Nhà văn hóa xóm Giác, xã Phú Vinh (Tân Lạc) được sửa sang, nâng cấp, phục vụ sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Cách trung tâm huyện khoảng 28 km, đồng đất khô hạn vì không có sông, suối, nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào ngô, mía, chăn nuôi…, nhưng thu nhập bình quân của người dân xã Phú Vinh (Tân Lạc) đã đạt 36,5 triệu đồng/năm (năm 2020). Đường làng, ngõ xóm được đầu tư, nâng cấp thuận tiện cho việc giao thương, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng, đảm bảo yêu cầu phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đồng chí Đinh Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Kết quả đó có được phần lớn dựa vào hỗ trợ từ các chương trình, dự án của T.Ư, của tỉnh, trong đó có Chương trình 135.
Theo thống kê, trong 3 năm (2018-2020), ngân sách T.Ư đã hỗ trợ 501.616 triệu đồng, ngân sách tỉnh chi 10.000 triệu đồng thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn toàn tỉnh. Khi triển khai đã huy động Nhân dân đóng góp 20.145 triệu đồng, các tổ chức quyên góp ủng hộ 12.500 triệu đồng thực hiện các dự án phát triển sinh kế, hạ tầng… Theo đó, trong 3 năm đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 650 công trình giao thông, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và hạng mục phụ trợ, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện và một số công trình khác. Thực hiện duy tu, bảo dưỡng 889 công trình sau đầu tư. Các công trình được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng đã, đang phát huy hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, góp phần phát triển KT-XH tại các xã ĐBKK.
Với dự án phát triển sinh kế thuộc Chương trình 135 đã hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị sản xuất nông, lâm nghiệp… cho khoảng 33.929 hộ. Hỗ trợ nhân rộng khoảng 45 mô hình giảm nghèo cho 2.944 hộ. Các nội dung hỗ trợ được đề xuất từ nhu cầu thực tế tại cơ sở, khi triển khai thực hiện đáp ứng được nguyện vọng của hầu hết các hộ nghèo.
Để giúp bà con được tiếp cận KH-KT trong trồng trọt, chăn nuôi; phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, các sở, ngành hữu quan đã mở khoảng 215 lớp đào tạo, tập huấn cho 10.976 lượt người. Nội dung đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Đối tượng được đào tạo là cán bộ xã, xóm và cộng đồng, được trang bị, bổ sung kiến thức về quản lý đầu tư, giám sát; phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở... Từ đó, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng đồng về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án, chính sách trên địa bàn.
Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Chương trình 135 là một trong những dự án thành phần của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở thực hiện lộ trình giảm nghèo bền vững, những năm qua, tỉnh luôn sát sao lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Việc đầu tư, hỗ trợ vùng ĐBKK, vùng đồng bào DTTS không ngừng được tăng cường, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, miền núi. Đến nay, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 99,8% hộ DTTS đã được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã vùng DTTS&MN có trường mầm non, tiểu học, THCS, đáp ứng yêu cầu học tập của con em trong độ tuổi; 100% xã có trạm y tế đủ điều kiện để khám, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS đạt 33,66 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt hơn nữa các chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS, tạo lực đẩy phát triển KT-XH ở những vùng khó khăn này.
Thúy Hằng