(HBĐT) - Trước tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, hoạt động SXKD trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.


Khách hàng đến giao dịch tại BIDV phòng giao dịch Trần Hưng Đạo (TP Hòa Bình) được đo thân nhiệt kiểm tra sức khỏe.

NHNN tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể công chức, người lao động trong ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy ATM; trang bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, bảo hộ lao động cho cán bộ kiểm ngân, kho quỹ, giao dịch, nước rửa tay sát khuẩn cho nhân viên ngân hàng, khách hàng, vệ sinh khử trùng khi nhập, xuất kho. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Theo báo cáo của các TCTD trên địa bàn tỉnh, đến ngày 15/3 đã có tổng số 166 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng 552.413 triệu đồng, trong đó, dư nợ ngắn hạn 190.504 triệu đồng, dư nợ trung dài hạn 361.909 triệu đồng; lãi lũy kế quá hạn là 4.761 triệu đồng. Đối với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ vận tải du lịch có 113 khách hàng bị ảnh hưởng, với tổng dư nợ 151.225 triệu đồng. Do nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh nên từ đầu năm nhu cầu đi lại, các tour du lịch đến thời điểm này hạn chế, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động SXKD của khách hàng. Nhóm khách hàng kinh doanh nhà hàng, ăn uống, karaoke và lưu trú có 31 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 60.966 triệu đồng. Thực hiện biện pháp phòng, chống dịch hạn chế tập trung đông người nên lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ nhà hàng giảm mạnh. Nhóm dịch vụ kinh doanh thương mại, thể thao, giải trí có 7 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ 179.011 triệu đồng. Lĩnh vực giáo dục có 3 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 125.699 triệu đồng. Các lĩnh vực khác như buôn bán hàng nông sản, xuất nhập khẩu, sản xuất có 12 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ 35.512 triệu đồng.

Từ thực tế đó, theo chỉ đạo của NHNN tỉnh, các TCTD đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ khó khăn cho khách hàng như miễn giảm lãi, dự kiến cho vay mới, cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của từng khách hàng. Trong đó, miễn giảm 26,52 triệu đồng tiền lãi của dư nợ gốc 9.380 triệu đồng đối với 4 khách hàng; dự kiến cho vay mới 34.400 triệu đồng đối với 6 khách hàng; dư nợ được cơ cấu lại với thời hạn trả nợ 3.358 triệu đồng đối với 3 khách hàng.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc NHNN tỉnh cho biết: Toàn hệ thống ngân hàng cần phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt, nhanh chóng khắc phục khó khăn, tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế. Các TCTD chủ động theo dõi nắm bắt tình hình SXKD, rà soát, thống kê kịp thời ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng đang vay vốn, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng đã, đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo các quy định của ngành. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng để khách hàng biết, chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành hỗ trợ kịp thời cho khách hàng bị ảnh hưởng của đợt dịch này. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, những vướng mắc, khó khăn, tình huống phát sinh trong việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; ngăn chăn việc lợi dụng dịch để xử lý những khoản vay tín dụng không phải do tác động của dịch.
 
Đinh Thắng

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục