(HBĐT) - Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) các cấp được lập và phê duyệt để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của các địa phương theo chu kỳ thời gian cụ thể đã xác định. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để việc quy hoạch, kế hoạch SDĐ dần tích hợp, thống nhất với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, xây dựng đô thị, xây dựng xã NTM, cũng như quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có SDĐ.



Việc quy hoạch xây dựng khu thương mại bờ trái sông Đà đã góp phần đổi mới bộ mặt đô thị TP Hòa Bình theo hướng hiện đại, kết nối. 

Theo đó, điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm (2016 - 2020) cấp tỉnh; điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ năm đầu cấp huyện đã được UBND tỉnh chỉ đạo lập, thẩm định, trình duyệt theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu SDĐ đến năm 2019 với tổng diện tích trên 459.000 ha, gồm: đất nông nghiệp trên 386,3 nghìn ha; đất phi nông nghiệp trên 53.740 ha; đất chưa sử dụng gần 18.990 ha.

Mới đây, tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh với Sở TN&MT, đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở cho biết: Thời gian qua, Sở TN&MT đã nỗ lực, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành triển khai kế hoạch thực hiện 5 chỉ tiêu dự báo khó đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Sở vào tháng 9/2019. Một trong những phần việc trọng tâm là tập trung thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Sở đã hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thành phố rà soát, bổ sung dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp, thẩm định báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua bổ sung danh mục thu hồi, chuyển mục đích SDĐ lúa, đất rừng phòng hộ.

HĐND tỉnh đã thông qua bổ sung danh mục thu hồi 119 dự án, diện tích 615,36 ha; chuyển mục đích SDĐ lúa, đất rừng phòng hộ 80 dự án, diện tích hơn 300 ha tại Nghị quyết số 245/NQ-HĐND. ngày 24/2/2020. Sở TN&MT cũng rà soát, tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển KT-XH, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; danh mục các dự án chuyển mục đích SDĐ để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh từ năm 2014 – 2019. Bên cạnh đó, Sở hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố lập, chỉnh sửa, bổ sung hoàn chỉnh Kế hoạch SDĐ năm 2020, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Để công tác quy hoạch SDĐ đạt chất lượng, UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ hàng năm và thực hiện theo chương trình chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành, chương trình thanh, kiểm tra của các cơ quan địa phương. Định kỳ các cơ quan chức năng như Thanh tra cấp huyện, Thanh tra Sở TN&MT, Thanh tra tỉnh có chương trình kiểm tra, giám sát, thanh tra tình hình quản lý, SDĐ, trong đó có việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ tại địa phương. Ngoài ra, công tác giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ của địa phương được đẩy mạnh theo Kế hoạch số 83, ngày 1/8/2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh), về việc giám sát công tác quản lý Nhà nước thực hiện các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ trên địa bàn tỉnh…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, những năm qua, công tác quy hoạch SDĐ của tỉnh còn nhiều hạn chế. Quy hoạch mới làm tốt nhóm các dự án phát triển hạ tầng, các dự án đầu tư công khác, do những dự án này đã được xác định, đăng ký trước theo pháp luật đất đai. Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, như nhóm dự án nhà ở thương mại, sân golf, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ khác, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp (CCN)… còn phải bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ, do các nhà đầu tư đăng ký sau khi quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã được phê duyệt.

Thực tế cho thấy, kết quả thực hiện quy hoạch SDĐ đối với nhóm đất phi nông nghiệp đạt thấp, nhất là đất phát triển hạ tầng và đất phát triển khu, CCN. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015 thực hiện đạt 77,92%, giai đoạn 2016 - 2019 chỉ đạt 48,69%. Cùng với đó là quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư chậm, hoặc chưa bố trí được nguồn lực tài chính để đầu tư dự án, hay chưa thỏa thuận xong việc nhận chuyển nhượng quyền SDĐ để thực hiện các dự án SX-KD phi nông nghiệp, nên chưa đủ cơ sở thực hiện các thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ, từ đó ảnh hưởng tới kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ.

Theo đó, để quy hoạch SDĐ giai đoạn 2021 - 2030 cấp huyện, kế hoạch SDĐ 5 năm (2021 - 2025) cấp tỉnh, kế hoạch SDĐ hàng năm cấp huyện được triển khai lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện đạt chất lượng cao theo Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng cần nâng cao chất lượng lập quy hoạch SDĐ, quy hoạch tập trung cho các khu vực trung tâm, đất có giá trị thương mại cao, thuận lợi giao thông, có tiềm năng phát triển du lịch, thương mại dịch vụ, trên cơ sở tích hợp, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng, xây dựng đô thị, xã NTM và các quy hoạch ngành khác. Đề xuất các khu vực thuận lợi phù hợp với điều kiện tự nhiên, KT-XH, QP-AN để đưa vào quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch hệ thống du lịch, mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao…

Trên cơ sở nguồn vốn đầu tư công trung hạn, dự tính nguồn vốn đầu tư công dài hạn và nguồn đầu tư ngoài NSNN để rà soát, đề xuất lập, điều chỉnh quy hoạch theo lĩnh vực ngành được giao quản lý. Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch SDĐ theo quy định của pháp luật…

Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu, việc giới thiệu địa điểm để các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư phải phù hợp với các khu chức năng về phát triển nhà ở thương mại tại nông thôn, đô thị, khu, CCN, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp và các mục đích khác theo quy hoạch tỉnh, vùng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch SDĐ các cấp đã được phê duyệt. Hạn chế tối đa đầu tư ngoài quy hoạch.

Khi tiến hành thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ thực hiện dự án đầu tư, phải tính đến năng lực của chủ đầu tư, nhằm đảm bảo dự án triển khai đúng tiến độ, khả thi; kiên quyết không giải quyết với các trường hợp không có trong kế hoạch SDĐ…
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh nhấn mạnh: Quy hoạch xây dựng là chìa khóa số 1, quy hoạch SDĐ là chìa khóa thứ 2 để phát triển KT - XH, thu hút đầu tư. Do vậy, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để thực hiện quy hoạch SDĐ cần dành nguồn vốn thuê tư vấn thực hiện và phải hoàn thành ngay trong năm nay, bởi nếu không có quy hoạch SDĐ chu kỳ 2021 - 2025, thì không thể thu hút các dự án đầu tư. Các huyện, thành phố cần cập nhật dự án đã và đang triển khai, để việc quy hoạch SDĐ đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển. Để làm tốt vấn đề này thì vai trò của các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố và kể cả các nhà đầu tư là rất quan trọng.

Sử dụng đất đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội

Sử dụng đất (SDĐ) hiệu quả là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tăng nguồn thu ngân sách... Do vậy, để nâng cao hiệu quả SDĐ trên địa bàn tỉnh, từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, như các kế hoạch về: triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013; triển khai việc nâng cao hiệu quả quản lý, SDĐ các công ty nông, lâm nghiệp, các dự án đầu tư... Đặc biệt, ngày 23/7/2015, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15 về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh...

Dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của UBND tỉnh, những năm qua, công tác quản lý đất đai đã đạt những kết quả nhất định. Nổi bật là công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ được chú trọng. Toàn tỉnh đã giao đất không thu tiền SDĐ trên 314 ha; giao đất có thu tiền SDĐ, không thông qua đấu giá quyền SDĐ gần 53 ha; cho thuê đất hơn 2.400 ha; cho phép chuyển mục đích SDĐ trên 45 ha. Đồng thời, thu hồi trên 14.170 ha đất vì mục đích QP - AN, phát triển KT - XH, do vi phạm pháp luật về đất đai... Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quan tâm. Tỉnh đã hoàn thành bồi thường, GPMB đối với 1.275 công trình, dự án; thực hiện thu hồi gần 558 ha đất các loại của 94 lượt tổ chức, 5.790 lượt hộ gia đình, cá nhân SDĐ; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ đã chi trả trên 1.457 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố coi trọng thực hiện công tác đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Theo số liệu báo cáo của Ban cán sự  Đảng UBND tỉnh, qua các thời kỳ thực hiện Luật Đất đai đến nay, trong tỉnh đã thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính trên 413.390 ha đất (1.900.380 thửa) các loại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, tiến hành đăng ký đất đai bắt buộc theo quy định tại Điều 95, Luật Đất đai được 2.279.024 thửa, gồm 2.058.219 thửa đã cấp giấy chứng nhận, 220.806 thửa không phải cấp giấy chứng nhận. Cấp được trên 305.497 ha đất, với 927.000 giấy chứng nhận, trong đó, cấp cho các tổ chức 6.802 giấy chứng nhận; hộ gia đình, cá nhân 920.198 giấy chứng nhận.

Từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đến nay, đã mang lại nguồn thu từ đất cho ngân sách được 2.047.858 triệu đồng, bao gồm tiền SDĐ 1.463.365 triệu đồng, tiền thuê đất 366.631 triệu đồng, thuế SDĐ 37.170 triệu đồng, các loại phí, lệ phí từ đất đai 180.692 triệu đồng. Ngoài ra, đã đấu giá quyền SDĐ được 62 lượt khu đất, dự án, diện tích gần 58 ha, với 1.119 lượt tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá thành, nguồn thu từ đấu giá quyền SDĐ được 577.700 triệu đồng.

Mặc dù việc SDĐ đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, công tác này còn những hạn chế cần có giải pháp khắc phục. Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong những năm qua, công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn thiếu chặt chẽ, xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, để đất hoang hóa. Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai triển khai chậm, gặp khó khăn trong quản lý. Đất sản xuất nông nghiệp manh mún, quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, hiệu quả SDĐ nông nghiệp chưa cao.

Nguồn thu ngân sách từ đất còn thấp. Đầu tư tài chính cho công tác quản lý đất đai hạn chế; việc quản lý, phát triển thị trường quyền SDĐ trong thị trường bất động sản diễn ra chậm. Đặc biệt, UBND tỉnh đánh giá, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu quyết liệt trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai ở cả 3 cấp còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ...

Riêng về những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch SDĐ liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCI của tỉnh, đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 19.000 ha đất nông, lâm nghiệp chưa được giao, trong đó, khoảng 2.000 ha là đất sản xuất nông nghiệp, diện tích còn lại là đất lâm nghiệp. Thực tế hiện đất các hộ dân đang sử dụng, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ do UBND cấp xã quản lý. Khi thực hiện các dự án đầu tư, rà soát nguồn gốc, thời điểm SDĐ, các hộ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận để thực hiện quyền chuyển nhượng, hoặc đủ điều kiện được bồi thường về đất. Theo quy định của Luật Đất đai, để thực hiện chuyển nhượng đất đai giữa nhà đầu tư và hộ dân, khi chưa có giấy chứng nhận quyền SDĐ, phải thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân.

Từ thực trạng trên, mới đây, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh có báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy, trong đó đã đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả SDĐ trên địa bàn. Cụ thể, yêu cầu các cấp, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ các hộ SDĐ, nhà đầu tư về thủ tục pháp lý liên quan đến tiếp cận vay vốn tín dụng, đầu tư SX-KD, vận chuyển hàng hóa, đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tạo môi trường thu hút đầu tư SX-KD phi nông nghiệp, bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển KT - XH với các mục tiêu an sinh xã hội, tạo môi trường sống hài hòa, bền vững cho người dân.

Khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để SDĐ hiệu quả bền vững, không chỉ tập trung tăng năng suất, diện tích các loại cây trồng hàng hóa, mà phải tạo ra vùng sản xuất an toàn, mang lại giá trị cao, lâu dài, gắn với bảo vệ môi trường.

Huy động mọi nguồn lực, quan tâm thỏa đáng đến việc đầu tư kinh phí tối thiểu 10% nguồn thu từ đất, để thực hiện công tác quản lý đất đai, đặc biệt là việc đo đạc lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai tỉnh Hòa Bình, công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, khu đô thị tại các huyện, thành phố theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo cần ban hành quy định xác định rõ trách nhiệm cụ thể giữa tỉnh và địa phương, trong từng ngành, từng cấp, cơ quan, đơn vị, trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc quản lý đất đai nói chung và thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định danh mục các khu đất, dự án giao đất có thu tiền SDĐ để tạo nguồn thu cho NSNN...



Dự án Phố chợ Lương Sơn được quy hoạch đồng bộ, hiện đại, là điểm nhấn về kiến trúc đô thị, góp phần đưa Lương Sơn trở thành thị xã. 
Bình Giang

Các tin khác


Nâng mức giảm trừ với người nộp thuế lên 11 triệu đồng/tháng

Từ ngày 1-7-2020, mức giảm trừ với đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân tăng lên 11 triệu đồng/tháng, tương đương 132 triệu đồng/năm, tăng hai triệu đồng mỗi tháng so với quy định hiện hành.

Bảo vệ đàn lợn trước dịch tả lợn châu Phi

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn gây ra tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi trong việc tái đàn, nhất là thời điểm giá lợn giống đắt đỏ. 

Ðắk Lắk phát triển hợp tác xã nông nghiệp

Những năm gần đây, kinh tế tập thể (KTTT), mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) ở Ðắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực. Các HTX từng bước đổi mới công tác quản lý, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị hàng hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên và hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển...

Thủ tướng: Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đòi hỏi đổi mới tư duy, giải pháp hiệu quả

Sáng 3/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục