Ngành gỗ lao đao vì dịch bệnh Covid-19
Tại hội thảo, Hiệp hội gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam đã chia sẻ Kết quả khảo sát tác động của đại dịch Covid- 19 đối với ngành gỗ. Khảo sát tại 124 doanh nghiệp vào cuối tháng ba vừa qua cho thấy, 100% doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể, về tác động tài chính, 75% số doanh nghiệp phản hồi cho biết thiệt hại ban đầu đối với các doanh nghiệp này ước tính vào khoảng 3.066 tỷ đồng. Hơn một nửa (51%) số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết phải thu hẹp quy mô sản xuất. Khoảng 35% doanh nghiệp dù đang hoạt động bình thường nhưng phải sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.
Đại dịch cũng tác động tới khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu và chế biến, tiêu thụ trong nước. Cụ thể, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi - nguồn cung gỗ nguyên liệu nhiệt đới lớn nhất cho Việt Nam đã dừng hẳn. Lượng nhập từ nguồn gỗ ôn đới giảm 70%. Đại dịch làm giá gỗ nguyên liệu và cước vận chuyển tăng. Sản xuất kinh doanh của các hộ tại các làng nghề giảm 80%. Khoảng 50-60% xưởng xẻ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước phải dừng hoạt động. Nhu cầu tiêu dùng trong các dự án dân sinh và công cộng hiện đang dừng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: Dich bệnh Covid-19, đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo của ngành gỗ trong nước. Trong ba tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt 18%. Tuy nhiên, đến tháng 4, mức độ ảnh hưởng trầm trọng hơn, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm 24%. Như vậy, bốn tháng đầu năm giá trị xuất khẩu ngành gỗ và lâm sản chỉ đạt xấp xỉ 3,5 tỷ USD. Dự kiến, mức tăng trưởng về xuất khẩu trong một số tháng tới có nhiều nguy cơ giảm sâu hơn nữa.
Hội thảo trực tuyến "Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá - Phát triển bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch” ngày 28-4 tại điểm cầu Hà Nội.
Thay đổi để thích ứng với dịch bệnh
Trước nguy cơ đó, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành các chính sách và giải pháp về chính sách tài khóa, tín dụng thương mại, an sinh xã hội… Cụ thể, ngày 3-4, Bộ Tài chính đã tiếp thu và đưa phân ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre nứa vào dự thảo Nghị định trình Chính phủ. Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất nâng gói tài khoá hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp ngành gỗ lên gần 180 nghìn tỷ đồng, gấp sáu lần số tiền dự tính ban đầu…
Theo đại diện của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), hiệp hội gỗ ở địa phương đã tổ chức nhiều kênh họp trực tuyến với đối tác thương mại quốc tế để tìm hiểu diễn biến thị trường, từ đó dự báo và thông tin đến doanh nghiệp thời điểm phục hồi thị trường, dự đoán hành vi và xu hướng tiêu dùng mới.
Tuy nhiên, ngoài cố gắng trên, ngành cần có thay đổi căn bản về xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược khi muốn giảm thiểu rủi ro.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sảnViệt Nam (VIFORES): Hiện nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Đây là dòng sản phẩm chiến lược. Khi dịch bệnh xảy ra, chuỗi cung cho các loại đồ gỗ chiến lược không bị biến động quá lớn, trong khi nhu cầu về các nhóm đồ gỗ khác gần như mất hẳn. Trong khi đó cơ cấu dòng sản phẩm của Việt Nam hiện chưa hợp lý... do sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và không tăng cao trong tương lai. Từ đó, để phục hồi sản xuất, doanh nghiệp cần chuyển đổi cơ cấu dòng sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
Đại dịch cũng cho thấy ngành cần phải dịch chuyển về phương thức bán hàng. Kênh truyền thống (Offline) cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới (Online). Thêm vào đó, ngành cần hình thành và đẩy mạnh các liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, xây dựng chuỗi cung trong nước và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Bởi tác động của Covid-19 cho thấy các chuỗi cung xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam chưa tốt, phụ thuộc một phần nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
TheoNhanDan