Tuyến đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình là trục giao thông huyết mạch kết nối tỉnh ta với vùng Thủ đô và vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.
"Định chờ ra Tết mới hành hương lên đền Bờ và vãn cảnh sông nước hồ Hòa Bình. Nhưng bạn bè kháo nhau, giờ đi nhanh lắm, bởi có đường to, đẹp rồi. Đi dịp này còn được chiêm ngưỡng những vườn cam, bưởi vàng ruộm; được trải nghiệm cuộc sống thanh bình, ấm áp tình làng xóm những ngày cuối năm mà chắc chắn nhịp sống hối hả, lo toan nơi thành đô không thể có được. Vì vậy mà cả nhà mình đã đi du lịch sớm. Đường lên cảng Thung Nai trước đây nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo, lên đến hồ là say xe lả lướt, chả còn thiết đến thăm thú gì nữa. Bây giờ thì loáng cái đã tới nơi, thích thật" - chia sẻ của chị Nguyễn Thu Hiền, quận Thanh Xuân (Hà Nội) khiến chúng tôi thấy vui trước sự đổi thay của quê hương.
Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là khu vực hồ Hòa Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khu du lịch quốc gia để thu hút các nhà đầu tư, phát triển các loại hình du lịch. Được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435. Đây là trục giao thông huyết mạch kết nối trung tâm TP Hòa Bình với vùng lõi của khu du lịch hồ Hòa Bình, kết nối đường bộ và đường thủy nội địa trên địa bàn. Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại lễ thông xe tuyến Bình Thanh - Suối Hoa, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phấn khởi cho biết: Đây là dự án quan trọng, là động lực để phát triển khu vực hồ Hòa Bình và KT-XH của tỉnh. Hiện nay, khu vực hồ Hòa Bình có nhiều công ty, tập đoàn lớn đến nghiên cứu, khảo sát lập dự án đầu tư, như: Vigroup, APEC, Tân Hoàng Minh... Việc đưa đường tỉnh 435 vào khai thác, sử dụng sẽ thúc đẩy nhanh hơn các dự án đầu tư trong khu vực. Ngoài ra, có hàng chục dự án du lịch nghỉ dưỡng dọc hai bên tuyến đường đi qua đã được cấp phép và đang trong giai đoạn xem xét cấp phép đầu tư, trong đó có dự án quy mô lớn, tương lai sẽ là động lực chính thúc đẩy kinh tế tỉnh Hòa Bình ngày một phát triển. Ngoài ra, tuyến đường còn đảm nhận việc mở rộng thêm một trục giao thông quan trọng để kết nối từ TP Hòa Bình đến các xã vùng xa của huyện Cao Phong và Tân Lạc vào trung tâm xã Suối Hoa để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương đã nhiều năm mong đợi.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435 là một trong nhiều dự án giao thông tầm cỡ được tỉnh chủ trương huy động nguồn lực đầu tư với phương châm "giao thông đi trước mở đường". Trên cơ sở quy hoạch GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được duyệt, các tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về AN-QP, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và được quan tâm đầu tư xây dựng, như: Đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL1; dự án xây dựng cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2; đường nối QL6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình); dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 438B (Khoan Dụ - An Bình, huyện Lạc Thủy), đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc; đường Hang Kia - Cun Pheo - QL6... góp phần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, tăng khả năng kết nối với các tỉnh, khu vực lân cận.
Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 10.330 km đường bộ, tăng gần 90 km so với năm 2015, số được bê tông hóa, nhựa hóa, đạt chuẩn chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh phát triển hệ thống giao thông huyết mạch, những năm gần đây, mạng lưới giao thông nông thôn cũng được chú trọng. Nổi bật trong công tác giao thông nông thôn là việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án cứng hóa đường giao thông nông thôn tỉnh Hòa Bình. Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh cứng hóa trên 1.050 km đường giao thông nông thôn. Đến hết năm 2020, ước có 80/131 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, dần thu hẹp khoảng cách giữ vùng nông thôn và đô thị.
Theo quy hoạch vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh ta là một trong các tỉnh cửa ngõ chuyển tiếp giữa vùng Thủ đô với vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó xác định Hòa Bình đóng vai trò là vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, đảm trách những chức năng về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng...; phát triển các trung tâm du lịch - đô thị dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng... Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã chỉ rõ nhiệm vụ trong chặng đường 5 năm tới: Tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển KT-XH, như các quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng có tính đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, qua các vùng động lực kinh tế của tỉnh, đường kết nối với khu du lịch quốc gia vùng hồ sông Đà. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình giao thông trọng điểm để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch. Triển khai, thực hiện đầu tư đường vành đai 5 trên địa phận tỉnh Hòa Bình. Phát huy mạnh mẽ phong trào làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn giao thông vùng cao, vùng xa. Phấn đấu đến năm 2025 phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước thực hiện mục tiêu đến năm 2030 theo quy hoạch tổng thể phát triển GTVT được duyệt, trong đó: Quốc lộ đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III trở lên; đầu tư giai đoạn 2 đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình, đường cao tốc TP Hòa Bình - Mộc Châu; một số tuyến đường tỉnh, tạo sự lan tỏa phát triển KT-XH, cơ bản đạt cấp III, cấp IV trở lên; giao thông đô thị phát triển theo hướng hiện đại, cứng hóa đường tới 100% thôn, bản.
Bình Giang
(HBĐT) - Đó là quyết tâm chính trị mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc đã xác định và tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ.