(HBĐT) - Chờ mãi không thấy giá lợn hơi quay đầu giảm nhiệt, nhiều hộ chăn nuôi rậm rịch sửa chuồng tái đàn. Tuy nhiên, có vốn, chuồng sẵn, có kiến thức chăn nuôi, nhưng nhiều hộ dân vẫn phải ngậm ngùi "phơi chuồng" vì công cuộc "săn" lợn giống quá khó khăn, hoặc "săn" được thì giá trên trời, độ rủi ro cao. 

 


Giá lợn giống hiện ở mức từ 2 - 2,5 triệu đồng/con. 

Anh Quách Văn Hướng, ở xã Thạch Yên (Cao Phong) nuôi lợn đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, do 2 năm vừa rồi vừa bị dịch tả lợn châu Phi, giá lợn rẻ, anh quyết định từ bỏ không nuôi lợn. Đầu năm nay, nhận thấy giá lợn hơi rất khó giảm, nếu tái đàn kịp thời, may mắn có thể kéo lại số vốn thua lỗ từ mấy lứa trước. Vì vậy, anh Hướng quyết định dọn dẹp sạch sẽ 3 ô chuồng và tìm lợn giống để tái đàn. Song, công cuộc tìm lợn giống của anh chẳng khác nào đi săn thời khó khăn. Anh Hướng cho biết: Tôi muốn mua khoảng 20 con lợn giống loại siêu nạc, nhưng nhờ nhiều mối cũng chỉ bắt được 10 con, lại không phải giống siêu nạc mà chỉ là lợn lai. Giá trung bình 2 triệu đồng 1 con khoảng 7 kg. Nếu trước đây muốn nuôi lợn, tôi chỉ cần xuống chợ phiên Dũng Phong là thoải mái chọn, nhưng nay từ lúc bắt đầu tìm đến lúc lợn về chuồng, tôi mất cả tuần tìm kiếm, từ TP Hòa Bình rồi vào Tân Lạc, Lạc Sơn nhưng không ai dám hứa, vì còn phải gom lợn. Giá lợn giống cũng tăng chóng mặt. Ban đầu, tôi đặt lợn giá 1,7 triệu đồng/con,nhưng chỉ vài ngày sau đã lên mức 2 triệu đồng/con. 

Tại huyện Lương Sơn, gần nhiều trại lợn lớn, nhưng anh Nguyễn Văn Thùy, xã Hòa Sơn cũng đành ngậm ngùi phơi chuồng, dù rất muốn tái đàn vì khó tìm lợn giống. Anh Thùy chia sẻ: Những năm trước, mỗi lứa tôi vào khoảng 40 con lợn siêu nạc. Với giá trung bình chỉ vài trăm nghìn đồng/con, đến nay, giá lợn giống lên 2 triệu, rồi 2,5 triệu đồng/con. Tính ra với giá lợn hơi hơn 100 nghìn đồng/kg hiện nay, có thể không lỗ nếu tái đàn, tuy nhiên, cái khó là tìm lợn để mua, muốn mua được giống chuẩn siêu nạc cũng không phải dễ. 

Quyết tâm theo đuổi chăn nuôi lợn ngay cả khi giá lợn xuống thấp, 3 lứa trở lại đây, anh Bùi Hữu Phước, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) trúng đậm nhờ giá lợn lên cao. Tuy nhiên, thời điểm này, sau khi xuất bán lứa lợn cuối, anh Phước khổ sở khi tìm mối mua lợn giống. "Đã hỏi để gối vụ ngay từ khi chưa xuất bán lứa lợn cuối, nhưng đến thời điểm này, tôi chưa nhận được sự đồng ý của mối lợn nào. Nếu có thì giá cũng rất cao, tầm 2,5 - 3 triệu đồng/con. Vì vậy, tôi vẫn lăn tăn việc tái đàn"  - anh Phước cho biết. 

Tình trạng khan hiếm lợn giống khiến người chăn nuôi gặp khó, thương lái chuyên lợn giống cũng đứng ngồi không yên, tình trạng mang rọ đi bắt rồi mang rọ về không khá thường tình. Chị Bùi Thị Quê, một thương lái chuyên bán lợn giống ở xã Thanh Hối (Tân Lạc) kể: Có nhà muốn 10 con lợn giống, mình tìm được rồi, gửi hình cho khách ưng rồi, đặt cọc nhà nuôi. Đến chiều mát trời đi bắt, đến nơi đã có thương lái bắt liền 30 con, vậy là nhà chủ họ chuyển hết cho mối kia, mình đành thất hứa với khách. 

Không chỉ tranh nhau mua, săn lùng để mua lợn giống, nhiều nhà nuôi lợn nái được khách đặt tiền từ lúc mới đẻ. Tuy nhiên, giá cả chênh lệch hàng ngày chẳng khác nào giá vàng. Anh Quách Văn Long, xã Thạch Yên (Cao Phong) cho biết: Trước kia bắt lợn giống là từ tầm khoảng 10 kg trở lên, nhưng giai đoạn này, lợn giống được bán theo giá leo thang. 5 kg giá khác, nhưng chỉ 7 kg là giá đã chênh lệch đến vài ba trăm nghìn đồng. Rồi lợn siêu nạc giá khác, lợn lai giá khác, lợn đen thuần chủng lại một giá. 

Thực tế, giá lợn hơi đến thời điểm này tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, giá con giống cũng đang tăng chóng mặt. Vì vậy, người chăn nuôi nên thận trọng, tính toán kỹ trước khi tái đàn, bởi giá lợn giống quá cao. Nếu tái đàn thời điểm này, phải mất ít nhất 4 - 5 tháng mới có thể xuất bán, chưa biết lúc đó giá lợn hơi sẽ diễn biến theo chiều hướng nào. Nếu giá lợn hơi xuống thấp thì không tránh khỏi nguy cơ thua lỗ. Bên cạnh đó, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng, người chăn nuôi cần hết sức chú ý áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, tránh dịch bệnh trên đàn lợn. 

P.V

Các tin khác


Nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới, quyết tâm tạo đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025

(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh; sự phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể; sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, đảng viên và quần chúng trong toàn Đảng bộ, ngành NN&PTNT đã có động lực to lớn để vượt qua thách thức, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở NN& PTNT lần thứ VI đề ra.

Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao

(HBĐT) - Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, 1 ha vườn tạp cho thu nhập trung bình khoảng 10,8 triệu đồng/năm, trong khi diện tích đã được cải tạo cho thu nhập trung bình 58 triệu đồng/ha/năm. 

Hướng tới mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững

(HBĐT) - Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 gắn với quyết tâm tái cơ cấu, ngành lâm nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực để hướng gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững.

“Cách mạng” xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - "Dù có xuất phát điểm thấp, song với quyết tâm cao, sự nỗ lực bền bỉ, nhiều cách làm sáng tạo, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh Hòa Bình được đánh giá nằm trong tốp đầu toàn quốc về xây dựng NTM, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm xây dựng NTM” - đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh khẳng định.

Thanh niên huyện Đà Bắc xung kích phát triển kinh tế

(HBĐT) - Phát huy vai trò tiên phong, xung kích của tuổi trẻ, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Đà Bắc quyết tâm vượt khó vươn lên phát triển kinh tế. 

Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông

(HBĐT) - "Tỉnh Hòa Bình có vị trí địa lý đặc biệt, là cửa ngõ khu vực Tây Bắc, kết nối với Thủ đô Hà Nội bằng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và quốc lộ 6. Trong tương lai, tỉnh sẽ kết nối giao thương với các tỉnh Tây Bắc bằng hệ thống đường cao tốc hiện đại đã được quy hoạch. Vì vậy, với việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông trong tỉnh, cùng với sự điều hành trí tuệ, năng động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để Hòa Bình có bước phát triển đột phá trong thời gian tới về KT - XH và thu hút đầu tư…”, chia sẻ của ông Trần Quang Việt, Giám đốc Công ty TNHH TM&XD Trung Chính, đơn vị đang triển khai thi công công trình cầu Hòa Bình 2 đã cho thấy sự nỗ lực vượt khó của tỉnh ta trong những năm qua để phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục