(HBĐT) - "Tỉnh Hòa Bình có vị trí địa lý đặc biệt, là cửa ngõ khu vực Tây Bắc, kết nối với Thủ đô Hà Nội bằng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và quốc lộ 6. Trong tương lai, tỉnh sẽ kết nối giao thương với các tỉnh Tây Bắc bằng hệ thống đường cao tốc hiện đại đã được quy hoạch. Vì vậy, với việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trong tỉnh, cùng với sự điều hành trí tuệ, năng động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để Hòa Bình có bước phát triển đột phá trong thời gian tới về KT - XH và thu hút đầu tư…”, chia sẻ của ông Trần Quang Việt, Giám đốc Công ty TNHH TM&XD Trung Chính, đơn vị đang triển khai thi công công trình cầu Hòa Bình 2 đã cho thấy sự nỗ lực vượt khó của tỉnh ta trong những năm qua để phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Cầu Hòa Bình 3 khánh thành, đưa vào sử dụng từ đầu năm nay đã góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của TP Hòa Bình.
Trên dòng sông Đà chảy qua TP Hòa Bình, nhà thầu đang chạy đua với thời gian thi công dự án cầu Hòa Bình 2. Công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Do vậy, chủ đầu tư là Sở GTVT đã đôn đốc nhà thầu huy động nhân lực, máy móc, bất kể sớm tối, nắng mưa tập trung thi công các hạng mục. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn vốn, phấn đấu hoàn thành cơ bản những hạng mục chính của dự án vào cuối năm 2020, hoàn thành toàn bộ dự án và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng cuối quý IV/2021. Theo tiến độ của chủ đầu tư, dự án cầu Hòa Bình 2 sẽ hợp long cuối năm nay. Khi đi vào sử dụng, cùng với các cây cầu bắc qua sông Đà sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, giảm ách tác giao thông khu vực trung tâm TP Hòa Bình và là điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc đô thị.
Những năm qua, trên cơ sở quy hoạch GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được duyệt, các tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về AN-QP, phát triển KT – XH của tỉnh đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và được quan tâm đầu tư xây dựng, như: Đường kết nối đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 12B đi quốc lộ 1; Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435; Dự án cầu Hòa Bình 2, đường nối từ quốc lộ 6 với đường Chi Lăng, xây dựng cầu Trắng (TP Hòa Bình); Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 438B (Khoan Dụ - An Bình, huyện Lạc Thủy); đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc…
Bên cạnh đó, bằng cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong nước, quốc tế để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2017-2019, tuyến đường Hoà Lạc - Hoà Bình được đầu tư theo hình thức BOT và dự án cầu Hòa Bình 3 được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA hoàn thành, góp phần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, tăng khả năng kết nối với các tỉnh, khu vực lân cận. Trong thời gian tới, cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu được đầu tư xây dựng cũng là bước phát triển mới của kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh và là cơ sở hạ tầng quan trọng để phát triển KT – XH của địa phương.
Theo đồng chí Bùi Đức Hậu, Giám đốc Sở GTVT, trong các công trình trọng điểm về hạ tầng giao thông mà Sở GTVT được giao trực tiếp làm chủ đầu tư, có nhiều công trình được UBND tỉnh chỉ đạo rút ngắn thời gian thi công để sớm đưa vào sử dụng chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Với tinh thần đó, Đảng ủy, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo sát sao các phòng, ban trực thuộc và các đơn vị có liên quan, khẩn trương triển khai thực hiện với quyết tâm cao. Toàn ngành GTVT đã tập trung trí tuệ, sức người, máy móc vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Bên cạnh phát triển hệ thống giao thông huyết mạch, những năm gần đây, việc phát triển mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) cũng được chú trọng. Hàng năm, tỉnh duy trì, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua GTNT – miền núi, phong trào toàn dân làm đường GTNT; phối hợp thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững. Nổi bật trong công tác GTNT là việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án cứng hoá đường GTNT tỉnh Hòa Bình. Trong giai đoạn 2015 -2020, toàn tỉnh cứng hóa được 1.051 km đường GTNT. Xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng NTM mới tăng từ 42 xã năm 2015 lên 112/191 xã vào cuối năm 2019 (sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, có 71/131 xã đạt tiêu chí số 2). Những kết quả này đã góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH vùng nông thôn trong tỉnh.
Để tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tham mưu rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung quy hoạch phát triển GTVT tỉnh để đưa vào quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch vùng và tích hợp chung vào quy hoạch tỉnh Hòa Bình. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển KT – XH ở địa phương như: Các quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng có tính đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường kết nối với khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, đường nối quốc lộ với quốc lộ, nối quốc lộ với tỉnh lộ và một số tuyến đường có liên quan đến QP – AN và xây dựng NTM.
Bình Giang
(HBĐT) - Tận dụng từng tấc đất, mảnh vườn, người dân xã Hưng Thi (Lạc Thủy) đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất sang trồng sả. Giống cây này đem lại lợi nhuận gấp 2 – 3 lần so với trồng màu, chu kỳ thu hoạch khoảng 3 năm. Theo thống kê, toàn xã đã mở rộng diện tích sả trên 50 ha tại 6/10 thôn trên địa bàn. Qua đó, từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống, đồng thời góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.
(HBĐT) - Ngày 18/6, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương người lao động giỏi, sáng tạo trong giai đoạn 2015 – 2020; tổng kết 10 năm (2010 – 2020) phong trào thi đua "Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”.
(HBĐT) - Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, trong tháng 5/2020, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 312,8 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm ước thực hiện 1.336,3 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 1.228,1 tỷ đồng, bằng 29% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, 26% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Thu xuất, nhập khẩu ước đạt 108,2 tỷ đồng, bằng 60% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, 49% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.
T(HBĐT) - Toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha nuôi trồng thủy sản ao, hồ nhỏ và 4,7 nghìn lồng cá. Trong tháng 6, sản lượng cá thu hoạch ước đạt 818 tấn, trong đó, sản lượng cá khai thác 270 tấn, sản lượng cá nuôi ước 548 tấn.
(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 22 HTX mới được thành lập (đạt 44% kế hoạch năm). Các HTX được thành lập ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu mỗi huyện thành lập được 1 HTX; TP Hòa Bình, Cao Phong, Yên Thủy mỗi địa phương thành lập được 2 HTX; Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn mỗi huyện thành lập mới được 3 HTX; Đà Bắc thành lập được 4 HTX.