Thông qua các lớp dạy nghề, nông dân xã Tú Sơn (Kim Bôi) có thêm kinh nghiệm để phát triển trồng cây có múi.
Tự hào về mô hình cây ăn quả kết hợp nuôi ong lấy mật hiện có, hội viên nông dân Trịnh Quang Bình, thôn Nam Bãi, xã Nam Thượng chia sẻ: Những ngày đầu khởi nghiệp, do còn thiếu kinh nghiệm sản xuất nên cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất, chất lượng chưa cao. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp HND huyện, tôi đã tham gia lớp đào tạo nghề trồng trọt, nuôi ong, các lớp chuyển giao KHKT, được cán bộ chuyên môn tư vấn chọn cây, con giống đưa vào sản xuất. Thông qua hoạt động nhận ủy thác với các ngân hàng của Hội, tôi có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư giống, vật tư cho sản xuất. Nhờ vậy, từ một hộ khó khăn, đến nay gia đình đã có cơ ngơi khang trang và vườn cây ăn quả có diện tích gần 2 ha. Mỗi năm, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong lấy mật mang lại khoản thu từ 700 - 800 triệu đồng.
Hoạt động hỗ trợ, đẩy mạnh công tác dạy nghề của các cấp Hội đã giúp nhiều hội viên nông dân được vay vốn phát triển sản xuất, ứng dụng KHKT nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên thành những hộ khá, giàu ở địa phương. Trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong phong trào thi đua SX-KD giỏi như: hộ ông Bùi Văn Lục (xã Xuân Thủy) thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; hộ ông Bùi Văn Binh (xã Kim Bôi) thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; hộ bà Bùi Thị Chín (xã Hùng Sơn) thu nhập trên 700 triệu đồng/năm...
Xác định hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân là nhiệm vụ trọng tâm của Hội, BTV HND huyện luôn bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của HND tỉnh cũng như của cấp ủy, chính quyền huyện để tổ chức triển khai đến các cơ sở Hội và toàn thể hội viên. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phối hợp tổ chức 10 lớp dạy nghề may, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng rừng… cho 500 hội viên nông dân; phối hợp với Công ty CP hóa chất Lâm Thao tổ chức 10 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phân bón trên các loại cây trồng. HND các xã phối hợp tổ chức 13 lớp chuyển giao cho 803 lượt hội viên. Qua đó, góp phần giải quyết lao động tại chỗ với thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Để hội viên có thêm điều kiện phát triển kinh tế, XĐ-GN, các cấp Hội huyện quản lý và theo dõi trên 2,9 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân, cho 100 hộ vay thực hiện 13 mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Hội cũng phối hợp Ngân hàng NN& PTNT, Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Liên Việt nhận ủy thác và quản lý vốn vay, tổng dư nợ của 3 ngân hàng trên 552 tỷ đồng, thông qua 197 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho trên 9.500 hộ vay.
Đồng chí Quách Tự Trọng,Phó Chủ tịch HND huyện cho biết: Việc đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giúp hội viên mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế. Sau khi tham gia các lớp nghề, nhiều hội viên tự tạo được việc làm với thu nhập ổn định, không ít hộ hội viên khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ SX-KD giỏi, thu nhập từ vài trăm triệu đồng tới trên 1 tỷ đồng mỗi năm.
Thời gian tới, các cấp HND huyện tiếp tục tập trung hướng dẫn, tư vấn giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng lực ứng dụng KHKT, công nghệ cao. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh doanh, nắm bắt thị trường, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy xây dựng huyện NTM.
Thu Hằng