Những năm gần đây, kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) ở Ðắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực. Các HTX từng bước đổi mới công tác quản lý, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên và hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển...


Hệ thống nhà màn phơi sấy để sản xuất cà-phê chất lượng cao honey do các doanh nghiệp hỗ trợ HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tiến.

Chỗ dựa tin cậy của nông dân

Với tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhiều loại cây trồng, lại nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên và được tạo điều kiện thuận lợi cho nên trong những năm gần đây, KTTT mà nòng cốt là HTX ở Ðắk Lắk đã tăng nhanh về số lượng và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. HTX nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột thành lập vào tháng 8-2015 với 49 xã viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) diện tích sản xuất 60 ha cà-phê. Ðến nay, HTX mở rộng liên kết sản xuất với 185 thành viên là đồng bào DTTS ở xã Ea Tu với diện tích 210 ha cà-phê. Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Công Bằng cho biết: "Những năm gần đây, trước tình hình giá cà-phê giảm mạnh, bất lợi cho nông dân nên HTX đã chủ động chuyển sang sản xuất cà-phê sạch theo chứng chỉ FLO và gần đây sản xuất, chế biến thêm cà-phê đặc sản. HTX đã đảm nhận từ khâu cung ứng vật tư đầu vào đến quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho toàn thể xã viên và thành viên liên kết". Chị H’Duen Buôn Yă ở buôn Ko Tam, xã Ea Tu chia sẻ: "Gia đình tôi làm được 1 ha cà-phê. Kể từ khi tham gia HTX vào năm 2015 đến nay, hằng năm tôi được tập huấn về khoa học kỹ thuật, được HTX hỗ trợ phân bón và hướng dẫn quy trình sản xuất cà-phê hữu cơ, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường nên gia đình tôi đã thoát khỏi khó khăn. Từ thực tế của gia đình tôi, nhiều người dân trong buôn, trong xã đã tham gia liên kết sản xuất với HTX để nâng cao thu nhập".

Ở huyện Cư M’gar, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp) nhờ đổi mới hoạt động đã trở thành chỗ dựa tin cậy của nhiều nông dân ở địa phương. Dẫn chúng tôi đi thăm dây chuyền chế biến, phơi sấy cà-phê hiện đại của HTX, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Quảng Tiến Trương Hoàng Trung chia sẻ: Từ ngày thành lập đến nay, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, ban quản trị HTX luôn trăn trở, tìm hướng đổi mới hoạt động theo hướng liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thông qua liên kết, HTX được các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước hỗ trợ một máy sàng phân loại cà-phê; xây dựng nhà kho, nhà sơ chế với diện tích 1.000 m2, sân phơi 1.146 m2; hỗ trợ hạ tầng tưới tiết kiệm cho 40 ha cà-phê và phần mềm tưới thông minh, trạm dự báo thời tiết cho 12 hộ xã viên; làm năm nhà màn với diện tích 500 m2 để phục vụ phơi sấy sản xuất cà-phê honey…. Bên cạnh đó, HTX còn phối hợp Công ty Bayer Việt Nam, Nestle Việt Nam… thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cà-phê, hồ tiêu cho xã viên; liên kết Công ty TNHH một thành viên nông sản ÐK ở tỉnh Bình Dương bao tiêu sản phẩm hồ tiêu cho xã viên với giá cao hơn giá trị trường 1.000 đồng/kg… Nhờ đó, đời sống của xã viên không ngừng được cải thiện. Ðến nay, HTX có 154 thành viên, trong đó có 55 thành viên liên kết.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ðắk Lắk Huỳnh Bài cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 534 HTX và bốn liên hiệp HTX, trong đó có 321 HTX nông nghiệp. So với trước đây, các HTX nông nghiệp hiện nay đều đổi mới mô hình hoạt động, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nhiều HTX đã liên kết với hộ nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế để cung ứng các dịch vụ đầu vào sản xuất; hỗ trợ, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao; định hướng cho xã viên trồng các loại cây trồng mới; chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định.

Một số HTX đã tham gia vào chuỗi giá trị như chuỗi cà-phê, hồ tiêu, lúa gạo, ca-cao, mắc-ca… chuyển từ bán nguyên liệu cho doanh nghiệp sang chế biến, đồng thời quan tâm chú trọng đến ma-két-tinh, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm… Bên cạnh đó, nhiều HTX nông nghiệp đã chú trọng đến sản xuất có chứng nhận, sản phẩm hữu cơ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm như tiêu chuẩn FLO, 4C, RFA, UTZ, VietGAP đối với cà-phê, hồ tiêu; cung ứng cho thành viên và xã hội các sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản phẩm hữu cơ…

Các HTX nông nghiệp mở rộng hoạt động đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 7.600 lao động; vận động kết nạp được 12 nghìn thành viên là hộ nông dân tham gia HTX để góp vốn, liên kết tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, tập trung và khối lượng hàng hóa lớn, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ… Từ đó liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất gắn với sơ chế, chế biến, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, vừa nâng cao thu nhập, lợi ích cho thành viên và HTX, vừa góp phần vào quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở địa phương. Ðáng chú ý, các HTX nông nghiệp còn hỗ trợ đắc lực cho các hộ sản xuất nhỏ, kinh tế hộ gia đình phát triển và tạo ra "chất keo" gắn kết giữa người dân và cộng đồng với nhau, nhất là ở vùng đồng bào DTTS…

