Giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có xu hướng khá, cùng với đó, giá cà phê cũng duy trì được xu hướng tăng nhẹ dù thị trường giao dịch khá "im ắng.”
Đóng gói sản phẩm gạo đã qua chế biến. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tuần qua (ngày 17-22/8), giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có xu hướng khá, tăng từ 100-300 đồng/kg.
Cùng với đó, giá càphê cũng duy trì được xu hướng tăng nhẹ dù thị trường giao dịch khá "im ắng.”
Thị trường nông sản trong nước
Từ đầu tháng 8/2020 đến nay, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng cao, do lúa Hè Thu đã thu hoạch sắp hết, trong khi dự báo xuất khẩu gạo có khả năng tăng trong những tháng cuối năm 2020.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, giá gạo nguyên liệu IR 50404 ở mức 9.050-9.150 đồng/kg, tăng 100-150 đồng/kg, loại gạo thành phẩm 10.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; tấm loại 1 là 8.800 đồng/kg, tăng 100-150 đồng/kg.
Giá gạo, giá lúa tại ruộng cũng có xu hướng tăng, đặc biệt là IR 50404. Ðầu tháng 8, lúa IR 50404 dao động 5.500-5.600 đồng/kg, đến giữa tháng đã nhích lên 5.700 đồng/kg.
Còn lúa khô IR 50404 từ vụ Đông Xuân 2019-2020 mà các chủ vựa, doanh nghiệp dự trữ lại và nay bán ra 7.500 đồng/kg.
Trong khi đó, các loại lúa thơm như OM, Jasmine tăng khoảng 500 đồng/kg so với đầu tháng 8.
Đầu tháng 8, tại Cần Thơ lúa Jasmine giá 7.500 đồng/kg, đến nay vọt lên 8.200 đồng/kg.
Tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa tươi thường ở nơi đây dao động từ 5.700-5.950 đồng/kg, tăng khoảng 100-150 đồng/kg so với tuần trước.
Các loại lúa chất lượng cao cũng có giá tăng mạnh từ 200-300 đồng/kg, cụ thể Jasmine từ 6.000-6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.800-6.100 đồng/kg. Như vậy, nhìn chung các loại lúa đều có giá tăng khá cao so với tuần trước.
Tại Sóc Trăng, trái với dự đoán, lo lắng ban đầu của người nông dân, giá lúa Hè Thu tại đây cũng tăng lên liên tục trong những ngày gần đây khiến nông dân vô cùng phấn khởi.
Nông dân tiếp tục có một vụ sản xuất thành công, vừa trúng mùa lại được giá, bỏ lại những lo âu của dịch bệnh và thời tiết bất lợi.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định ở mức 483-487 USD/tấn; gạo 25% tấm đạt 463-467 USD/tấn; gạo Jasmine đạt 593-597 USD/tấn.
Các thương nhân dự đoán giá gạo vẫn sẽ đi lên trong một vài tháng tới trước khi mùa vụ mới bắt đầu vào tháng 10/2020.
Về càphê, theo Diễn đàn của người làm càphê, mặt hàng này tiếp tục tăng giá nhẹ ở một số địa phương.
Giá càphê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên cuối tuần này đã tăng khoảng 300-400 đồng/kg so với cuối tuần trước, dao động trong khung 33.000-33.500 đồng/kg.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở 1.526 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100-120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán trên thị trường càphê Việt Nam khá "im ắng” trong tuần này do lượng càphê trữ kho thấp, trong khi tiền cược trong các hợp đồng mua bán càphê ở Indonesia giảm bớt khi diễn biến tích cực của vụ thu hoạch làm tăng nguồn cung càphê.
Theo một thương nhân ở tỉnh Đắk Lắk, lượng càphê trữ kho thấp đã ảnh hưởng tới các giao dịch trên thị trường càphê Việt Nam và hầu như không có thỏa thuận được "chốt” trong vài tuần qua.
Trong khi đó, lượng mưa ổn định cung cấp đủ nước cho vụ mùa sắp tới, với đợt thu hoạch dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 11/2020 hoặc đầu tháng 12/2020. Tuy nhiên, sản lượng càphê trong vụ thu hoạch tới sẽ thấp hơn 3% so với vụ thu hoạch trước đó, và đạt khoảng 28 triệu bao loại 60kg.
Thị trường nông sản thế giới
Về thị trường gạo châu Á, theo ông Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực kinh doanh gạo của Olam India, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ rất cao song hoạt động xuất khẩu gạo của nước này đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do tình trạng lũ lụt và dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại bang Andhra Pradesh.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ - một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới - tăng trong tuần này khi tình trạng lũ lụt và số ca mắc COVID-19 gia tăng tác động tới nguồn cung và hoạt động logistic.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này tăng lên 383-389 USD/tấn từ mức 382-387 USD/tấn của tuần trước đó, với việc các nhà xuất khẩu đang phải nỗ lực hoàn thành các đơn hàng do số lượng container và nhân công hạn chế tại cảng xuất khẩu gạo lớn nhất Ấn Độ là Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh.
Với tổng cộng 2,84 triệu ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Ấn Độ, quốc gia này là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch COVID-19 tại châu Á và chịu ảnh hưởng nhiều thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Bangladesh Abdur Razzaque cho biết tình trạng lũ lụt tại Bangladesh - một trong những nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới - đã gây thiệt hại cho vụ thu hoạch lúa gạo trị giá 363,34 tỷ taka (4,29 tỷ USD) trên khoảng 100.000ha diện tích trồng lúa.
