(HBĐT) - Nhiều năm nay, xã Đú Sáng (Kim Bôi) được biết đến là điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với những cây trồng chủ lực như bí xanh, mướp đắng, bí đỏ lấy hạt, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, câu chuyện "được mùa rớt giá, được giá mất mùa” không mới, nhưng đang xảy ra với người dân Đú Sáng. Không tiêu thụ được hàng hóa nông sản, giá nông sản thấp khiến người dân nơi đây chất chồng thêm những nỗi lo.
Với giá bán 2.000 đồng/kg, nông dân xã Đú Sáng (Kim Bôi) chấp nhận chịu lỗ bán bí xanh cho tư thương.
Khoảng 8 năm trở lại đây, bí xanh là một trong những cây trồng được nông dân Đú Sáng đưa vào sản xuất 2 vụ xuân - hè, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Theo thông kê, tổng diện tích bí xanh của xã là 175 ha. Với trình độ kỹ thuật thuần thục, quan tâm đầu tư, chăm sóc, bí xanh có mã đẹp, sản lượng khá cao, ổn định, năng suất bình quân trên 21 tấn/ha.
Những ngày cuối tháng 5, dọc con đường từ trung tâm xã về các xóm, 2 bên đường bà con chất đầy bí xanh chờ tư thương đến thu mua. Gia đình chị Quách Thị Nguyệt cùng các hộ ở xóm Sáng Mới vừa thu hái bí xanh tập kết về ven đường, chờ tư thương chuyên chở. Chị Nguyệt cho biết: Nhà tôi trồng 2.500 gốc, năm ngoái thu được 8 tấn/2 vụ. Đây là lứa quả thứ 3 kể từ đầu vụ, mỗi lứa thu hái ít nhất cũng từ 1,2 - 1,5 tấn quả. Năng suất, chất lượng bí vụ này vẫn đều như các vụ trước, nhưng giá cả lại không thuận. Hiện tại, tư thương thu mua tại điểm tập kết với giá 2.000 đồng/kg, trong khi giá bán đầu vụ từ 8.000-10.000 đồng/kg.
Trên cánh đồng Bưa Sào, những giàn bí xanh sai trĩu quả đã đến kỳ thu hoạch, nhưng người nông dân vẫn chưa thu hái, bởi lẽ, lượng bí đã thu hoạch vẫn chất đống trên đường, mà chưa có người đến thu mua.
Các hộ dân nơi đây thật sự lo lắng về vấn đề đầu ra sản phẩm và giá cả cuối vụ. Bà Bùi Thị Hạ, xóm Bãi Tam chia sẻ: Năm ngoái, giá bình quân cả vụ 8.000 đồng/kg, lúc thấp nhất cũng bán được 4.000 - 5.000 đồng/kg. Giá bán hiện giờ quả đẹp mới được 2.000 đồng/kg, quả kém mã chỉ 1.000 -1.500 đồng/kg. Tư thương đến thu mua giải thích là theo giá chung thị trường, nhưng quá thấp so với dự tính của nhà nông như thế này, thì không thu hồi đủ vốn đầu tư chứ mong gì có lãi.
Bí thư chi bộ Bãi Tam Bùi Văn Thuấn cho biết: Bí xanh thương phẩm là loại cây dễ trồng, không tốn công chăm sóc, thu hoạch nhanh, năng suất cao, ít sâu bệnh, do đó, nông dân được khuyến khích mở rộng diện tích, việc tiêu thụ chủ yếu do người dân tự tìm thị trường. Khi sản xuất với lượng lớn, thường bị tư thương ép giá. Dù vậy vẫn phải bán cho tư thương, vì bí đã đến kỳ thu hoạch, nếu không thu hái, bí già quá sẽ bị chua và không kịp chuẩn bị đất để sản xuất vụ sau.
Bí rớt giá chỉ còn 2.000 đồng/kg, chắc chắn bà con sẽ phải chịu lỗ. Nhưng hiện nay, dù giá bí xuống thấp vẫn không có tư thương thu mua, lượng bí tồn đọng cả trăm tấn. Xã đang liên hệ một số cửa hàng, siêu thị, tìm thị trường tiêu thụ, giải cứu bí giúp bà con.
Đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi nhận định: Bí xanh là một trong những cây trồng chuyển đổi có giá trị kinh tế cao, có thể cho thu nhập 120 - 200 triệu đồng/ha, với điều kiện giá cả ổn định như mọi năm. Hiện, bí xanh thương phẩm đang vấp phải trở ngại về giá là thực tế diễn ra trên địa bàn. Với mức chi phí đầu tư và công sức bỏ ra, nếu tư thương chỉ mua 2.000 đồng/kg chắc chắn lỗ. Giá bán bình quân phải từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, người trồng bí mới có lãi. Mối lo dài hơi hơn là đầu ra sản phẩm bí xanh lâu nay vẫn là thị trường tự do, bị tư thương chi phối. Huyện cũng đang định hướng liên kết với một số doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản, trong đó có rau, củ, quả các loại và bí xanh an toàn. Có được đầu ra ổn định, bí xanh và một số nông sản khác do nông dân trên địa bàn làm ra mới tránh được tình trạng muôn thủa "được mùa, rớt giá”.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn gây ra tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi trong việc tái đàn, nhất là thời điểm giá lợn giống đắt đỏ.
Những năm gần đây, kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) ở Ðắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực. Các HTX từng bước đổi mới công tác quản lý, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên và hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển...
Sáng 3/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
(HBĐT) - Vụ đông xuân 2020 diễn ra trong thời điểm toàn tỉnh đối mặt với những khó khăn lớn, do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và dịch Covid-19. Tuy nhiên, nông dân các địa phương đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ đông xuân và đạt được nhiều kết quả quan trọng.