Tháo gỡ khó khăn để phát triển

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng hoạt động của các HTX nông nghiệp ở Ðắk Lắk vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ðắk Lắk Huỳnh Bài, nguyên nhân do xuất phát điểm của HTX nông nghiệp thấp, phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, vốn góp của các thành viên ít, khó tiếp cận các nguồn vốn vay… dẫn đến hạn chế trong việc đầu tư đổi mới trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất, chế biến. Chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của nhiều HTX chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường thấp. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động vẫn mang tính ngắn hạn; năng lực, trình độ quản lý của HTX hạn chế. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Ðắk Lắk, số cán bộ quản lý của các HTX ở Ðắk Lắk hiện nay có trình độ đại học, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 15 đến 20%. Do vậy, các HTX chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn, các hoạt động kinh tế thiếu ổn định, bị động. Số HTX làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên chưa nhiều, lợi ích mang lại chưa lớn. Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp luôn chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh và giá cả nông sản biến động. Việc liên kết sản xuất giữa HTX với HTX và giữa HTX với doanh nghiệp chưa nhiều, chưa chặt chẽ trong thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, dẫn tới lợi ích mang lại cho thành viên và HTX chưa cao, chưa tạo được động lực để người dân gắn bó, tham gia vào HTX. Mặt khác, nhiều HTX hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động trong nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, làm mất niềm tin của nhân dân đối với loại hình kinh tế này khiến họ e dè tham gia góp vốn hoặc liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, khoa học - công nghệ, thành lập mới HTX, đầu tư cơ sở hạ tầng, về đất đai, tiếp cận vốn… đã ban hành nhưng việc thể chế hóa còn chậm, nguồn lực thực hiện hạn chế.

Ðồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðắk Lắk cho biết: Xác định vai trò, vị trí, ý nghĩa của KTTT mà nòng cốt là HTX đối với nền kinh tế của tỉnh, nhất là đối với nông nghiệp, nông dân, mới đây Tỉnh ủy Ðắk Lắk đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về phát triển KTTT của tỉnh. Theo đó, mục tiêu tỉnh Ðắk Lắk phấn đấu đến năm 2025 có 80% số HTX hoạt động có hiệu quả, có 50% số hộ nông dân tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác; đến năm 2030 có 90% số HTX hoạt động có hiệu quả và có 70% số hộ nông dân tham gia các tổ chức kinh tế hợp tác… Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, HÐND và UBND tỉnh đang cụ thể hóa Nghị quyết của Tỉnh ủy bằng các chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách cụ thể để triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết thêm, để thúc đẩy HTX nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cần thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với HTX như tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi để HTX đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý và thành viên HTX; hỗ trợ HTX xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từng bước hình thành liên hiệp HTX hoặc sáp nhập, hợp nhất để tăng quy mô, hình thành vùng nguyên liệu, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, lao động cho sản xuất. Khuyến khích các HTX nông nghiệp sản xuất các sản phẩm có chứng nhận, có nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ, chế biến sâu theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm của HTX. Ðồng thời cần hỗ trợ HTX tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, kết nối thị trường tiêu thụ trong nước và ngoài nước… Qua đó, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho xã viên và nhân dân.

TheoNhanDan

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn được xác định là vùng động lực của tỉnh, quá trình phát triển khá sôi động. Tuy nhiên, cũng đặt ra những vấn đề khó khăn trong công tác quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai. Huyện đang triển khai nhiều giải pháp về nâng cao chất lượng thực hiện quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững.

Thanh toán 50 triệu USD trước khi chạy thử đường sắt Cát Linh - Hà Đông là chưa phù hợp

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ngày 2-6 khẳng định, việc tổng thầu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đề nghị thanh toán 50 triệu USD trước khi thực hiện vận hành thử toàn hệ thống là chưa phù hợp với các điều khoản thanh toán của hợp đồng và các phụ lục hợp đồng đã ký. Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) sẽ thực hiện thanh toán cho tổng thầu theo các quy định của hợp đồng và các quy định pháp luật.

Huyện Cao Phong khẩn trương khắc phục hậu quả do dông lốc gây ra

(HBĐT) - Khoảng 16h40’ ngày 1/6, trên địa bàn huyện Cao Phong bất ngờ xảy ra mưa kèm dông lốc làm 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng; 25 nhà bị tốc mái (hư hỏng trên 70%) và thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu. Tổng thiệt hại ước khoảng 4,5 tỷ đồng. 

Danh sách doanh nghiệp nợ thuế đến ngày 30/4/2020

(HBĐT) - LTS: Cục Thuế tỉnh ban hành Công văn số 3192/CT-QLN ngày 29/5/2020 về việc công khai doanh nghiệp nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, Cục Thuế đề nghị đăng tải công khai danh sách các doanh nghiệp và số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp ngân sách Nhà nước đến thời điểm 30/4/2020. Danh sách như sau:

Ngày 27-6, Hà Nội tổ chức hội nghị “Hợp tác đầu tư và phát triển”

Ngày 1-6, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì hội nghị của Thường trực Thành ủy Hà Nội về nội dung, chương trình tổ chức và danh mục các dự án dự kiến trao đổi tại Hội nghị xúc tiến đầu tư "Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”.

Thành phố Hòa Bình: 5 tháng, thu ngân sách Nhà nước bằng 46,21% dự toán năm

(HBĐT) - Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý và khai thác nguồn thu, chống thất thu ngân sách. Đồng thời thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế nhằm phấn đấu giảm nợ cũ, hạn chế phát sinh nợ mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục