(HBĐT) - Thời gian qua, huyện Lạc Thủy đã triển khai thực hiện tốt các chính sách về ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn. Huyện ưu tiên phát triển công nghiệp có tiềm năng, lợi thế về nguyên liệu; tăng cường hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư.
Dự án đầu tư nhà máy lắp ráp pin mặt trời Xuân Thiện của Công ty TNHH Xuân Thiện có Quyết định chủ trương đầu tư số 16/QĐ-UBND, ngày 18/3/2020 của UBND tỉnh. Đại diện công ty cho biết, mục tiêu dự án đáp ứng nhu cầu của các nhà máy phát điện bằng năng lượng mặt trời trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho khoảng 1.100 lao động, tăng thu cho doanh nghiệp, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Dự án có công suất khoảng 360 MW/năm; diện tích đất sử dụng 409.102 m2, địa điểm thực hiện tại thôn Sóc Bai, xã Yên Bồng. Tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư 630 tỷ đồng; thời hạn hoạt động 50 năm. Được biết, dự án được hưởng một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất và một số ưu đãi khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện, nhà đầu tư đang làm việc với các sở, ngành liên quan triển khai các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động... để dự án thực hiện theo đúng tiến độ. Đây là dự án thứ 2 của Công ty TNHH Xuân Thiện đầu tư vào huyện Lạc Thủy.
Những dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Thủy thời gian qua nhìn chung đúng định hướng, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hải cho biết: "Sau gần 7 năm triển khai thực hiện nghị quyết về thu hút đầu tư đã góp phần phát triển KT-XH. Các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra đều đạt và vượt. Đến hết tháng 6/2020, toàn huyện có 53 dự án đầu tư vào địa bàn, tổng vốn đăng ký khoảng 17.941 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp 9 dự án; công nghiệp 30 dự án; du lịch, khách sạn 3 dự án; trồng rừng 2 dự án; khai thác, chế biến khoáng sản 9 dự án.
Đã có 29/53 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh, chiếm 54,7%. Những dự án còn lại đang thực hiện các thủ tục đầu tư, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, làm thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), cơ bản đảm bảo tiến độ, bước đầu giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Một số dự án trọng điểm đang được triển khai đầu tư: dự án cáp treo Hương Bình; khu du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng huyện Lạc Thủy của Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình; tổ hợp thể thao - văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản; sân golf Đồng Tâm; nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hòa Bình, cảng Xuân Thiện…
Thời gian qua, UBND huyện tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác GPMB, tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp vào đầu tư. Đến thời điểm này, cơ bản mặt bằng cụm công nghiệp đã hoàn thiện. Đến nay, có 10 doanh nghiệp đầu tư tại các cụm công nghiệp, với số vốn đầu tư 535 tỷ đồng, diện tích thuê đất trong các cụm công nghiệp 37,21 ha.
Thời gian tới, huyện tăng cường công tác quản lý các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, để các cụm công nghiệp trên địa bàn hoạt động ngày càng có hiệu quả, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư, gắn với cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, chú trọng GPMB, đào tạo nguồn nhân lực địa phương đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, đơn vị khi đến đầu tư trên địa bàn.
Đinh Thắng