Người dân ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam tại siêu thị thuộc Trung tâm thương mại giải trí AP Plaza,Công ty TNHH Anh Phong, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình).
Là cơ quan thường trực, MTTQ phối hợp với các tổ chức CT-XH, doanh nghiệp tuyên truyền ý nghĩa CVĐ bằng nhiều hình thức đến đoàn viên, hội viên, Nhân dân. Mỗi năm, tuyên truyền lồng ghép thông qua các hội nghị, tập huấn cho trên 100.000 lượt người. Đồng thời, triển khai lồng ghép CVĐ với các chương trình, đề án, phong trào thi đua yêu nước khác, nhất là CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
CVĐ cũng được đánh giá làm chuyển biến tư duy, trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân trong sản xuất hàng hóa chất lượng tốt, hợp thị hiếu, giá hợp lý để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, hạn chế tình trạng gian lận thương mại để người tiêu dùng an tâm hơn khi dùng hàng Việt. Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn được người dân đón nhận, có dịp so sánh chất lượng với hàng ngoại cùng chủng loại, từng bước thay đổi tư duy sính hàng ngoại.
Công ty CPTM Định Nhuận, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) là doanh nghiệp tích cực hưởng ứng CVĐ, công ty kinh doanh 10 nhóm hàng tiêu dùng. Giám đốc Phạm Thị Nhuận cho biết: 100% hàng hóa tại hệ thống phân phối tới hơn 1.000 cửa hàng khắp 10 huyện, thành phố trong tỉnh là hàng Việt. Tại siêu thị Vì Hòa Bình, trên 90% hàng Việt. CVĐ không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất trong nước, mà còn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì hàng ngoại mà giả, nhái rất khó phát hiện. Thời kỳ dịch Covid-19, công ty chủ động nguồn hàng, luôn đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với giá hợp lý.
Đối với Công ty CPĐT phát triển Anh Kỳ, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình), tại siêu thị có gần 200.000 mặt hàng. Thời kỳ dịch Covid-19, có lúc người dân đổ xô đi mua hàng nhưng siêu thị vẫn luôn đáp ứng. Chủ trương đa dạng hóa sản phẩm nhưng cũng có đến 80% hàng Việt. Công ty quan tâm tổ chức các chương trình khuyến mại, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng... để kích cầu tiêu dùng.
Trong khó khăn đại dịch Covid-19, khi các nước đóng cửa biên giới, tạm ngừng giao thương càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của hàng Việt và thị trường nội địa. Lúc này có thể thấy lợi ích song hành, tương hỗ nhau cả với doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Chính, khi nước ta xuất hiện dịch Covid-19, Sở đã ban hành các văn bản để chủ động nắm bắt tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, đảm bảo nguồn cung, nguồn dự trữ, tổ chức các đoàn khảo sát, kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, điểm phân phối mua sắm lớn. Chỉ đạo trực tiếp các doanh nghiệp khi xảy ra hiện tượng bất thường mua hàng tích trữ số lượng lớn. Xây dựng kịch bản đảm bảo nguồn cung hàng hóa đến cấp độ 5. Do đó, tình hình giá cả, thị trường hàng hóa trong tỉnh không có biến động lớn.
Là thành viên Ban chỉ đạo CVĐ, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy bán hàng Việt; hỗ trợ phát triển sản xuất, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Xây dựng 2 mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; 4 điểm bán hàng Việt với tên "Tự hào hàng Việt Nam" tại 4 huyện... Thời gian tới, phấn đấu tất cả các địa phương đều có điểm bán hàng Việt. Tổ chức kết nối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa qua nhiều kênh như chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất. Hỗ trợ, định hướng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt đi vào chất lượng, phát triển thương hiệu, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đặng Bích Ngọc cho biết: "Để tiếp nối kết quả và tăng tính hiệu quả của CVĐ trước diễn biến của dịch Covid-19, MTTQ tỉnh đã dự thảo kế hoạch triển khai CVĐ, xin ý kiến các ngành thành viên”. Nhiều ý kiến cho rằng, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nâng cao vai trò của các thành viên, sự tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp và toàn dân là một trong những giải pháp quan trọng.
Cẩm Lệ