Khu công nghiệp Yên Quang (TP Hòa Bình) đã có nhà đầu tư hạ tầng, nhưng tiến độ triển khai dự án rất chậm so với kế hoạch đề ra.
Tại cuộc họp gần đây của UBND tỉnh bàn về giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển các K-CCN trên địa bàn tỉnh đã đánh giá: Hiện nay, quy hoạch các KCN trong tỉnh không còn phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các KCN đều cần điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Không có quy hoạch khu tái định cư (TĐC) cho người dân khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, không có quy hoạch hạ tầng xã hội như: dành quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân, lao động trong các KCN. Nhiều CCN quy mô nhỏ, vị trí quy hoạch không phù hợp.
Tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật K-CCN còn chậm. Hầu hết các CCN chưa được đầu tư đồng bộ với cơ sở hạ tầng. Có những K-CCN đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng yếu về năng lực, tài chính, gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn, dẫn đến tiến độ đầu tư hạ tầng chậm, kéo dài, thậm chí có dự án không có khả năng triển khai đầu tư, bị thu hồi.
Đặc biệt, công tác đền bù, GPMB, thu hồi đất, TĐC gặp nhiều vướng mắc và xảy ra ở nhiều K-CCN. Thời gian thực hiện kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư hạ tầng. Điển hình như KCN bờ trái sông Đà, theo lãnh đạo UBND TP Hòa Bình, hiện vướng mắc lớn nhất là khu đất giao cho nhà đầu tư tiềm năng - Công ty Meiko Electronics Co., Ltd., Nhật Bản. Có 53 hộ đề nghị giao đất nơi ở mới nhưng chưa giải quyết được.
Chia sẻ về đầu tư hạ tầng các K-CCN, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Với góc độ là cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển công nghiệp, thời gian tới, Sở Công Thương tăng cường phối hợp các sở, ngành chức năng, huyện, thành phố trong công tác GPMB, nắm bắt năng lực của các nhà đầu cũng như thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Sở rất mong UBND tỉnh có sự chỉ đạo, rà soát để bổ sung, loại bỏ những CCN không còn phù hợp. Thực tế trước đây, có những CCN quy hoạch chưa sát kể cả về lợi thế thương mại lẫn diện tích. Hiện, trong tỉnh có 5/20 CCN đã thành lập nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng, 5 cụm đã có trong quy hoạch nhưng chưa thành lập, vì vậy cần rà soát, tính toán lại, nếu không còn đảm bảo thì có thể loại bỏ. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, đến năm 2025, trong tỉnh có 4.600 ha đất K-CCN, nhưng đến thời điểm này, cả tỉnh mới có khoảng 2.300 ha. Chính vì vậy, vừa qua, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các huyện rà soát, tổng hợp, phấn đấu làm sao các huyện bổ sung được 13 CCN để diện tích lên khoảng hơn 1.000 ha, riêng KCN cũng phải có hơn 1.000 ha nữa mới đảm bảo được mục tiêu đề ra.
Cũng theo người đứng đầu ngành Công Thương, vấn đề GPMB ở nhiều nơi vướng mắc, Sở đang phối hợp với các đơn vị tích cực tháo gỡ. Các nhà đầu tư đã cam kết thực hiện, nếu hết thời gian không đủ năng lực tài chính có thể loại bỏ để có phương án mới. Về năng lực của nhà đầu tư, ngày 17/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3191/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh. Qua đây, chúng ta sẽ lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng đủ tiêu chí. Sau đó, khi thu hút nhà đầu tư thứ cấp, Sở Công Thương sẽ có trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư đảm bảo yêu cầu.
Chỉ đạo về vấn đề này, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật các K-CCN có vai trò hết sức quan trọng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp, dần dần tiến tới khi có đủ điều kiện sẽ hạn chế tối đa việc cấp phép ngoài K-CCN, bởi thực hiện dự án ngoài K-CCN ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và phá vỡ quy mô đất đai. Ngoài ra, có K-CCN mới thu hút được các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó tăng thu NSNN, giải quyết việc làm cho người lao động và kéo theo các lĩnh vực khác. Cần xác định phát triển K-CCN là mục tiêu, do vậy, các địa phương chủ động rà soát lại quy hoạch. Nếu có dự án chậm và CCN không có khả năng, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch như các CCN: Tây Phong, An Bình, Phú Thành 1... và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với các K-CCN diện tích nhỏ. Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát tiến độ. K-CCN nào đã có nhà đầu tư hạ tầng mà không đảm bảo tiến độ thì mời nhà đầu tư đến ký cam kết. Nếu không cam kết mà quá hạn kiên quyết không gia hạn, muốn được gia hạn tiến độ cần có tiền đặt cọc.
Vướng mắc ở một số dự án cụ thể, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Công tác GPMB KCN bờ trái sông Đà cần được giải quyết dứt điểm, đến ngày 30/4 tới phải xong. Đối với những hộ phải GPMB tuy có đất ở vùng địa phương nhưng không muốn vào, mà muốn ở khu TĐC thì vẫn giải quyết được, điều này không trái với quy định của pháp luật, kể cả trường hợp thiếu tiền sử dụng đất sẽ xem xét cụ thể và có thể cho nợ. Đối với KCN Mông Hóa cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục để giao cho nhà đầu tư, trong tháng 4 tiến hành kiểm đếm, phê duyệt lại phương án. Với KCN Yên Quang, đề nghị rà soát tiến độ, thông báo lộ trình thời gian GPMB, tiến độ cụ thể từng hạng mục. Về tổng thể sẽ không gia hạn, còn nếu có gia hạn phải nộp tiền đặt cọc, tối thiểu là 30% tổng giá trị được Thủ tướng phê duyệt giao cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, tiến độ xây dựng, Ban quản lý các KCN tỉnh đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện trong công tác đầu tư hạ tầng để phát triển công nghiệp. Tích cực phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các KCN triển khai thực hiện có hiệu quả việc đền bù GPMB. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật về đất đai cho người dân nhằm nâng cao kiến thức, quyền lợi, nghĩa vụ của người dân có đất nằm trong quy hoạch các KCN, tạo sự đồng thuận về chủ trương phát triển KCN của tỉnh.
Hoàng Nga