Huyên Tân Lạc: Triển vọng từ mô hình trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh
Thứ hai, 24/8/2020 | 10:08:48 Sáng
(HBĐT) - Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai dự án "Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh” tại xã Tử Nê và Phú Vinh (Tân Lạc). Tổng diện tích dự án là 38 ha, với 20 hộ tham gia. Sau 4 năm triển khai dự án đánh giá tỷ lệ cây giống sống từ 95 - 98%, cây con sinh trưởng đồng đều, chiều cao vút ngọn từ 10 - 12 m, đường kính gốc từ 15 - 20 cm.
Ông Bùi Văn Dành (bên phải), xóm Bin, xã Tử Nê (Tân Lạc) chia sẻ kinh nghiệm trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh cho người dân trong xã.
Trồng rừng gỗ lớn giúp tiết kiệm chi phí về giống, công chăm sóc, tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích trồng trọt (giá trị rừng gỗ lớn gấp 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ), hạn chế được sâu bệnh hại và hạn chế thấp nhất suy thoái đất rừng… Triển khai dự án tại huyện Tân Lạc, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung cấp 100% giống cho các hộ. Giống được chọn là keo lai mô, gồm: keo BV10, BV16, BV32. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ 50% phân bón, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cơ bản trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.
Ông Bùi Văn Dành, xóm Bin, xã Tử Nê chia sẻ: Gia đình tôi tham gia dự án với 1,8 ha. Trước khi tham gia dự án, tôi được tập huấn kỹ thuật về cách trồng, khoảng cách cây, chăm sóc, bón phân cho từng giai đoạn rừng trồng. Theo đó, mật độ trồng ban đầu 1.330 cây/ha (cự ly 2,5 x 3 m), xử lý thực bì toàn diện, cuốc hố trước khi trồng từ 10 - 15 ngày, hố đào 40 x 40 x 40 cm. Keo lai mô cần chăm sóc 3 năm, bón phân NPK với hàm lượng 0,2 kg/hố trồng. Bên cạnh đó, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ khuyến nông xã thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi đánh giá sinh trưởng của cây trồng. Tôi nhận thấy trồng keo lai mô có tỷ lệ sống cao đến 95%. Sau gần 4 năm, cây đã đạt chiều cao từ 10 - 12 m, đường kính gốc 10 - 14 cm; ưu điểm cây sinh trưởng nhanh, đồng đều, ít sâu bệnh. So với giống keo giâm bằng hom thì keo nuôi cấy mô sinh trưởng nhanh vượt trội gấp 1,5 - 2 lần. Thời gian trồng thành rừng gỗ lớn sau hơn 10 năm sẽ cho thu hoạch, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với giống keo cũ.
Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Huyện Tân Lạc có nhiều tiềm năng để phát triển lâm nghiệp. Tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của huyện là 33.315,63 ha, trong đó, diện tích đất có rừng 25.036,93 ha, gồm: rừng tự nhiên 18.213,46 ha, rừng trồng 6.823,47 ha và 8.278,7 ha chưa có rừng. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng để phát triển lâm nghiệp mà chủ yếu khai thác non, gỗ nhỏ, bán nguyên liệu thô hoặc băm dăm; tập quán canh tác còn lạc hậu, phương thức sản xuất chủ yếu quảng canh, chưa chú trọng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất, chất lượng rừng. Từ chủ trương của ngành NN&PTNT tỉnh là chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, cấp ủy, chính quyền huyện đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển dần sang trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ khuyến nông xã thường xuyên theo dõi tình hình phát triển rừng. Nhờ vậy, bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán canh tác và nhận thấy tầm quan trọng của trồng rừng thâm canh gỗ lớn. Qua gần 4 năm thực hiện dự án "Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh” tại huyện, tuy chưa đến thời kỳ khai thác, nhưng qua đánh giá của các chuyên gia và người dân tham gia, trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh cho kết quả bước đầu tích cực, người dân tin tưởng vào kỹ thuật canh tác mới, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
(HBĐT) - Bước vào năm 2020, chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Lương Sơn triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Tiếp tục duy trì 10 xã đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí. Huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Đó là kết quả từ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân được phát huy, từ đó tạo nên phong trào rộng khắp trong huyện. Nhân dân đã chủ động tham gia góp công, góp của để XDNTM.
(HBĐT) - Trong tháng 7, tổng thu ngân sách Nhà nước của TP Hòa Bình ước đạt 41,68 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng đạt 309,16 tỷ đồng, bằng 58,43%, trong đó, thu tiền sử dụng đất thực hiện 47,01 tỷ đồng, bằng 34,19% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố giao (chủ yếu là tiền hợp thức hoá quyền sử dụng đất). Thu ngân sách địa phương 7 tháng thực hiện 588.842 triệu đồng, bằng 66,19% dự toán tỉnh giao, bằng 65,7% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND thành phố giao. Trong tháng, tổng chi ngân sách địa phương của thành phố ước thực hiện 58,47 tỷ đồng, lũy kế 7 tháng đạt 563,23 tỷ đồng, bằng 62,84%.
(HBĐT) - Năm 2020, toàn tỉnh có kế hoạch trồng 5.650 ha rừng tập trung. Thời gian qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các chủ rừng đã đẩy nhanh tiến độ mới. Tính đến trung tuần tháng 8, các địa phương đã trồng được gần 5.500 ha rừng tập trung, đạt trên 97% kế hoạch; tăng trên 230 ha so với kỳ trước. Một số huyện có diện tích trồng nhiều như: Kim Bôi trồng được 740 ha, Đà Bắc 720 ha, Lạc Thủy 700 ha, Tân Lạc 600 ha…
(HBĐT) - Năm 2017, với tổng ngân sách hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, huyện Lạc Thủy thực hiện 3 dự án: Liên kết sản xuất, tiêu thụ ớt và bí đỏ; sản xuất rau an toàn; chuỗi liên kết tiêu thụ gà ri Lạc Thủy. UBND huyện giao Phòng NN&PTNT làm đại diện chủ đầu tư, phối hợp với các xã trong vùng dự án. Công ty TNHH Ớt Việt Nam, HTX Nông sản thực phẩm an toàn huyện Lạc Thủy và Công ty CP Nông nghiệp xanh miền Bắc là 3 đơn vị bao tiêu sản phẩm của các HTX, hộ tham gia dự án.
(HBĐT) - Thực hiện công tác quản lý đô thị, trong tháng 7/2020, TP Hòa Bình đã ban hành 11 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với số tiền trên 43 tỷ đồng đối với các dự án: Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (địa bàn phường Thống Nhất) bãi đổ thải – đợt 1; nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Văn Thụ – đợt 4; xây dựng cầu Hòa Bình 2 – đợt 4+5+6; Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mông Hóa (lô 15.1); xây dựng trạm biến áp phân phối khu vực huyện Lương Sơn (địa bàn xã Hòa Bình); xây dựng mới các TBA khu vực huyện Kỳ Sơn (cũ).