Từ chủ trương, định hướng của tỉnh, công nghiệp nông thôn đã có sự phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu CN - TTCN và kinh tế nông thôn. Ảnh chụp tại cơ sở sản xuất đồ mộc xã Quý Hòa (Lạc Sơn).
Những năm qua, phát triển CN-TTCN được chú trọng, tuyên truyền sâu rộng về tình hình sản xuất công nghiệp (SXCN) địa phương, hoạt động khuyến công; phổ biến các cơ chế, chính sách mới liên quan đến phát triển công nghiệp nông thôn; giới thiệu, nhân rộng các mô hình trình diễn để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; quảng bá thương hiệu, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND huyện, thành phố thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị SXCN, kịp thời giải quyết, hoặc đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất CN-TTCN. Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động khuyến công để hỗ trợ các cơ sở ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, áp dụng sản xuất sạch hơn trong SXCN, tiết kiệm năng lượng.
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về phát triển CN-TTCN tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã góp phần quan trọng thúc đẩy SXCN duy trì tốc độ tăng trưởng khá, một số ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp có lợi thế so sánh tiếp tục phát triển, sản phẩm đa dạng, phong phú, nhiều loại có số lượng tăng cao. Cơ cấu ngành chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản. Năng lực SXCN được nâng cao, phát triển nhanh trong các ngành chế tạo điện tử, máy móc, cơ khí, may mặc, khoáng sản, thức ăn gia súc, chế biến nông - lâm sản, thực phẩm.
Theo đó, 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp ước đạt 10,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN bình quân ước đạt 16,4%/năm. Riêng năm 2020, chỉ số SXCN ước thực hiện 11,8%; giá trị SXCN ước đạt 43.007 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, bằng 100% kế hoạch năm. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 334 dự án SXCN, với 138 dự án đã đi vào sản xuất - kinh doanh (SX-KD). Toàn tỉnh hiện có 8 khu công nghiệp, tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.500 ha. Bên cạnh đó, tỉnh quy hoạch 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 820 ha, trong đó, 16 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích trên 630 ha. Hiện, trong các khu công nghiệp thu hút 89 dự án đầu tư (50 dự án đã đi vào SX-KD, chiếm 62%). Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp có nhà đầu tư phát triển hạ tầng đạt gần 57%, các cụm công nghiệp đạt gần 47%.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở SXCN phát triển bền vững, trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn khuyến công với tổng kinh phí 30,523 tỷ đồng, đã hỗ trợ 31 đề án về mua máy móc thiết bị trong sản xuất CN-TTCN; xây dựng trang tin khuyến công địa phương; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, mô hình trình diễn kỹ thuật. Theo đánh giá của Sở Công Thương, thông qua các chương trình, hoạt động khuyến công đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất CN-TTCN, khơi dậy tiềm năng phát triển một số ngành nghề có lợi thế của tỉnh. Các chương trình khuyến công đã khuyến khích được nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn định hướng đầu tư đúng đắn, mở rộng SX-KD, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, trong 3 năm (2018 - 2020), tỉnh bố trí nguồn vốn 430 triệu đồng thực hiện Đề án phát triển CN-TTCN; bố trí 1.097,371 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, 108,171 tỷ đồng cho các cụm công nghiệp, nhờ đó, từng bước phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, tạo điều kiện thu hút đầu tư.
Điểm nhấn trong phát triển công nghiệp của tỉnh thời gian qua là thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu CN-TTCN, kinh tế nông thôn, chuyển mạnh sang sản xuất các loại sản phẩm thế mạnh của địa phương, có thị trường, hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh lại quy hoạch SXCN theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên của từng vùng, lợi thế kinh tế của từng địa phương, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, bảo đảm hiệu quả bền vững.
Tuy SXCN có sự khởi sắc trong những năm gần đây, tuy nhiên, UBND tỉnh đánh giá, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh mới chiếm 38,89%. Chưa tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, chất lượng lao động thấp. Số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TTCN còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường, chủ yếu là trong nước. Việc ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nhất là đối với cụm công nghiệp… Những hạn chế, yếu kém này cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới, để phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế.