(HBĐT) - Thời gian qua, dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mặt của đời sống xã hội, nhất là phát triển kinh tế. Nhiều lĩnh vực tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, trong quý I/2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 6,62%. Đặc biệt, sang quý II, với việc ảnh hưởng sâu của dịch bệnh đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD), dự báo tăng trưởng chỉ đạt khoảng 4,57 - 5,86%.



Do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp may xuất khẩu tại khu công nghiệp Lương Sơn gặp rất nhiều khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Công ty TNHH may xuất khẩu Esquel Việt Nam.

Đối mặt với khó khăn kép

Du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Quý I, tổng lượng khách du lịch đến Hòa Bình giảm 45,1% so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu giảm 26,5%. Trong tháng 4, do áp dụng biện pháp cách ly xã hội trên cả nước, cũng như lệnh hạn chế đi lại, xuất nhập cảnh áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới nên thị trường du lịch của tỉnh gần như "đóng băng", dự báo tiếp tục xuống thấp trong những tháng tiếp theo.

Xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng hàng đầu. Theo đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 45 doanh nghiệp (DN) hoạt động XNK; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở các thị trường truyền thống như: Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, Canada, Singapore... Mặt hàng sản xuất của các DN gồm 5 nhóm: dệt may, nông sản, điện tử, kim loại và nhóm hàng hóa khác; trong đó, đóng góp chủ yếu vào kim ngạch XNK của tỉnh là nhóm hàng điện tử, dệt may. Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, do không có nguồn nguyên phụ liệu và hạn chế của các đơn hàng, nhóm hàng dệt may chịu ảnh hưởng nặng nề, kim ngạch xuất khẩu giảm từ 40 - 60% so với cùng kỳ.

Đối với nhóm hàng điện tử, do công tác kiểm dịch ở hai đầu nên thời gian nhập khẩu nguồn nguyên liệu kéo dài, đặc biệt là những DN có đối tác từ Ấn Độ đã phải hủy toàn bộ đơn hàng do phong tỏa đất nước, đã tác động không nhỏ đến XNK nhóm hàng này. Từ thực tế này, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 178,7 triệu USD, giảm tới 23,47% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 142,1 triệu USD, giảm 21,74% so với cùng kỳ.

Cũng theo thông tin của Sở Công Thương, dịch Covid-19 đã tác động đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Hiện, các doanh nghiệp XNK trong tỉnh cùng lúc đối mặt với khó khăn kép về nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng linh kiện điện tử, may mặc. Do vậy, 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 13.705 tỷ đồng, giảm 1,72% so với cùng kỳ.

Trong "cơn bão" của dịch Covid-19, các DN, HTX chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo kết quả khảo sát về tình hình DN bị tác động bởi dịch bệnh, phần lớn DN doanh thu giảm mạnh so với năm 2019. Hầu như các DN chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn. Dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến SX-KD, nhất là với các DN nhỏ và vừa, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch, vận tải, dệt may. Trong khi doanh thu giảm, nhiều DN (nhất là DN sử dụng đông lao động) vẫn phải gánh các khoản chi phí lớn. Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn kép, không ít DN đã phải cắt giảm lao động, hoặc nghỉ luân phiên. Nhiều DN phải tạm dừng tạm dừng SX-KD và có nguy cơ giải thể, phá sản.

Tính đến ngày 15/4/2020, toàn tỉnh có 136 DN, 1 HTX giải thể; 144 DN, 1.392 hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng hoạt động SX-KD. Có 371 đơn vị, cá nhân ảnh hưởng với tổng dư nợ 1.078,2 tỷ đồng. Dự báo trong thời gian tới, số DN rút lui khỏi thị trường, đăng ký tạm ngừng SX-KD có xu hướng tăng cao, do khả năng cầm cự của nhiều DN đã tới hạn, nhất là với DN vừa và nhỏ.

Cùng với DN, HTX, hộ kinh doanh đang gặp khó khăn thì người lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động đơn giản, thu nhập thấp, không thường xuyên. Thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB&XH, hiện đã có 38 DN, cơ sở SX-KD ảnh hưởng đến lao động, việc làm; 275 người phải chấm dứt hợp đồng lao động; 1.331 lao động ngừng việc; 713 lao động đến nộp hồ sơ thất nghiệp, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ của Sở Công Thương, đối với 16 DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có 3 DN đã cho toàn bộ lao động nghỉ từ đầu tháng 4; 10 DN sản xuất cầm chừng, phải sắp xếp lao động sản xuất luân phiên, giảm số ngày, giờ làm việc nhằm giữ chân lao động và đáp ứng được mức lương tối thiểu... Những tác động này sẽ tạo sức ép cho thị trường lao động, khiến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao, có thể dẫn tới các vấn đề xã hội khác.

Thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau dịch bệnh

Đó là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 và hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Từ đầu năm đến nay, tại nhiều cuộc làm việc của UBND tỉnh với lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh đã yêu cầu tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác. Đặc biệt coi trọng CCHC, đơn giản hóa TTHC, giảm bớt các chi phí trung gian, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, coi đây là khâu đột phá trong phát triển KT-XH, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, ngành. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, quan tâm thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư khác đến nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh. Coi trọng đầu tư ngoài ngân sách, bởi đây là giải pháp quan trọng để đạt tổng đầu tư toàn xã hội, góp phần đáng kể về kết cấu hạ tầng và tăng trưởng kinh tế. Muốn vậy, các ngành, địa phương làm tốt công tác GPMB các khu, cụm công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp; kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai và các thủ tục có liên quan cho nhà đầu tư.

Để đạt chỉ tiêu thu NSNN 5.000 tỷ đồng trong năm nay, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại các nguồn thu, sắc thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định, trong đó, quan tâm đến nguồn thu từ thủy điện. Đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất; các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, hướng tới lập quy hoạch, lập dự án và GPMB chuyển sang đấu giá dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ thu NSNN.

Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tập trung hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB và triển khai thi công. Kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với dự án chậm giải ngân, vì giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng, vừa tạo ra kết cấu hạ tầng đồng bộ, vừa tạo ra lưu chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thu hút đầu tư, kích thích sản xuất, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế.

UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục coi trọng kiểm soát dịch bệnh, kịp thời thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý cho các DN; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho SX-KD. Đồng thời triển khai nhanh các gói chính sách hỗ trợ DN, nhằm hướng đến hỗ trợ ổn định, vượt qua cú sốc cả về cung và cầu, chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi, tăng tốc nền kinh tế sau dịch bệnh.

 

Hoàng Nga


Các tin khác


Tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ xuân

(HBĐT) - Ngày 29/4, UBND tỉnh có Công văn số 683/UBND-NNTN về tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ xuân năm 2020.

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã

(HBĐT) - Đóng vai trò là thành phần quan trọng trong nền kinh tế hiện nay, các hợp tác xã (HTX) đang được đón nhận nhiều giải pháp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Trong các giải pháp đang được triển khai đồng bộ, một số đã bước đầu tạo ra sự đột phá.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 6,6%

(HBĐT) - Hiện nay, toàn tỉnh có 43 trang trại và hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, trong đó 13 cơ sở nuôi chuyên thủy sản, 30 cơ sở kết hợp nuôi thủy sản. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản trong ao, hồ nhỏ có 2.686 ha. Các địa phương duy trì, phát triển được 4.630 lồng nuôi cá.

Huyện Lạc Thuỷ: Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt trên 229 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thủy, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tháng 4 năm 2020 trên địa bàn huyện ước thực hiện đạt 229,1 tỷ đồng (theo giá cố định 2010), đạt 33,2% kế hoạch năm.

Quyết liệt quản lý, bảo vệ rừng

(HBĐT) - Thời tiết diễn biến phức tạp, cùng với tình trạng thiếu đất sản xuất, tập quán canh tác nương rẫy, dẫn tới một số người dân còn lấn rừng làm nương. Cũng với đó, vẫn còn tồn tại tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp. Vì vậy, công tác bảo vệ rừng (BVR) luôn được coi trọng.

Thành phố Hòa Bình: Giải quyết việc làm mới cho trên 700 lao động

(HBĐT) - Thời gian qua, thành phố Hòa Bình triển khai nhiều giải pháp kết nối cung - cầu việc làm giữa các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn như mở các hoạt động hội thảo, hội nghị, tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề. Từ đó, nhiều người lao động có việc làm ổn định, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, TP Hòa Bình đã ban hành và triển khai Kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động năm 2020.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục