Hợp Tiến là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn, đặc biệt, xã nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, trên rừng có nhiều loài hoa tự nhiên tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong. Phát huy lợi thế này, từ xa xưa, người dân Hợp Tiến đã nuôi ong lấy mật, nhưng chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Cách đây 20 năm, người dân chính thức nuôi ong làm kinh tế. Từ đó đến nay, nhiều hộ trong xã trở lên khá giả nhờ nuôi ong. Hiện, toàn xã có khoảng 30 hộ nuôi ong, với hơn 3.000 đàn. Trung bình mỗi năm đạt khoảng 7.500 lít mật. Trong đó, 12 hộ là thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến với trên 1.500 đàn (chiếm khoảng 50% tổng đàn và sản lượng mật toàn xã).
Đồng chí Bùi Thanh Thụ, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Nghề nuôi ong lấy mật đem lại thu nhập cao cho người dân. Nếu xã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, nuôi ong sẽ đem lại thu nhập siêu lợi nhuận. Thời gian qua, xã tích cực vận động các hộ nuôi ong tham gia HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến để liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Mật ong là sản phẩm thế mạnh và truyền thống của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã lựa chọn sản phẩm mật ong của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến tham gia Chương trình OCOP. Sau khi được gắn sao OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, là cơ hội để HTX quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ mật ong cho tất cả các hộ nuôi ong của xã.
Hiện tại, thị trường tiêu thụ mật ong trên địa bàn chủ yếu bán lẻ, chưa ký được hợp đồng với các cơ sở tiêu thụ lớn. Vì vậy, 4 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mật ong khó tiêu thụ. Với giá bán mật ong nhãn 180 nghìn đồng/lít, mật ong rừng 130 nghìn đồng/lít, trong 6 tháng đầu năm nay, HTX tiêu thụ được khoảng 1.200 lít mật. Hiện, HTX còn tồn khoảng 300 lít mật. Trước những khó khăn, thách thức của dịch Covid-19, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến đã nỗ lực huy động vốn của các thành viên để đầu tư máy móc, tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi ong.
Anh Bùi Văn Tám, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến chia sẻ: Tất cả 20 thành viên của HTX cùng các hộ nuôi ong trong xã đang cố gắng hết mình để mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Các hộ nuôi ong chăm sóc đàn ong theo đúng kỹ thuật để ong phát triển tốt; quay mật theo đúng quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, HTX đang hoàn thiện hồ sơ, lựa chọn chai và hộp đựng sản phẩm; tiến hành làm nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc... Năm nay, HTX hướng tới đăng ký sản xuất mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP.
Chính quyền và người dân xã Hợp Tiến đặt nhiều kỳ vọng vào sản phẩm mật ong của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Tiến. Sản phẩm mật ong được gắn sao OCOP sẽ khích lệ, động viên người nuôi ong yên tâm sản xuất, mở rộng quy mô, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên nhiều thị trường. Từ đó, góp phần nâng giá trị sản phẩm mật ong, nghề nuôi ong tại Hợp Tiến sẽ phát triển bền vững.
Thu Thủy