Bangladesh thường phụ thuộc vào nguồn hàng hóa nhập khẩu để ứng phó tình trạng thiếu cung do nạn hạn hán và lũ lụt trong nước.
Những quan ngại về nguồn cung cũng đẩy giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 480-500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 2/7, từ mức 465-500 USD/tấn tuần trước.
Theo một thương nhân ở Bangkok, dường như sản lượng thu hoạch lúa gạo ở các địa phương của Thái Lan sẽ không quá cao. Trong khi đó, nhu cầu đối với gạo Thái Lan vẫn ổn định trong tuần này khi giá gạo vẫn cao.
Về thị trường nông sản Mỹ, kết thúc phiên giao dịch 21/8, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ diễn biến trái chiều, với giá ngô và lúa mỳ đều tăng trong khi giá đậu tương giảm.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 1,25 xu Mỹ (tương đương 0,37%) lên 3,405 USD/bushel khi đóng cửa.
Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 chốt phiên với mức tăng 6,5 xu Mỹ (1,23%) lên 5,35 USD/bushel.
Ở chiều ngược lại, giá đậu tương giao tháng 11/2020 giảm 0,5 xu Mỹ (0,06%) xuống còn 9,0475 USD/bushel khi kết thúc phiên giao dịch (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo các nhà xuất khẩu Mỹ đã bán tổng cộng 768.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc và một số khách hàng khác. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Mỹ cũng bán 405.000 tấn ngô cho Trung Quốc.
Trong khi đó, theo Công ty tư vấn AgResource, có trụ sở tại Chicago (Mỹ), không có số liệu về số lượng lúa mỳ đã bán và giá nông sản này đã rời khỏi mức cao ghi nhận trước đó.
Cơn bão nhiệt đới Laura dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực vùng Vịnh của Mỹ trong ngày 26/8 và có thể trở thành một cơn bão lớn. Tình trạng mưa lớn dự kiến diễn ra trên diện rộng ở Đông Texas, Arkansas, Tennessee, Kentucky, Illinois và Indiana.
Trong khi đó, theo AgResource, việc vụ thu hoạch ngô sắp diễn ra ở Trung Quốc có thể tiếp tục khiến giá nông sản này giảm trong thời gian tới./.
Theo TTXVN
(HBĐT) - Năm 2020, toàn tỉnh có kế hoạch trồng 5.650 ha rừng tập trung. Thời gian qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các chủ rừng đã đẩy nhanh tiến độ mới. Tính đến trung tuần tháng 8, các địa phương đã trồng được gần 5.500 ha rừng tập trung, đạt trên 97% kế hoạch; tăng trên 230 ha so với kỳ trước. Một số huyện có diện tích trồng nhiều như: Kim Bôi trồng được 740 ha, Đà Bắc 720 ha, Lạc Thủy 700 ha, Tân Lạc 600 ha…
(HBĐT) - Năm 2017, với tổng ngân sách hỗ trợ 1,5 tỷ đồng, huyện Lạc Thủy thực hiện 3 dự án: Liên kết sản xuất, tiêu thụ ớt và bí đỏ; sản xuất rau an toàn; chuỗi liên kết tiêu thụ gà ri Lạc Thủy. UBND huyện giao Phòng NN&PTNT làm đại diện chủ đầu tư, phối hợp với các xã trong vùng dự án. Công ty TNHH Ớt Việt Nam, HTX Nông sản thực phẩm an toàn huyện Lạc Thủy và Công ty CP Nông nghiệp xanh miền Bắc là 3 đơn vị bao tiêu sản phẩm của các HTX, hộ tham gia dự án.
(HBĐT) - Thực hiện công tác quản lý đô thị, trong tháng 7/2020, TP Hòa Bình đã ban hành 11 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với số tiền trên 43 tỷ đồng đối với các dự án: Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng (địa bàn phường Thống Nhất) bãi đổ thải – đợt 1; nâng cấp, mở rộng đường Hoàng Văn Thụ – đợt 4; xây dựng cầu Hòa Bình 2 – đợt 4+5+6; Dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mông Hóa (lô 15.1); xây dựng trạm biến áp phân phối khu vực huyện Lương Sơn (địa bàn xã Hòa Bình); xây dựng mới các TBA khu vực huyện Kỳ Sơn (cũ).
(HBĐT) - Theo Ngân hành Nhà nước tỉnh, tổng nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tính đến ngày 31/7/2020 đạt trên 27.200 tỷ đồng, tăng 4,2% so với thời điểm 31/12/2019.
(HBĐT) - Theo số liệu báo cáo mới đây của Sở KH&ĐT, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao là 4.421.825 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua là 4.910,825 tỷ đồng, trong đó, số vốn giao chi tiết trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 là 4.298,805 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh 1.998,470 tỷ đồng; vốn ngân sách T.Ư thực hiện các chương trình mục tiêu (CTMT) 461,716 tỷ đồng; vốn nước ngoài (ODA), bao gồm cả CTMT ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 734,500 tỷ đồng; vốn CTMT quốc gia 754,119 tỷ đồng; vốn tăng thu ngân sách T.Ư năm 2018 là 350 tỷ đồng.
(HBĐT) - Thời điểm này, Sở NN&PTNT ghi nhận toàn tỉnh đã có gần 100 ha lúa vụ mùa nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, 6 ha nhiễm bệnh vàng lá do ngộ độc hữu cơ. Ngoài ra, một số đối tượng như rầy, chuột, bệnh đạo ôn và các bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn… cũng đang xuất hiện, có khả năng gây hại mạnh trong thời gian tới nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.