Chuyên gia tư vấn (ngồi giữa) tư vấn về nội dung, yêu cầu bắt buộc phải thực hiện trong hồ sơ tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh cho các chủ thể.
Năm 2020, UBND huyện triển khai, phổ biến kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tới tất cả các xã, thị trấn để từng địa phương lựa chọn sản phẩm lợi thế đăng ký tham gia. Nhờ vậy, Lạc Thủy là huyện có số lượng sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh nhiều nhất với 9 sản phẩm, gồm: Chè Sông Bôi, chủ thể Công ty TNHH 2 thành viên Sông Bôi Thăng Long, xã Phú Nghĩa; 2 sản phẩm cam Lạc Thủy của chủ thể nhà vườn Chung Hường, xã Phú Nghĩa và chủ thể nhà vườn Lan Thú, xã Phú Thành; dưa kim hoàng hậu, chủ thể Công ty TNHH MTV Hòa Bình GAP, thị trấn Ba Hàng Đồi; mật ong Khoan Dụ của HTX nuôi ong Khoan Dụ, xã Khoan Dụ; na Lạc Thủy thuộc hộ kinh doanh Nguyễn Bá Dũng; thịt dê tươi Lạc Thủy của Hội gây nuôi động vật hoang dã, xã Đồng Tâm; mây sả đan và tinh dầu sả của chủ thể Công ty CP du lịch sinh thái An Lạc Hoa, xã An Bình.
Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Năm 2019, mặc dù tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho chủ thể, lãnh đạo xã về Chương trình OCOP, tuy nhiên, mỗi hồ sơ gồm nhiều biểu mẫu, nội dung vẫn là rào cản, khó khăn cho các chủ thể. Để khắc phục hạn chế đó, ngày 22/4, Phòng NN&PTNT huyện đã mời đơn vị chuyên tư vấn về Chương trình OCOP tại Hà Nội về hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Qua đó, giúp chủ thể hiểu rõ hơn về Chương trình OCOP; định hướng phát triển, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm bằng việc thay đổi sản xuất, cải tiến mẫu mã bao bì, tem nhãn, chiến lược quảng bá sản phẩm, xây dựng kế hoạch tuyên truyền…
Ngoài ra, UBND tỉnh, UBND huyện Lạc Thủy bố trí kinh phí hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình. UBND tỉnh hỗ trợ 600 triệu đồng, trong đó, 300 triệu đồng để tổ chức tập huấn; 300 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể làm hồ sơ. Dự kiến trong năm nay, huyện tổ chức 5 lớp tập huấn cho chủ thể, lãnh đạo các xã, thị trấn; lãnh đạo hội, đoàn thể… Ngoài ra, Sở KH&CN hỗ trợ mỗi chủ thể 20 triệu đồng để làm tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản giúp tất cả chủ thể sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo quy trình có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Huyện phấn đấu 100% sản phẩm tham gia Chương trình OCOP sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Bá Dũng, thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm chia sẻ: Hiện nay, diện tích trồng na toàn thôn khoảng 21,2 ha, năng suất trung bình đạt 10 - 12 tấn/vụ. Na được bán với giá khoảng 30.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 50.000 đồng/kg. Gia đình tôi cùng 5 hộ trồng na trong thôn liên kết thành lập tổ hợp tác, để cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Năm nay, sản phẩm na của gia đình tôi đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Sau khi được chuyên gia tư vấn, chúng tôi đã hiểu hồ sơ tham gia Chương trình OCOP bắt buộc phải có: Giấy đăng ký kinh doanh, cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có sản phẩm mẫu là một lợi thế, tài liệu minh chứng thu mua…
9 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của huyện Lạc Thủy đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để tạo bứt phá trong năm nay.
Thu Thủy