(HBĐT) - Những năm qua, cùng với cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) của các DN trong tỉnh chịu áp lực của suy thoái kinh tế nghiêm trọng, ảnh hưởng của các cuộc chiến tranh thương mại. Đặc biệt là từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã để lại hậu quả nặng nề, tác động tiêu cực đến "sức khỏe của DN”. Tuy nhiên, nhờ những cơ chế, chính sách kịp thời của Chính phủ; sự lãnh đạo, điều hành sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh; sự đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và tăng cường hợp tác… cộng đồng DN, doanh nhân Hòa Bình đã tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức để ổn định và phát triển.


Những năm qua, Công ty TNHH Midori Apparel Việt Nam Hòa Bình tại khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn) luôn hoạt động SX-KD hiệu quả, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của địa phương.

Xung kích phát triển kinh tế

Lực lượng DN, doanh nhân của tỉnh đã có bước phát triển về số lượng, chất lượng, trưởng thành về năng lực quản trị, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả SX-KD. Nhiều DN đã phát triển mạnh mẽ, tham gia đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong công cuộc phát triển KT - XH của địa phương.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh đánh giá: Các cấp, các ngành đã tạo điều kiện về thủ tục hành chính, môi trường pháp lý, chính sách tín dụng, công tác đào tạo nguồn nhân lực và các dịch vụ công thuộc lĩnh vực ngành. Đồng thời, đồng hành, lắng nghe, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của DN. Những việc làm thiết thực này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nắm bắt, thực hiện tốt những định hướng xây dựng, phát triển. Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, đến nay, cơ bản các DN trong tỉnh đã yên tâm hoạt động, mạnh dạn đầu tư nhiều dự án quan trọng như các công ty: Sao Vàng, Định Nhuận, Hoàng Sơn, Mỹ Phong, Hùng Mạnh...

Đặc biệt, từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của tỉnh, trong đó có chủ trương xây dựng hệ thống giao thông kết nối và đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nên đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn, DN lớn đến tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh như các Tập đoàn: May Hồ Gươm, Phú Mỹ, Hoàng Hà, Vingroup, FLC, Sungroup, T&T, Hòa Phát, Trường Hải... Nhiều dự án, trung tâm thương mại, khu đô thị lớn đã hoàn thành và đang được đầu tư tại TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn, khu du lịch hồ Hòa Bình…

Thực tế cho thấy, những năm qua, các DN có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của tỉnh, đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ngân sách địa phương; làm ra sản phẩm; giải quyết nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động và tích cực hưởng ứng công tác xã hội, từ thiện. Hoạt động của DN chuyển biến tích cực. Theo Hiệp hội DN tỉnh, giai đoạn 2016 - 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, trong tỉnh có 1.586 DN đăng ký thành lập mới, gấp 1,21 lần so với giai đoạn 2011-2015. Các chỉ tiêu về đăng ký DN đạt khá so với cùng kỳ, như: tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 27.545 tỷ đồng, vốn điều lệ đăng ký bình quân/1 DN đạt trên 17,3 tỷ đồng, tăng 8,9 tỷ đồng/DN so với giai đoạn 2011-2015. Ước tính giai đoạn 2016 đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.796 DN đăng ký thành lập mới, tổng vốn điều lệ đăng ký ước đạt 31.500 tỷ đồng. Từ kết quả này, dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 4.000 DN đăng ký thành lập, số vốn khoảng 49.000 tỷ đồng. Có khoảng 2.800 DN hoạt động, trong đó, DN quy mô lớn khoảng 2%, còn lại là DN quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, mức đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 80.630 tỷ đồng, bình quân hàng năm đạt 16.126 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư khu vực Nhà nước chiếm khoảng 33%; vốn đầu tư của người dân và DN dân doanh chiếm khoảng 60%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 7%.

Để DN hoạt động hiệu quả, đúng hướng, xứng đáng là lực lượng xung kích phát triển kinh tế, những năm qua, Hiệp hội DN tỉnh luôn làm tốt vai trò cầu nối, gắn kết các DN trong tỉnh. Hỗ trợ các DN phát triển SX-KD thông qua việc quảng bá sản phẩm, tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế với DN trong, ngoài tỉnh. Việc liên kết, hợp tác được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác kinh doanh.

