Mô hình trồng cam theo quy trình VietGAP của gia đình bà Ngô Thị Hằng, xóm Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong) cho thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm.
Đồng chí Quách Văn Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: "Tận dụng những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện định hướng, thực hiện các chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và khai thác du lịch văn hóa, tâm linh. Được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận chỉ dẫn địa lý từ năm 2014, thương hiệu "Cam Cao Phong" đã khẳng định được giá trị, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đối với diện tích cây có múi hiện có, huyện không phát triển ồ ạt mà đi sâu nâng cao chất lượng, phát triển bền vững, chuyển đổi, xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP; thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc xây dựng, củng cố, bảo vệ thương hiệu "Cam Cao Phong". Bên cạnh đó, huyện tiếp tục quan tâm, khai thác các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng các tour, tuyến du lịch, khai thác tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình. Từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2025”.
Đến nay, diện tích cây có múi toàn huyện đạt khoảng 3.000 ha, trong đó, có hơn 1.000 ha cam của 759 hộ được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản lượng niên vụ 2019-2020 đạt trên 36.000 tấn. Diện tích mía tím duy trì 2.700 ha, diện tích mía tím nuôi cấy mô đạt 81,34 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Nam Phong, Tây Phong, Hợp Phong… Toàn huyện cải tạo được 1.458,9 ha vườn tạp, bình quân mỗi năm chuyển đổi 140 ha đất trồng lúa sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Giá trị sản xuất bình quân đạt 175 triệu đồng/ha, tăng 115,8 triệu đồng/ha so với năm 2015. Chương trình OCOP được huyện triển khai tích cực, tạo sức bật cho ngành nông nghiệp.
Những đồi cam bạt ngàn đánh dấu sự đổi thay mạnh mẽ ở xã Tây Phong so với nhiều năm trước. Nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, đến nay, tổng diện tích cây có múi toàn xã đạt 208 ha, mía đạt 160 ha, diện tích các loại cây truyền thống như lúa, ngô, sắn dần nhường chỗ cho các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đường giao thông các thôn, xóm được cứng hóa, đi lại thuận tiện. Cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại xóm Bằng, xóm NTM kiểu mẫu, nhà cửa được người dân xây dựng khang trang, trồng hoa dọc lối đi ven đường, cảnh quan sạch đẹp. Thu nhập bình quân của xã hiện đạt 40 triệu đồng/năm, xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện tiếp tục được quan tâm đầu tư, xây dựng. Toàn huyện có 409,72 km đường giao thông, giai đoạn 2016-2020 xây mới, nâng cấp gần 60 km đường. Môi trường đầu tư được cải thiện, các công trình phúc lợi, cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục được quan tâm đầu tư… Là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều danh lam, thắng cảnh chứa đựng yếu tố lịch sử, huyện đã, đang từng bước tập trung phát triển du lịch hồ Hòa Bình, kết nối với các điểm du lịch tâm linh, văn hóa, lịch sử trên địa bàn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đón 1,61 triệu lượt khách đến thăm quan, đạt doanh thu 140,3 tỷ đồng. Tình hình ANCT - TTATXH được giữ vững.
Hoàng Anh