(HBĐT) - Triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, BTV Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức CT - XH quán triệt, tuyên truyền và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của T.Ư gắn với thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chợ Phương Lâm (TP Hòa Bình) là một trong những công trình hiện không sử dụng hết công suất gây lãng phí đầu tư.
Đặc biệt, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 45-CT /TU, ngày 15/5/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, phòng chống lãng phí trong đầu tư công. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thực trạng lãng phí trong đầu tư và lãng phí nguồn lực vẫn là một bài toán nhức nhối chưa có lời giải.
Điểm mặt những công trình tiền tỷ phơi mưa nắng
Chợ không ai họp, bến xe khách đìu hiu khi đưa vào sử dụng, trụ sở ủy ban xã bỏ hoang, những công trình hoành tráng chỉ sử dụng 1/3 công năng, hoặc đã bắt đầu xuống cấp... là những thực tế đau lòng. Thực tế ấy không chỉ gây lãng phí, thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước, mà còn giảm sút lòng tin của người dân.
Nói đến chợ Phương Lâm, đối với không ít người thuộc thế hệ 8x trở về trước, đây được xem như một biểu tượng, niềm tự hào của TP Hòa Bình. Cách đây nhiều năm, dự án chợ Phương Lâm 3 tầng, hơn 100 gian hàng phải nói là một dự án lớn, trọng điểm của TP Hòa Bình. Tuy nhiên, đã hơn chục năm xây dựng và đưa vào sử dụng, khu chợ này chỉ sầm uất được mấy tháng đầu. Hiện nay, vẫn còn nhiều ki ốt ở tầng 2, tầng 3 chưa được sử dụng hết.
Chị Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương buôn bán ở khu chợ này cho biết: Người dân ở đây cho rằng, việc thiết kế công trình không phù hợp kinh doanh chợ, nhất là với văn hóa của người địa phương. Chợ lại quá gần đường, không có điểm gửi xe, chật chội. Không ngoa khi nói rằng, khu chợ chỉ phù hợp để diễn tập... phòng cháy chữa cháy. Điều đáng nói, tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay, và khu chợ vẫn tiếp tục bằng lòng với việc... sử dụng hết 1/3 công suất.
Tương tự, công trình xí nghiệp in Hòa Bình, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) đã bỏ hoang nhiều năm nay gây bức xúc trong Nhân dân. Cử tri TP Hòa Bình không ít lần kiến nghị tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Sau kiến nghị, UBND tỉnh cũng đã có văn bản trả lời giao TP Hòa Bình. UBND thành phố cũng đã nhiều lần giải trình, nhưng đến thời điểm này, xí nghiệp in vẫn bỏ hoang giữa lòng thành phố.
Không chỉ trên địa bàn thành phố, tại nhiều huyện, những công trình đầu tư tiền tỷ nhưng không tận dụng hết công suất hoặc "đắp chiếu” vẫn đang tồn tại gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Điểm mặt các công trình, có thể thấy đều là những công trình "ngốn” tiền tỷ như công trình trụ sở UBND xã, chợ nông thôn, hoặc bến xe khách trung tâm một số huyện đầu tư nhưng không sử dụng hết. Đồng chí Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh quan ngại: Các công trình nước sinh hoạt cũng được đầu tư với nguồn vốn rất lớn, nhưng qua kiểm tra giám sát, thực tế tỷ lệ công trình còn sử dụng được rất thấp. Nhiều công trình hư hỏng nặng, gần như bỏ hoang. Bên cạnh đó, sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, nhiều trụ sở UBND xã mới xây xong cũng bỏ không vì dồn trụ sở, UBND xã phải cắt cử người bảo vệ, trong khi đó, các công trình không sử dụng để lâu sẽ xuống cấp nhanh chóng, gây lãng phí đầu tư.
"Đất vàng” bỏ hoang
Đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng phát triển KT-XH. Theo báo cáo của ngành Thuế tỉnh, ngân sách địa phương phụ thuộc tương đối lớn từ các nguồn thu từ đất. Trên địa bàn tỉnh hiện có 713 doanh nghiệp được UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, sử dụng 1.056 khu đất, với diện tích hơn 16.973 ha để thực hiện các dự án đầu tư. Trong đó, 47 doanh nghiệp sử dụng 2.973 ha đất bị chấm dứt hoạt động đầu tư, chậm triển khai, hoặc đang dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Điều đáng nói, hầu hết các dự án chậm triển khai đều là những dự án có diện tích đất thu hồi lớn, đất nông nghiệp, ảnh hưởng, tác động đến nhiều hộ dân. Điển hình như dự án đầu tư xây dựng trồng rừng nguyên liệu và cây dược liệu quý hiếm của Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Hoà Bình có quy mô đầu tư 250 ha đất tại xã Cao Sơn (Lương Sơn); dự án hạ tầng khu đô thị sinh thái và dịch vụ Cửu Long, do Công ty CP Đầu tư xây lắp dầu khí đầu tư tại các xã: Cư Yên, Nhuận Trạch, Tân Vinh, quy mô 60 ha; dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn, do Công ty CP Đầu tư Reenco Hoà Bình đầu tư tại xã Tân Vinh, quy mô gần 100 ha đất. Đặc biệt, dự án đầu tư trồng và phát triển rừng phòng hộ ở các xã: Liên Sơn, Cư Yên, Cao Sơn, do Công ty TNHH Xuân Cầu làm chủ đầu tư, quy mô sử dụng đất 1.114 ha...