Đổi mới tư duy, năng động, hội nhập để phát triển

Mặc dù đã có sự lớn mạnh, song, trên địa bàn tỉnh đa số là DN nhỏ và vừa, trong khi những chính sách hỗ trợ còn ít, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống. Nhiều DN chưa thực sự năng động, sáng tạo, chưa làm chủ được công nghệ trong SX - KD. Hiện, các DN vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, do điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp; tính pháp lý về đất, bất động sản, tài sản của DN chưa đầy đủ để làm bảo đảm vay vốn. Cải cách thủ tục hành chính của một số sở, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa quyết liệt, nhất là trong lĩnh vực đất đai; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do các dự án phải tự thỏa thuận đền bù..., dẫn đến việc giải quyết những vướng mắc chưa đáp ứng được nguyện vọng của DN, nhà đầu tư.

Mới đây, dự Đại hội Hiệp hội DN tỉnh Hòa Bình lần thứ II, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê, hiện tại, cộng đồng DN Hòa Bình chiếm khoảng 0,3% tổng số DN cả nước. DN trên đầu dân đứng thứ 43/63 tỉnh, thành phố; điểm số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố. Đây là những con số dưới mức trung bình của cả nước. Vì vậy, để cải thiện các thứ hạng này thì cộng đồng DN và chính quyền địa phương phải nắm tay nhau thực hiện. Với phương châm "doanh nhân phát tài, địa phương phát triển”, DN phải hiến kế cho lãnh đạo tỉnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để yên tâm làm ăn; phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của DN.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đánh giá: Hòa Bình có một số khu công nghiệp hoạt động khá hiệu quả; các DN trong khu công nghiệp và hoạt động ở lĩnh vực du lịch, kinh tế tuần hoàn là điểm sáng cho phát triển DN cả nước. Tỉnh nên nhân rộng các mô hình này. Đây là yếu tố góp phần cải thiện chỉ số PCI. Để thúc đẩy phát triển DN, tăng cường thu hút đầu tư, Hòa Bình cần triển khai nỗ lực hơn trên cả 2 mặt trận. Thứ nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, lãnh đạo tỉnh là chủ đạo và DN phải chung tay. Thứ hai là phát triển cộng đồng kinh doanh có hiệu quả, trách nhiệm cao, ở vấn đề này thì vai trò chủ trì là Hiệp hội DN tỉnh và chính quyền thì chung tay.


Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 (xã Yên Mông - TP Hòa Bình) trao đổi, bàn giải pháp nhằm tăng cường hợp tác, liên kết và phát triển doanh nghiệp tại diễn đàn về chủ đề này do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phối hợp UBND tỉnh tổ chức tại tỉnh ta.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu: Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 2.500 DN, HTX thành lập mới; khoảng 5.000 DN, HTX hoạt động kinh doanh hiệu quả, tăng gấp đôi so với năm 2020; thu NSNN đạt 10.000 tỷ đồng vào năm 2025... Để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao của cả hệ thống chính trị và cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân trong tỉnh.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Hiệp hội DN tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ cộng đồng DN nắm bắt các cơ hội mới thúc đẩy SX-KD phát triển; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực, cùng các cấp chính quyền chăm lo, hỗ trợ DN hoạt động SX-KD. Đặc biệt là cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân cần nhanh chóng thay đổi tư duy, nắm bắt thời cơ, vận hội, chủ động đổi mới để hội nhập...

Nhằm thúc đẩy cộng đồng DN phát triển, Hiệp hội DN tỉnh đã, đang và sẽ đẩy mạnh tổ chức cho các DN tham gia hội chợ, triển lãm, tìm hiểu thị trường, thông tin, quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm hàng hóa. Tăng cường thăm quan mô hình kinh doanh hiệu quả ở các tỉnh, thành phố về lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, xuất - nhập khẩu... Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, liên doanh giữa các DN tại địa phương và giữa các DN cùng ngành nghề kinh doanh.

