Hộ bà Đinh Thị Thủy, xã Cao Sơn (Đà Bắc) tập trung thu hoạch dong riềng để bán cho tư thương.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, hàng chục năm qua, người dân xã Cao Sơn đã phát triển trồng dong riềng, có những năm, diện tích dong riềng toàn xã đạt trên 300 ha. Dong riềng trồng ở Cao Sơn được thị trường ưa chuộng vì củ nạc, trắng, tỷ lệ tinh bột cao. Mặc dù xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, nhưng thực tế, việc phát triển dong riềng ở xã gặp nhiều khó khăn, do đầu ra khá bấp bênh. Nhiều năm dong riềng sụt giá khiến diện tích giảm nhiều. Vụ này, cả xã trồng 250 ha, giảm gần 50 ha so với vụ trước, vẫn tập trung nhiều nhất ở các xóm: Nà Chiếu, Sơn Phú, Sèo và Tằm. Đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, giá dong riềng có xu hướng ổn định hơn, dao động từ 900 - 1.500 đồng/kg. Với mức giá này, hiệu quả kinh tế dong riềng đem lại cao hơn trồng ngô, sắn.
Mặc dù diện tích giảm nhưng khi đến xóm Sèo, Sơn Phú vẫn là màu xanh bạt ngàn của dong riềng. Thời điểm này, gia đình bà Đinh Thị Thủy và các hộ dân xóm Sơn Phú đang tập trung thu hoạch. Hơn chục năm qua, gia đình bà Thủy duy trì 1 ha dong riềng, còn vụ này, diện tích giảm so với mọi năm. Nhờ đưa giống mới vào trồng nên năng suất, chất lượng cao hơn giống cũ trước đây. Bà Thủy cho biết: Đầu vụ, tư thương thu mua giá 10 nghìn đồng/10 kg, đến nay, tăng lên 11 nghìn đồng, mức giá này thấp hơn so với năm ngoái. Hiện, gia đình bà Thủy đã thu hoạch và bán được 7 tấn củ dong riềng, dự kiến sau khi thu hoạch hết diện tích được khoảng trên 30 tấn.
"Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình tôi lo gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, không dám đầu tư như mọi năm nên năng suất giảm. Mấy hôm nay, tư thương thu mua rầm rộ nên gia đình tập trung để thu hoạch. Giá bán thấp hơn năm ngoái nhưng tính ra, với mức giá này, trồng dong riềng hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn trồng ngô. Hơn nữa, trồng dong riềng 1 năm mới thu hoạch, nên trên diện tích này, chúng tôi vẫn trồng xen canh được thêm một vụ ngô” - bà Thủy cho biết thêm.
Đến xóm Sèo, không khí thu hoạch dong riềng còn tấp nập hơn ở xóm Sơn Phú. Có những hộ nhờ anh em, hoặc thuê thêm 6 - 7 người dỡ dong riềng bán cho tư thương. Vợ chồng anh Trịnh Văn Xuân, xóm Sèo cũng tạm gác các công việc khác để tập trung thu hoạch. Theo anh Xuân chia sẻ, gia đình đã có nhiều năm trồng dong riềng nên nắm vững kỹ thuật. So với cây trồng khác, trồng dong riềng đỡ vất vả hơn, nếu đầu ra ổn định hơn thì đây sẽ là cây trồng có thể giúp bà con làm giàu. "Để chuyển đổi sang trồng cây khác cũng chưa biết trồng cây gì phù hợp, có hiệu quả kinh tế. Thế nên, gia đình vẫn duy trì trồng dong riềng, loại cây này không đòi hỏi đầu tư lớn, chăm sóc không vất vả, lại chịu hạn tốt. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ liên kết đầu ra ổn định, để dong riềng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn” - anh Xuân bày tỏ.
Đó cũng là mong muốn chung của người trồng dong riềng ở xã Cao Sơn. Đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Hiện, trên địa bàn xã có 1 cơ sở sản xuất miến dong, tuy nhiên, cơ sở này mới chỉ tiêu thụ được một phần diện tích dong riềng của bà con, phần lớn việc tiêu thụ vẫn phụ thuộc vào tư thương. Vừa qua, miến dong của HTX đa nghề Yên Lý (xã Cao Sơn) đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Đây là cơ hội để Cao Sơn tiếp tục phát triển vùng trồng dong riềng với hiệu quả kinh tế cao hơn, nếu có đầu ra ổn định. Đến nay, bà con trong xã đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích, vụ thu hoạch kéo dài trong 3 tháng.
Viết Đào