gia sản xuất của CB, CS ở đảo. Trên những bãi san hô, giữa biển trời nắng gió khắc nghiệt và quanh năm mặn chát vị biển, chỉ có sự nỗ lực, chịu khó và những sáng kiến, sáng tạo thì sự sống mới hiện hữu, những luống rau mới quanh năm xanh tốt, đời sống lính đảo mới ngày càng đủ đầy. Chúng tôi nói vui với nhau rằng, lính đảo đã biết làm nông nghiệp 4.0 từ trước cả đất liền. Đó cũng là minh chứng cho tinh thần vượt lên trên mọi khó khăn, gian khổ của quân dân đất Việt ở nơi đầu sóng, ngọn gió.
Viết Đào
(HBĐT) - Ngày 5/2, đoàn công tác của Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức kiểm tra tình hình sản xuất vụ chiêm xuân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của huyện Lương Sơn và kết quả xây dựng, chỉnh trang tuyến đường dự kiến Ban chỉ đạo T.Ư đi kiểm tra, thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019.
(HBĐT) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã khẩn trương đi vào hoạt động. Phần lớn người lao động kịp thời trở lại làm việc bình thường nhằm góp phần cùng DN thực hiện mục tiêu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất - kinh doanh (SXKD) năm 2020 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.
Do nguồn cung đã tăng thêm nhờ đẩy mạnh tái đàn, cộng với lượng thịt nhập khẩu tăng, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm, dự kiến sẽ kéo xuống khoảng 60.000-70.000 đồng/kg vào tháng 4, tháng 5.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ra công điện khẩn số 735 CĐ-BNN-TY về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
(HBĐT) - Ngày 4/2, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm tra sản xuất vụ chiêm xuân năm 2020 tại huyện Kim Bôi.
(HBĐT) - Cùng ngày, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã đi thực tế và làm việc với UBND huyện Cao Phong.