"Với phương châm: Đoàn kết - đổi mới - hội nhập và phát triển, cộng đồng DN, doanh nhân Hòa Bình - những người lính xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế sẽ tiếp tục phấn đấu, vươn lên hoàn thiện bản thân, nâng cao trình độ quản trị, điều hành DN, mạnh dạn đầu tư công nghệ, KHKT, triển khai các dự án mới để hoạt động SX-KD có hiệu quả, thực hiện tốt nghĩa vụ ngân sách và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, đóng góp vào phát triểnkinh tế, xây dựng quê hương Hòa Bình ngày càng giàu mạnh"- ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh khẳng định.

Hoàng Nga


NHÓM Ý KIẾN 

Mong muốn doanh nghiệp các tỉnh, thành phố hợp tác, đầu tư tại Hòa Bình

Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh luôn đoàn kết, cống hiến cho sự phát triển của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; thường xuyên tổ chức đối thoại với các cơ quan QLNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN hội viên; từ đó hội viên ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội. DN cùng đầu tư, đổi mới, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm tốt, chất lượng, đủ sức cạnh tranh, đóng góp nhiều vào ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, trong tỉnh vẫn còn nhiều DN nhỏ, rất khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, thiếu vốn, thiếu năng lực tổ chức quản lý, quản trị kinh doanh. Do vậy rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan QLNN, của Hiệp hội và cộng đồng DN. Chúng tôi mong muốn DN các tỉnh, thành phố nghiên cứu tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh Hòa Bình để hợp tác, đầu tư; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm SX-KD giúp DN của tỉnh vững vàng, tư tin hơn trong việc đầu tư mở rộng thị trường.

Thời gian qua, dịch Covid – 19 bùng phát, diễn biến phức tạp trên thế giới và cả trong nước đã để lại hậu quả nặng nề. Trong nước đã có hàng nghìn DN phải giải thể hoặc phá sản, hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm. Con đường duy nhất Chính phủ cứu trợ DN lúc này là các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian phục hồi; chính quyền các cấp tạo môi trường, hành lang pháp lý ưu việt nhất cho các DN tồn tại và phát triển. Hiện tại, những gói hỗ trợ vẫn còn xa tầm với của người lao động gặp khó khăn; những khoản giãn nợ hay giãn thuế thu nhập DN vẫn chưa đến được với các DN nhỏ và siêu nhỏ. Các gói hỗ trợ nên ưu tiên giúp các DN thực sự khó khăn, sắp giải thể hoặc phá sản…

 

Nguyễn Thành Biên

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh


Khẳng định vai trò là cầu nối với các cơ quan quản lý Nhà nước

Những năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động về kỹ năng trao đổi nghiêp vụ thiết thực với nhu cầu của DN, như nghiệp vụ quản trị tài chính, thương hiệu, thuế, giảm chi phí trung gian. Hiệp hội cũng tổ chức các hoạt động bảo đảm, bồi dưỡng, hợp tác để phát triển nguồn lực cho DN, giúp doanh nhân nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực quản lý và kinh doanh. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối, các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đã đến được các cơ quan QLNN để xử lý kịp thời, giúp tháo gỡ khó khăn cho các thành viên. Đặc biệt, Hiệp hội đã kiến nghị và tham mưu cần thiết với các cơ quan Nhà nước về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách. Nhờ vậy, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện.

Cách đây 5 năm, Dạ Hợp vẫn là công ty chủ yếu đầu tư trong các lĩnh vực nhỏ, bất động sản nhỏ của tỉnh Hòa Bình. Giờ đây, chúng tôi đã khẳng định được vị thế là một công ty đầu tư đa ngành với hoạt động trong các lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, sức khỏe, nước sạch, thương mại và sắp tới là trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao. Sự lớn mạnh của Công ty cũng có sự hỗ trợ quan trọng của Hiệp hội.

Những năm qua, vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trong việc xúc tiến đầu tư, kết nối giao thương là điều đã được khẳng định, đạt được thành tựu rõ ràng. Tôi tin tưởng, với vai trò dẫn dắt hàng đầu, Hiệp hội tiếp tục gặt hái thành công nhiều hơn trong những năm tiếp theo và thực hiện tốt vai trò là người đại diện cho DN.

Vũ Thị Hợp

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CPTM Dạ Hợp




Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục