(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình có tiềm năng rất lớn về phát triển nông nghiệp với các đặc sản có tiếng cũng như các sản phẩm công nghiệp nông thôn. Theo số liệu của Sở NN&PTNT, đến năm 2020, diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh đạt trên 11,5 nghìn ha, trong đó, diện tích kinh doanh 8 nghìn ha, sản lượng trên 15 vạn tấn. Diện tích trồng rau các loại trên 11 nghìn ha/năm, năng suất 13-15 tấn/ha, sản lượng 14-16 vạn tấn/năm. Diện tích mía trong giai đoạn ổn định trên 8 nghìn ha. Bên cạnh đó, chăn nuôi phát triển mạnh với 5 loài vật nuôi chủ lực, được thị trường tin dùng. Từ thực tế này đặt ra yêu cầu lớn trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nông sản của tỉnh đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước và hướng tới xuất khẩu.
Xác định rõ tầm quan trọng này, những năm gần đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và từng địa phương tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước được đẩy mạnh với việc hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, phát triển giao thương. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh tổ chức được 33 hội chợ triển lãm với sự tham gia của gần 4.000 DN. Tổ chức 20 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, xa. Vận động, mời các tổ chức, cá nhân SX-KD trên địa bàn tỉnh tham gia hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm thương mại trong nước, giới thiệu và hỗ trợ hơn 200 DN, đơn vị tham gia tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nam, Quảng Trị, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hưng Yên, Kiên Giang, Nghệ An, Quảng Ninh, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh... Tỉnh đã phê duyệt triển khai 59 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ATTP, xây dựng 4 cửa hàng bán và giới thiệu nông sản an toàn. Triển khai xây dựng thành công 3 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp đối với sản phẩm mía Lạc Sơn, bưởi Tân Lạc, miến dong Đà Bắc.
Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tìm hiểu thị trường đối với các sản phẩm hàng hóa chủ lực như: Hàng năm tổ chức lễ hội cam Cao Phong; tổ chức tuần lễ cam Cao Phong, cá Sông Đà tại Hà Nội; tham gia trưng bày các gian hàng tại hội chợ hàng nông sản vùng Tây Bắc. Tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và liên kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản; giới thiệu DN, HTX cung ứng sản phẩm với Trung tâm Xúc tiến thương mại TP Hà Nội; ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các cơ sở trên địa bàn tỉnh với các DN phân phối của TP Hà Nội. Đặc biệt, đã triển khai và dán trên 7 triệu tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm: Cam Cao Phong, cam Mường Động, bưởi đỏ Tân Lạc, chuỗi cá sông Đà, chuỗi thịt lợn. Hỗ trợ hơn 242 nghìn tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho liên nhóm hữu cơ Lương Sơn và HTX nông sản hữu cơ để dán trên các loại sản phẩm rau hữu cơ tại huyện Lương Sơn.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Đã xây dựng chỉ dẫn địa lý "Cao Phong” cho sản phẩm cam quả của huyện Cao Phong và các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể: Mía tím Hòa Bình, hạt dổi Lạc Sơn, quả lặc lày và rau hữu cơ của huyện Lương Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc, cam Lạc Thủy, mật ong Hòa Bình, gà Lạc Sơn, Lạc Thủy, tôm - cá sông Đà, tỏi tía Mai Châu, gạo J02 Đà Bắc... Hướng dẫn và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 243 cơ sở. Hỗ trợ, chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản cho 10 cơ sở với sản lượng 1.802,3 tấn/năm; chứng nhận VietGAP cho 13 cơ sở chăn nuôi quy mô 664,8 tấn/năm; chứng nhận VietGAP và tiêu chuẩn hữu cơ cho 57 cơ sở trồng trọt quy mô 2.481,9 ha. Toàn tỉnh hiện có trên 70 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 - 4 sao…
Các chứng nhận chất lượng đã giúp nông sản của tỉnh khẳng định được vị thế, tiêu thụ mạnh trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, như: Sản phẩm cam Cao Phong bán tại các siêu thị lớn, hàng không Vietnam Airline; bưởi đỏ Tân Lạc vào được hệ thống siêu thị BigC, T-Mart, Trung tâm thương mại V+; cá sông Đà vào hệ thống siêu thị BigC, Vinmart, Qmart, Co.opmart, Lotte; rau su su Tân Lạc, rau hữu cơ Lương Sơn vào hệ thống các siêu thị Fivimart, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Biggreen....
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, công tác xúc tiến thương mại đã được tăng cường, song hiệu quả chưa cao. Các chương trình xúc tiến thương mại quy mô nhỏ, triển khai chưa được thường xuyên. Chưa có chiến lược xúc tiến thương mại cho từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể…
Trao đổi về vấn đề xúc tiến thương mại trong cuộc họp mới đây tại Sở Công Thương, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Các mặt hàng nông sản của tỉnh nên xác định Hà Nội là thị trường chủ đạo, bởi chúng ta giáp với Thủ đô, đây là thị trường lớn, người dân đông nên có nhu cầu rất cao. Thường trực Tỉnh ủy nên có cuộc làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội để mở cửa thị trường Thủ đô, làm sao mở được các điểm bán hàng tại đây. Muốn vậy, vấn đề đặt ra là các cơ quan QLNN phải giúp các DN, HTX ra được cơ chế, chính sách. Việc hỗ trợ thuê các điểm bán hàng không phải từ NSNN mà từ nguồn xã hội hóa. Cùng với đó, công tác truyền thông phải đẩy mạnh, đổi mới cách thức trên đài quốc gia và truyền thông của Thủ đô.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Sở NN&PTNT, qua khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, tỉnh có nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu như nhãn, ớt, chuối, gừng… nhưng hàng hóa phục vụ cho DN xuất khẩu còn ít, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của DN khi diện tích trồng cây hàng năm lớn và đã có quy hoạch, có bản đồ thổ nhưỡng. Do vậy, Sở Công Thương nên phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị, mời các DN trong, ngoài tỉnh đến nắm bắt nhu cầu các sản phẩm xuất khẩu. Các cơ quan Nhà nước phải làm cầu nối giúp các DN. Đồng thời, các địa phương đã có quy hoạch thì gắn với sản xuất theo chuỗi để DN đưa vào thị trường.
Bình Giang