Ngày 18/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với đại diện các bộ, ngành hữu quan, các hiệp hội về xây dựng Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Giá trị xuất khẩu vật liệu xây dựng không cao
Ngành vật liệu xây dựng trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đều có sự chuyển biến một cách tích cực. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 đến 3 lần so với thời kỳ 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Công nhân Công ty cổ phần xi măng La Hiên - VVMI bốc xếp xi măng cho khách hàng. Ảnh/Hoàng Thảo Nguyên/TTXVN
Đơn cử như xi măng, hiện nay Việt Nam đang xếp thứ 5 trên thế giới về năng lực sản xuất xi măng chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Trong vòng mười năm kể từ 2009, năng lực sản xuất xi măng của Việt Nam tăng hơn 2 lần từ 45,5 triệu tấn lên khoảng 100 triệu tấn, đưa Việt Nam từ nước phải nhập xi măng và clanhke trở thành nước xuất khẩu xi măng và clanhke nhiều nhất thế giới với hơn 30 triệu tấn vào năm 2018, gấp đôi Thái Lan (thứ 2).
Tuy nhiên, công tác quản lý và phát triển vật liệu xây dựng hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng tờ trình Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Theo ông Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch Hội bê tông Việt Nam, nước ta đang xếp thứ 5 trên thế giới về năng lực sản xuất xi măng, nhưng giá trị xuất khẩu xi măng của Việt Nam không cao, trong khi đó đây lại là ngành sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên. Trên cơ sở đó, ông Trần Bá Việt kiến nghị cần sớm nghiên cứu để có thể xuất khẩu cấu kiện bê tông đúc sẵn với giá trị kinh tế cao hơn nhiều; hạn chế tối đa việc xuất khẩu clanhke, xi măng trong thời gian tới.
Cùng quan điểm này, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho biết, Việt Nam hiện xuất khẩu nhiều loại vật liệu xây dựng với giá rẻ, đồng thời chưa tận dụng được hết các nguồn phụ phẩm, phế thải của các ngành sản xuất khác làm vật liệu xây dựng. Chẳng hạn, nếu các ngành sử dụng than để đốt lò hơi (xi măng, nhiệt điện, sản xuất hóa chất…) có thể cải thiện công nghệ để giảm tỷ lệ than tồn, thì việc sử dụng xỉ than để sản xuất vật liệu xây dựng sẽ còn hiệu quả hơn nữa.
Về vấn đề quản lý tro xỉ, ông Lương Đức Long, nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho rằng thời gian qua, các bộ, ngành làm việc chưa "ăn khớp” với nhau. Theo ông Long, tro bay xỉ than nhà máy nhiệt điện than là nguyên liệu đầu vào rất tốt cho sản xuất các loại vật liệu xây dựng như: Sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ rất hiệu quả, đặc biệt là phụ gia cho sản xuất xi măng. Thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo, giải pháp trong việc xử lý tro bay xỉ than từ các nhà máy xi măng, nhiệt điện, hóa chất, tuy nhiên thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc. Ví dụ như, các đơn vị tái sử dụng tro xỉ nhưng lại không được vận chuyển, chỉ khi doanh nghiệp đăng ký là nhà máy xử lý chất thải mới được phép.
Về nội dung này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian qua, tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng việc xử lý tro xỉ của các nhà máy điện, xi măng, thạch cao còn nhiều lúng túng, chưa hiệu quả. "Mặc dù có tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhưng các bộ, ngành chưa phối hợp hành động cụ thể, chặt chẽ" - Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm vấn đề sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng, đảm bảo môi trường.
Gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Công tác xây dựng thể chế liên quan đến phát triển vật liệu xây dựng được quan tâm, đã từng bước tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu của ngành xây dựng.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ngành vật liệu xây dựng vẫn còn đứng trước khó khăn, thách thức. Việc đầu tư phát triển một số chủng loại vật liệu xây dựng còn chưa hợp lý, quy mô nhỏ, phân tán, hiệu quả đầu tư thấp. Lĩnh vực xuất khẩu vật liệu xây dựng còn đạt hiệu quả thấp, hàm lượng nguyên liệu, tài nguyên nhiều, trong khi hàm lượng sáng tạo, giá trị gia tăng còn thấp. Vật liệu xây dựng mới chậm phát triển, chưa có nhiều sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu trong nước và có sức cạnh tranh trong khu vực, thế giới. Bên cạnh đó, nghiên cứu phát triển đầu tư chưa được quan tâm hoặc đầu tư thiếu hiệu quả; nghiên cứu chưa gắn với đầu tư, sản xuất.
Việc xây dựng chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tuy được quan tâm xong còn thiếu nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm trong chiến lược. Công tác dự báo còn nhiều bất cập song công tác điều chỉnh chiến lược còn chậm, từ đó ảnh hưởng đến quá trình quản lý, điều hành phát triển vật liệu xây dựng.
Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu hàng đầu trong thời gian tới là đảm bảo nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng trong nước; từ đó đóng góp cho sự phát triển của ngành xây dựng và tạo ra nhiều việc làm mới, công trình mới, làm thay đổi bộ mặt của đô thị cũng như nông thôn, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nhu cầu vật liệu xây dựng trên thế giới cũng sẽ ngày càng cao, vì vậy phát triển vật liệu xây dựng trong nước cũng là hướng tới xuất khẩu.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, trước hết phải xây dựng một chiến lược vật liệu xây dựng trong thời kỳ mới (thời kỳ đến 2030 tầm nhìn 2050). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu trong chiến lược phát triển ngành vật liệu xây dựng phải gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại; tiết kiệm tài nguyên, tận thu phế thải tái chế thành vật liệu xây dựng; phải giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Xây dựng đã tổ chức xây dựng chiến lược phát triển vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu, hoàn thiện tờ trình gửi Thủ tướng.
Theo TTXVN
(HBĐT) - Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 5/2020, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 312,8 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm ước thực hiện 1.336,3 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 1.228,1 tỷ đồng, bằng 29% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, 26% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Thu xuất, nhập khẩu ước đạt 108,2 tỷ đồng, bằng 60% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, 49% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.
T(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha nuôi trồng thủy sản ao, hồ nhỏ và 4,7 nghìn lồng cá. Trong tháng 6, sản lượng cá thu hoạch ước đạt 818 tấn, trong đó, sản lượng cá khai thác 270 tấn, sản lượng cá nuôi ước 548 tấn.
(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 22 HTX mới được thành lập (đạt 44% kế hoạch năm). Các HTX được thành lập ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu mỗi huyện thành lập được 1 HTX; TP Hòa Bình, Cao Phong, Yên Thủy mỗi địa phương thành lập được 2 HTX; Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn mỗi huyện thành lập mới được 3 HTX; Đà Bắc thành lập được 4 HTX.
Mặc dù đã có những giải thích từ các chuyên gia về hoá đơn tiền điện tăng là do điều hoà nhưng nhiều người sử dụng điện vẫn chưa tin vào công tơ điện tử.
(HBĐT) - Sáng 17/5, chúng tôi có mặt tại xã vùng cao Độc Lập (TP Hòa Bình), dọc đường vào xã, bí xanh chất thành từng đống, người dân hy vọng tư thương đến thu mua. Theo Chủ tịch UBND xã, chưa năm nào bí xanh bị rớt giá thê thảm như hiện nay.
(HBĐT) - Có vốn, người dân xã Miền Đồi (Lạc Sơn) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo.