UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2020; thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020, xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025…
Hoạt động truyền thông, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật phát triển HTX được đẩy mạnh. Các cấp, các ngành tích cực triển khai nhiều giải pháp đa dạng như: tổ chức hội nghị, hội thảo; lồng ghép trong các hoạt động tuyên truyền của ngành, địa phương; xây dựng chuyên mục HTX trên sóng phát thanh, truyền hình… nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện tốt Luật HTX năm 2012 và các văn bản pháp luật về kinh tế hợp tác, HTX; nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Việc thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ HTX giai đoạn 2015-2020 đạt kết quả tích cực. Năm 2019, UBND tỉnh đã phân bổ 4.221,368 triệu đồng để thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển HTX theo Kế hoạch số 145/KH-UBND, ngày 16/11/2018 về hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trong đó, hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm diễn ra sôi động, đã tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại cho các HTX tham gia với quy mô cấp tỉnh như: Hội chợ nông nghiệp, sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc và lễ hội cây ăn quản có múi tỉnh năm 2019; tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thủy sản an toàn, chất lượng tỉnh Hòa Bình tại siêu thị BigC, Thăng Long; tuần lễ hàng nông sản thực phẩm Hòa Bình tại hệ thống Saigon Co.op Hà Nội… Bên cạnh đó, thường xuyên quan tâm giới thiệu các HTX tham gia các triển lãm, hội chợ khác tổ chức ở trong, ngoài tỉnh, thực hiện cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, tổ chức các hình thức giới thiệu sản phẩm, kết nối, hỗ trợ cho các HTX với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm bổ sung nguồn lực Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, năm 2019, Quỹ được cấp 1 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 5 tỷ đồng. Những năm qua, đã có 26 đơn vị được sử dụng vốn với tổng số vốn quay vòng 6.080 triệu đồng, tạo nguồn lực cho phát triển SXKD HTX.
Thực hiện hỗ trợ ứng dụng KHCN, năm qua, các đơn vị triển khai 13 đề tài KHCN cấp tỉnh về hỗ trợ tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm của tỉnh, qua đó tạo điều kiện cấp phép cho nhiều HTX sử dụng các nhãn hiệu sản phẩm tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã được đăng ký bảo hộ, giúp phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của các HTX. Ngoài ra, tỉnh tổ chức tư vấn, hỗ trợ đăng ký tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm cho 3 HTX khi tham gia chương trình OCOP với số tiền 20 triệu đồng/HTX.
Cùng với đó, hoạt động hỗ trợ về đất đai, phát triển kết cấu hạ tầng HTX nông nghiệp được quan tâm. UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 7 HTX thực hiện trong giai đoạn 2019-2020, kinh phí hỗ trợ 3,8 tỷ đồng. Riêng năm 2019, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng cho các HTX nông nghiệp 630 triệu đồng. Lũy kế tới nay, tỉnh đã hỗ trợ được 16 HTX với số vốn 9,3 tỷ đồng. Công tác chỉ đạo, thực hiện xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được chú trọng. Giai đoạn 2019-2020, tỉnh đã phê duyệt thực hiện 9 dự án liên kết chuỗi giá trị với tổng kinh phí 33,67 tỷ đồng. Mục tiêu phát triển HTX kiểu mới, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Một số HTX đã được hỗ trợ như HTX Vầy Nưa (Đà Bắc) được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng chuỗi sản phẩm cá lòng hồ sông Đà; HTX chăn nuôi lợn bản địa (Đà Bắc) được tổ chức JICA Nhật Bản hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm lợn bản địa...
Các huyện, thành phố cũng dành nhiều quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh về điều kiện, cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết với các HTX trên địa bàn, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm ở địa phương. Hiện, tại các huyện, thành phố đều có mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Năm 2019, tỉnh đã bình chọn và công nhận 16 mô hình HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 376 HTX. 70% HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Các HTX đang hoạt động có trên 11.700 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20.600 lao động. Doanh thu hàng hóa và cung cấp dịch vụ của HTX đạt bình quân 3.179 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 1 HTX ước đạt 394 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân khoảng 3,8 triệu đồng/người/tháng. Có 1 liên hiệp HTX hoạt động SXKD trong lĩnh vực nông nghiệp tại huyện Cao Phong với 4 HTX thành viên, 190 lao động thường xuyên.
Qua hoạt động theo Luật HTX cho thấy, số HTX có hiệu quả tăng. Nhiều HTX hoạt động đúng mô hình HTX kiểu mới, liên kết hợp tác với doanh nghiệp, ứng dụng tiến bộ KHCN, sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao, dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững.
V.H