Do ảnh hưởng dịch Covid-19, người dân xóm Túp, xã Tiền Phong (Đà Bắc) phải kéo cá, đem đi bán lẻ ở các chợ.
So với các hộ nuôi cá lồng của xã Tiền Phong, quy mô lồng nuôi của hộ ông Đinh Văn Nga, xóm Đoàn Kết lớn gấp 4-5 lần, trong đó có 3 lồng cá chiên đặc sản. Ông Nga trải lòng: Sau diễn biến dịch Covid-19, một số loại như trắm cỏ, lăng, rô phi lai còn túc tắc bán lẻ cho tư thương, riêng cá chiên vẫn không tiêu thụ được. Vì quá sốt ruột nên ông đã liên hệ qua điện thoại với một vài mối nhập hàng quen thuộc, nhưng phía thị trường chính của cá chiên thương phẩm là Trung Quốc hiện ngừng giao dịch. Bình thường nếu không bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nuôi cá chiên rất có giá, dao động trên, dưới 400.000 đồng/kg. Do mất thị trường đối với cá chiên, các loại cá khác tiêu thụ chậm, ông Nga đang từng ngày chờ đợi tín hiệu của thị trường, cầm chắc nguy cơ thua lỗ.
Qua trao đổi với đồng chí Xa Văn Thức, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, nghề nuôi cá lồng đã cải thiện đời sống, mang về nguồn thu chủ yếu cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Toàn xã có 6/7 xóm vùng hồ, 50% hộ dân nuôi cá, với tổng số 800 lồng nuôi. Bà con nuôi nhiều nhất các loại cá trắm đen, lăng, trắm cỏ, rô phi lai. Gần đây, một số hộ mạnh dạn đầu tư nuôi thêm cá chiên đặc sản. Có một thực tế là trong hơn 1 tháng qua, tình hình tiêu thụ cá lồng rất khó khăn, giá cá lồng thương phẩm giảm 1/3, thậm chí có loại giảm 1/2 so với trước đây, đầu ra không thuận lợi. Trên địa bàn không có HTX hay doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Vấn đề tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Một số hộ nuôi buộc phải tự kéo lồng, mang cá đi bán lẻ tại các chợ. Hiện tại, giá bán lẻ cá lăng (loại trên 3kg/con) chỉ 50.000 - 60.000 đồng/kg, trắm cỏ (loại trên 4 kg) 60.000 - 65.000 đồng/kg, trắm đen (loại trên 5kg) chỉ 90.000 đồng/kg...
Thực trạng cá lồng thương phẩm không bán được xảy ra phổ biến ở tất cả các xã vùng hồ. Trong thời điểm dịch Covid-19, các doanh nghiệp, HTX, tư thương dừng thu mua. Hiện tại, một số tư thương có đến giao dịch, nhưng tiêu thụ vẫn chậm và mức độ nhỏ lẻ. Ngay như các doanh nghiệp, HTX sản xuất, tiêu thụ cá lồng cũng đang rất khó khăn. Anh Xa Văn Huy, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp Hiền Lương, xã Hiền Lương cho biết: Cửa hàng của HTX phải đóng cửa đến giờ vẫn chưa mở lại. 2 doanh nghiệp đang tiêu thụ sản phẩm cá lồng đặc sản cho HTX là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Cường Thịnh, Công ty TNHH Hưng Nguyên kể từ đầu năm đã tạm dừng giao dịch. Trước đây, khi có liên kết tiêu thụ, doanh nghiệp tổ chức thu mua cả lồng, tiêu thụ 7 tạ - 1 tấn cá/chuyến. Trong khi các doanh nghiệp chưa kết nối thu mua trở lại, HTX buộc phải bán lẻ cho tư thương, mỗi lần bán chỉ vài chục kg, giá bán cũng giảm nhiều.
Tìm hướng giải quyết đầu ra cho 2.000 lồng cá, bảo đảm nguồn sinh kế ổn định, cũng như khôi phục sản xuất cho người dân vùng hồ trong lúc dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng là vấn đề đặt ra ở địa phương. Đồng chí Bùi Thị Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: Trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo các ngành liên quan tích cực đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, liên hệ với các doanh nghiệp, nhà phân phối để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cá lồng đặc sản cho bà con. Hiện nay, các chuỗi du lịch, nhà hàng bắt đầu hoạt động trở lại là cơ hội để kết nối lại chuỗi cung ứng. Huyện cũng khuyến khích, thúc đẩy thành lập Hội Nghề cá, nhân rộng mô hình thực hiện sơ chế tại chỗ sản phẩm cá lồng của HTX dịch vụ sản xuất, kinh doanh nông lâm nghiệp Hiền Lương, nhằm đưa sản phẩm tới gần hơn các thị trường Hà Nội, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai...
Bùi Minh