Anh Nguyễn Văn Hoạt, thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đầu tư hệ thống máng ăn tự động nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà và giảm sức lao động.
Hướng tới phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững, huyện khuyến khích người dân đầu tư nuôi các loài vật thế mạnh của địa phương như: gà, lợn, dê, ong… Ngoài ra, huyện đầu tư chăn nuôi một số động vật có giá trị kinh tế cao như nhím, hươu, lợn rừng; phát triển bò BBB tại xã Hưng Thi, Thống Nhất và bò sữa tại xã Phú Thành.
Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện nay, huyện phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, HTX tại các vùng xa khu dân cư theo quy hoạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Các cơ sở chăn nuôi mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại theo chuỗi khép kín, áp dụng KHKT để nâng cao giá trị sản phẩm. Huyện thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống, đảm bảo cung cấp giống có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, không mang mầm bệnh. Cùng với đó, khuyến cáo người dân chỉ sử dụng con giống đã qua kiểm dịch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở sản xuất, đại lý cung ứng giống uy tín. Thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Không sử dụng chất kích thích sinh trưởng, hóa chất cấm trong chăn nuôi... Một số HTX, tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tiêu biểu như: HTX Gà Lạc Thủy, xã An Bình; HTX Minh Đức, xã Phú Thành…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp đã góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, một số huyện trên địa bàn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, tại huyện Lạc Thủy chưa xuất hiện dịch bệnh. Các loài vật nuôi thế mạnh của huyện phát triển ổn định về số lượng, có chất lượng tốt, được người tiêu dùng đánh giá cao. Theo thống kê, hiện, toàn huyện có 5.650 con trâu, 5.210 con bò, 38.200 con lợn, 980.000 con gia cầm, 7.850 con dê.
Với mong muốn giữ gìn, phát triển thương hiệu "Gà Lạc Thủy”, anh Nguyễn Văn Hoạt, thôn Đồng Nội, xã Đồng Tâm mạnh dạn đầu tư hệ thống máng ăn, uống nước tự động. Anh Hoạt chia sẻ: Gia đình tôi nuôi gà từ năm 2015. Trung bình mỗi năm nuôi khoảng 3.500 con gà giống, 3.500 con gà thịt. Đến năm 2017, gia đình đầu tư gần 40 triệu đồng làm hệ thống máng ăn, máng uống nước tự động nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà và giảm sức lao động. Bên cạnh đó, thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh, lựa chọn loại cám có chất lượng. Đối với gà thịt tư thương tự tìm đến mua, còn đối với gà đẻ trứng gia đình tôi liên kết với 1 cơ sở ấp trứng tại huyện để cung cấp trứng cho cơ sở, với giá 6.000 đồng/quả.
Song song chăn nuôi gà, lợn, hiện nay, nuôi ong trên địa bàn huyện đang phát triển mạnh. Toàn huyện hơn 500 hộ nuôi ong, số lượng trên 10.000 đàn, sản lượng ước đạt 100 tấn mật. Huyện thành lập được Hội Nuôi ong với 98 hội viên, trong đó, 32 hội viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong Hòa Bình”. Tổng số đàn của hội viên chiếm 50% tổng đàn ong toàn huyện, tập trung ở các xã: Khoan Dụ, Thống Nhất, An Bình, Hưng Thi, Đồng Tâm…
Ngành chăn nuôi phát triển tương đối ổn định, sản phẩm đa dạng theo hướng hàng hóa, góp phần duy trì mức tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Năm 2019, sản phẩm gà tươi nguyên con của HTX Gà Lạc Thủy, xã An Bình được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2020, sản phẩm mật ong Khoan Dụ của HTX Nuôi ong Khoan Dụ; trứng gà Ngọc Hân, chủ thể HTX Sơn Nam, xã Đồng Tâm phấn đấu đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch, quảng bá thương hiệu, hướng dẫn áp dụng quy trình VietGAP, chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng KHKT để nâng cao giá trị sản phẩm.
Thu Thủy