Các dự án treo "ôm đất” không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Bởi thực tế, đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai, quy trình, thủ tục thu hồi đất đối với các dự án này vẫn đang là vấn đề bỏ ngỏ. Trong khi đó, theo quy định, từ khi ra thông báo thu hồi đất đối với các dự án trên đất nông nghiệp, thời gian thực hiện thu hồi là 12 tháng, đất trồng cây lâu năm là 18 tháng, đất phi nông nghiệp là 2 năm. Điều này thực sự ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư.
Hòa Bình là tỉnh còn nhiều khó khăn, trong những năm qua, tận dụng các nguồn lực, chương trình, dự án của Nhà nước, tỉnh đang từng bước ổn định đời sống, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để hoàn thành được các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, đưa tỉnh ta ngang với tỉnh trung bình của cả nước, cùng với tận dụng các nguồn lực bên ngoài, còn cần có sự phát huy nội lực. Nội lực ấy là làm sao sử dụng hiệu quả tiềm lực cơ sở vật chất hiện có, vị trí cửa ngõ Thủ đô, đồng thời phát huy bền vững giá trí tài nguyên đất đai quý giá.
Phương Linh
NHÓM Ý KIẾN
Kiểm soát chất lượng đầu tư đối với các dự án có thu hồi đất
Đối với nguồn lực đất đai, tỉnh cần có biện pháp nắm chắc thông tin năng lực đầu tư của chủ đầu tư, đồng thời, đánh giá, phân tích nhu cầu thực tế của nhà đầu tư có thiết thực không, kiên quyết thu hồi theo quy định của pháp luật đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, dự án triển khai chậm tiến độ, dự án bị chấm dứt chủ trương đầu tư, chấm dứt nghiên cứu quy hoạch, sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai, môi trường, đầu tư… Tạo môi trường đầu tư lành mạnh, tránh tình trạng đầu cơ, găm đất, chờ thời, trục lợi, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Đảm bảo mục tiêu sử dụng đất có hiệu quả, tầm chiến lược lâu dài, không để xảy ra tình trạng không kiểm soát được chất lượng đầu tư các dự án có sử dụng đất.
Bạch Công Ban
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi
Cần có quá trình đánh giá, theo dõi các dự án đầu tư công
Các chương trình, dự án đầu tư công phải được xác định, cụ thể hóa ý tưởng, đánh giá kỹ trước khi lựa chọn đầu tư, đối với các công trình đầu tư phải tính đến độ trễ của công trình, phân tích thực trạng công năng cũng như hiệu quả công trình trong tương lai. Về lâu dài, cần phải có quá trình đánh giá, theo dõi các dự án đầu tư công. Đặc biệt để đảm bảo hiệu quả đầu tư công, cũng như đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất, cần tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra. Thực hiện việc giám sát sử dụng đất, tăng giám sát đột xuất, không báo trước. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nguyễn Thị Xuân Hương
Phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) - Giảng viên trường Đại học Lâm nghiệp
Các cấp, các ngành quyết liệt hành động
Tình trạng công trình đắp chiếu, các dự án đầu tư công bị đội giá so với dự toán đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, ảnh hưởng mức huy động nguồn lực của Nhà nước. Thực tế trong những năm qua, nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, sai phạm cũng đã được gọi tên, tuy nhiên, để có được những giải pháp triệt để, thiết nghĩ, ngoài sự quyết tâm còn là hành động quyết liệt của tất cả các cấp, các ngành. Trước mắt, cần rà soát, thống kê cụ thể các công trình hiện không sử dụng, nhất là các trụ sở UBND xã để có giải pháp giải quyết dứt điểm, tránh thất thoát lãng phí.
Nguyễn Văn Thắng
Cán bộ hưu trí xã Mông Hóa (TP Hòa Bình)
(HBĐT) - Chiều 13/10, Công ty Thủy điện Hòa Bình có Công văn thông báo về việc mở cửa xả đáy điều tiết hồ chứa Thủy điện Hòa Bình.
(HBĐT) - Ngày 13/10, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC). Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh...
(HBĐT) - Ngày 13/10, tại TP Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tổng Cục thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức diễn đàn Khuyến nông @Nông nghiệp với chủ đề: "Phát triển nuôi thủy sản lòng hồ đạt hiệu quả cao và bền vững hướng tới sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc” năm 2020. Dự diễn đàn có lãnh đạo: Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Tổng Cục thủy sản và Sở NN&PTNT tỉnh; Trung tâm Khuyến nông 5 tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Hưng Yên, Hòa Bình; lãnh đạo Phòng NN&PTNT các huyện và Phòng Kinh tế TP Hòa Bình cùng một số doanh nghiệp và 100 nông dân tiêu biểu trong nuôi cá lồng của tỉnh.
(HBĐT) - Từ năm 2017, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) được đưa vào diện hưởng lợi Chương trình 135 dành cho các xã đặc biệt khó khăn. Với sự ưu tiên đầu tư cứng hoá đối với hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn và một số đường nội đồng, hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt. Giao thông đồng thời tạo chuyển biến bước ngoặt trong phát triển KT-XH của địa phương.
(HBĐT) - 9 tháng qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song hoạt động của doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục có chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh ước có 285 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.500 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 2,9%, số vốn đăng ký tăng 36,21%.