Các đồng chí: Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam (thứ hai bên trái) thăm quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Đại hội Liên minh HTX tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng các đề án, nghị quyết, chỉ thị về phát triển KTTT, HTX. BCH Liên minh HTX tỉnh, các HTX, đơn vị thành viên đã chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13 - NQ/TU, ngày 29/5/2017 về xây dựng, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác, HTX đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 162/KH-UBND về thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại HTX… Các điểm nghẽn cản trở sự phát triển của KTTT, HTX dần được khơi thông tạo động lực để KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững. Số lượng, chất lượng hoạt động của HTX, tổ hợp tác (THT) tăng lên. Các HTX hoạt động đúng bản chất, tập trung hỗ trợ kinh tế hộ thành viên; cán bộ quản lý HTX tâm huyết, giàu kinh nghiệm, nhạy bén với thị trường. Nhờ vậy, đời sống thành viên, hộ thành viên được cải thiện, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 203 THT và 425 HTX, trong đó có: 298 HTX nông nghiệp; 97 HTX lĩnh vực phi nông nghiệp. Các THT và HTX giải quyết việc làm cho hơn 21.778 lao động; thu nhập bình quân người lao động đạt 4 triệu đồng/người/ tháng. Trung bình mỗi năm thành lập mới được trên 60 HTX. 100% HTX hoạt động đúng quy định của Luật HTX năm 2012.
Cùng với sự phát triển của HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản và HTX phi nông nghiệp, hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động chuyên nghiệp. Toàn tỉnh có 3 QTDND đang hoạt động. Các QTDND có 5,68 nghìn thành viên. Tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học đạt 76%; thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Đến hết năm 2020, tổng số vốn hoạt động của các QTDND là 565,4 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có 2 Liên hiệp HTX, gồm: Liên hiệp HTX cam và cây ăn quả có múi tại Cao Phong và Liên hiệp HTX Việt Nam.
Thời gian qua, một số HTX trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư máy móc để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh chụp tại HTX dịch vụ tổng hợp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn (Kim Bôi).
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT, HTX còn một số tồn tại, hạn chế: Về quy mô sản xuất: Đa phần HTX khi thành lập mới chỉ đáp ứng yêu cầu số thành viên tối thiếu là 7. Số HTX quy mô siêu nhỏ (dưới 50 thành viên) chiếm trên 80%. Tư liệu sản xuất như đất đai, nhà xưởng của HTX còn khiêm tốn.
Về năng lực tài chính: Trên 70% HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với vốn điều lệ dưới 1 tỷ đồng; chủ yếu cung ứng dịch vụ đầu vào cho thành viên và thành viên liên kết như giống, phân bón, thuốc thú y, thuốc BVTV. Với năng lực tài chính hạn chế nên rất khó tiếp cận công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Về công nghệ sử dụng: Các HTX chủ yếu sử dụng công nghệ truyền thống, có hàm lượng khoa học thấp, tỷ lệ hao phí nguyên vật liệu đầu vào cao, tính đồng nhất sản phẩm không cao, khả năng kiểm soát sản phẩm thấp dẫn tới giá thành sản phẩm cao, song giá trị sản phẩm thấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) không lớn. Ngoài ra, ruộng đất manh mún khó áp dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất, khó quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.
Về khả năng tiếp cận: Khả năng tiếp cận công nghệ thông tin mới tập trung ở một bộ phận cán bộ quản trị trẻ, được đào tạo chuyên nghiệp. Tiếp cận tài chính của các HTX hạn chế do thiếu tài sản thế chấp, phương án SXKD tiềm ẩn nhiều rủi ro, lãi suất cao.
Về năng lực thay đổi: Ban quản trị HTX chủ yếu SXKD cái mình có, mình quen làm mà chưa chủ động thay đổi, thích ứng với nhu cầu thị trường, điều này thể hiện rõ nhất đối với cán bộ quản trị cao niên, họ ngại thay đổi. Nghiên cứu, phát triển sản phẩm chưa được chú trọng, mới tập trung vào bán sản phẩm thô và sản phẩm truyền thống.
Những tồn tại trên làm cho KTTT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được thành viên tham gia, chưa kết nối được với doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, hiệu quả SXKD còn thấp, đóng góp cho phát triển KT-XH tỉnh còn khiêm tốn, tỷ trọng trong GRDP ở mức 3-4%.
Bước sang giai đoạn 2020-2025, trong bối cảnh mới với sự hội nhập sâu rộng thị trường thế giới, thực hiện Hiệp định FTA, thích ứng với diễn biến phức tạp của thiên tai và dịch bệnh. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng đòi hỏi các HTX phải nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng KHKT tạo ra sản phẩm có chất lượng và mẫu mã tốt. Nhằm hỗ trợ các HTX, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh về chính trị, thống nhất mục tiêu, định hướng; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTT và các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển KTTT. Trong đó, tập trung xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch, dự án hỗ trợ, phát triển HTX theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 167/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 340/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh xây dựng và trình BCH Đảng bộ tỉnh ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, hộ cá thể tham gia thành viên HTX; trình ban hành đề án xây dựng HTX điển hình tiên tiến giai đoạn 2021-2025. Hàng năm, xây dựng chương trình phối hợp hoạt động với các sở, ngành liên quan.
Bên cạnh đó, HTX phải chủ động chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị và HTX điển hình tiên tiến. Tăng cường công tác tuyên truyền; đẩy mạnh hoạt động tư vấn hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chăm lo cho các thành viên; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tạo thành chuỗi cung ứng. Số lượng và chất lượng sản phẩm được sản xuất ra cần có địa chỉ cung ứng đầu vào, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm cụ thể thông qua hợp đồng có bảo lãnh của chính quyền địa phương cũng như quỹ phòng ngừa rủi ro trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao giá trị sản phẩm bản địa, nhất là sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, định danh vùng trồng, chính danh hóa nhà sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Trần An Định
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh