(HBĐT) - Bước vào năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là với phát triển kinh tế. Cùng với đó là thời tiết cực đoan tiếp tục diễn ra gay gắt; thiên tai bất thường; dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển KT - XH của tỉnh. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo và nỗ lực vượt khó, ngành nông nghiệp tiếp tục có sự tăng trưởng khá, khẳng định vai trò "bà đỡ" của nền kinh tế.
Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Thành An, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) trồng các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP, mang lại hiệu quả cao.
Sở NN&PTNT đã chủ động phối hợp các sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả đề án và kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM, các chương trình mục tiêu phát triển ngành, chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất. Đặc biệt, ngành đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 264, ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy về định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, thông minh, liên kết theo chuỗi, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái gắn với xây dựng NTM văn minh.
Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá: Thực hiện nhiệm vụ được giao, sở đã sớm xây dựng kế hoạch chỉ đạo, điều hành, phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp các ngành, UBND huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, chuẩn bị giống, vật tư và các điều kiện sản xuất; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn, sử dụng tiết kiệm và điều tiết hợp lý nguồn nước... Trong 9 tháng qua, hầu hết các chỉ tiêu phát triển đều vượt hoặc tương đương cùng kỳ. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng khá; cơ cấu ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành thủy sản và lâm nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Theo đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp các huyện, thành phố chỉ đạo mở rộng diện tích canh tác lúa chất lượng cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm có giá trị cao, phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái, phát huy lợi thế so sánh của từng nơi; tiếp tục đẩy mạnh cải tạo vườn tạp thành những vườn cây có giá trị. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 1,8 nghìn ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác, trong đó, chuyển đổi đất 2 vụ lúa 766,4 ha, đất 1 vụ lúa 920,5 ha; chuyển đổi 751,8 ha ngô; 379,4 ha rau, đậu các loại; 231,9 ha mía và 22,5 ha các cây trồng hàng năm. Chuyển đổi cây lâu năm sang trồng cây có múi 49,76 ha... Cùng với diện tích chuyển đổi trong những năm trước đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Điểm nhấn là vùng trồng cây ăn quả có múi, dự tính đến hết năm 2020, diện tích trồng đạt trên 10 nghìn ha, diện tích kinh doanh 7,4 nghìn ha, sản lượng ước đạt 15 vạn tấn. Bộ giống cây đa dạng, có năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu rải vụ; cơ cấu giống chín sớm (CS1, quýt Ôn Châu, cam BH/cam Marrs) chiếm 25%, chính vụ (cam Xã Đoài, cam Vân Du, một số giống quýt, bưởi đỏ, bưởi da xanh) 45%, chín muộn (cam đường canh, cam V2) 30% diện tích, giúp ổn định giá cho người sản xuất.
Bên cạnh đó, xây dựng mô hình liên kết, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt được tăng cường. Ở vụ đông xuân 2019-2020 có mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt của Công ty Xuất nhập khẩu Đồng Giao tại các xã: Sào Báy, Xuân Thủy (Kim Bôi) cho thu nhập 40 - 60 triệu đồng/ha/vụ; mô hình liên kết sản xuất tinh dầu sả, diện tích 2 ha tại xã Hùng Sơn (Kim Bôi) thu nhập 70 - 80 triệu đồng/ha; liên kết sản xuất tiêu thụ ở huyện Lương Sơn với sản phẩm bí đỏ, rau đậu các loại theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX rau an toàn Cư Yên, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp - thủy lợi Tân Vinh, cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng/vụ...
Song song với trồng trọt, ngành chăn nuôi tiếp tục tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê; từng bước phát triển theo hướng công nghiệp, mô hình gia trại, trang trại và hình thành các khu, vùng chăn nuôi tập trung, khép kín. Theo số liệu công bố, toàn tỉnh có tổng đàn trâu 116 nghìn con, đàn bò 84 nghìn con; lợn 440 nghìn con; dê 51 nghìn con; gia cầm 8 triệu con. Có 20 trang trại nuôi lợn hậu bị quy mô 300 - 2.000 con, 19 trang trại nuôi lợn nái từ 600 - 1.200 con, 11 trang trại chăn nuôi dê từ 60 - 190 con, 11 trang trại nuôi gà giống và đẻ trứng từ 4.000 - 50.000 con, 43 trang trại nuôi gà thịt từ 1.500 - 40.000 con và 5 trang trại nuôi vịt đẻ quy mô 3.000 - 40.000 con.
Với sự chủ động vượt khó và đổi mới tư duy, tiếp cận thị trường trong sản xuất, 9 tháng năm nay, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh (theo giá so sánh) đạt 6,85 nghìn tỷ đồng, vượt 4,7% so cùng kỳ. Trong đó, nông nghiệp 5,53 nghìn tỷ đồng, vượt 4,37% so cùng kỳ; lâm nghiệp 1,1 nghìn tỷ đồng, vượt 6,05% so cùng kỳ; thủy sản đạt 214 tỷ đồng, vượt 6,3% cùng kỳ.
Bình Giang