(HBĐT) - Những năm gần đây, công nghiệp của tỉnh có sự bứt phá, quy mô sản xuất liên tục được mở rộng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) bình quân đạt 16,4%. Số dự án đăng ký vào lĩnh vực này tăng đều qua các năm. Qua đó góp phần quan trọng tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng. Tuy nhiên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá, công nghiệp của tỉnh phát triển chưa mạnh, chưa có nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao. Do vậy, phát triển công nghiệp (PTCN) thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, hiệu quả được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để công nghiệp của tỉnh phát triển xứng tầm.

Bài 1 - Thiếu ngành công nghiệp chủ lực đóng vai trò dẫn dắt




Hiện nay, Công ty CP tre gỗ Hải Hiền, KCN Mông Hóa (TP Hòa Bình) muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng thiếu diện tích.

Để thúc đẩy PTCN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thiết thực như: Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28/12/2015 của BCH Đảng bộ tỉnh và đề án của UBND tỉnh về phát triển CN - TTCN giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 2669/QĐ-UBND, ngày 9/12/2015 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CN - TTCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy về phát triển khu, cụm công nghiệp (K-CCN)...

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch SXCN theo hướng: Phát huy lợi thế tự nhiên của từng vùng, lợi thế kinh tế của từng địa phương, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; hình thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường và công nghiệp chế biến, bảo đảm hiệu quả bền vững. Ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhất là việc nghiên cứu, chuyển giao KHCN. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX đầu tư PTCN bảo quản, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng... Nhờ vậy, cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản. Sản phẩm công nghiệp đa dạng, phong phú. Năng lực sản xuất được nâng cao, phát triển nhanh trong các ngành chế tạo điện tử, máy móc, cơ khí, may mặc, khoáng sản, thức ăn gia súc, chế biến nông, lâm sản, thực phẩm.

Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị SXCN của tỉnh đạt 163.799 tỷ đồng, tăng 102,12% so với giai đoạn 2011 - 2015 là 81.039 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 352 dự án SXCN, chiếm 59,45% tổng dự án trên toàn tỉnh. Trong đó, 138 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh (SX-KD); riêng trong các khu công nghiệp (KCN) có 98 dự án, 50 dự án đã đi vào SX-KD, chiếm 62%; trong các CCN có 13 dự án, 6 dự án đã đi vào sản xuất. Tỷ lệ đất công nghiệp được lấp đầy tại các KCN đã có nhà đầu tư phát triển hạ tầng đạt 56,9%, các CCN đạt 40,88%.

Những con số thực tế trên cho thấy, công nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển mình rõ nét so với giai đoạn trước. Song, nhìn ở góc độ của một tỉnh có lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, tài nguyên, nguồn nhân lực dồi dào thì những con số đạt được còn khá khiêm tốn.

Tại cuộc làm việc của đồng chí Ngô Văn Tuấn, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy với Sở Công Thương mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin: PTCN của tỉnh phụ thuộc nhiều vào Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình. Trong giá trị gia tăng của ngành công nghiệp năm 2020, riêng NMTĐ Hòa Bình chiếm khoảng 56,5%, 3 tháng đầu năm nay chiếm 57%. Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của ngành công nghiệp 3 tháng qua là 67,6%, riêng NMTĐ Hòa Bình đóng góp khoảng 61%. Nhà máy thủy điện không ảnh hưởng do chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Nhà nước mà phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết, nếu mưa thuận thì đạt, còn nếu thời tiết khô hạn sẽ giảm sản lượng. Đây là hạn chế lớn trong phát triển của ngành.

Chia sẻ về những hạn chế, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương thẳng thắn đánh giá: PTCN nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu CNH - HĐH, chưa có ngành công nghiệp chủ lực đóng vai trò dẫn dắt và có sức cạnh tranh cao. Tỉnh thiếu các dự án công nghiệp lớn nhằm thay đổi cục diện kinh tế, giải quyết nhiều việc làm. SXCN, nhất là hàng xuất khẩu chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Năng lực SXCN nội tại của tỉnh còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện nay, doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 80% trong thị phần PTCN cũng như dịch vụ, xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta có những khó khăn khi công nghiệp, xuất khẩu phụ thuộc tương đối lớn vào doanh nghiệp FDI. Đây là bài toán cần được giải quyết để làm sao doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp địa phương có thể tiếp cận được. Ngoài ra, công nghiệp chế biến, đặc biệt công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm còn chậm phát triển, chưa được các doanh nghiệp chú trọng gắn với vùng nguyên liệu...

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu được biết, công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch còn "chạy theo” dự án. Việc ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng trong và ngoài hàng rào các K-CCN trên địa bàn tỉnh hạn chế, nhất là đối với CCN. Thời gian qua, tổng vốn đầu tư thực hiện KCN mới đạt 1.097,371 tỷ đồng (ngân sách T.Ư hỗ trợ 174 tỷ đồng; ngân sách địa phương 410,7 tỷ đồng; doanh nghiệp 512,671 tỷ đồng). Về CCN, tổng vốn đầu tư thực hiện 191,519 tỷ đồng (ngân sách T.Ư hỗ trợ 58 tỷ đồng; ngân sách địa phương 22,144 tỷ đồng; doanh nghiệp 111,375 tỷ đồng). Hiện, còn tồn tại việc các nhà đầu tư dự án vào K-CCN phải thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng... như các dự án ngoài K-CCN. Nhiều CCN chưa có hoặc chưa hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào SX-KD hoặc mở rộng quy mô sản xuất.

Đơn cử như khó khăn của Công ty CP tre gỗ Hải Hiền, KCN Mông Hóa (TP Hòa Bình). Công ty chủ yếu sản xuất ván dán xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu. Tổng Giám đốc Cấn Thành Dương cho biết: Công ty sử dụng diện tích đất 1,75 ha; giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động, thu nhập bình quân từ 7,5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi rất muốn tăng quy mô sản xuất nhưng diện tích để mở rộng nhà máy không còn. Nhà máy nằm trong KCN nhưng hạ tầng chưa được đầu tư hoàn thiện về giao thông, hay nước sinh hoạt chưa có. Công nhân chủ yếu xuất phát từ nông dân, chưa quen tác phong công nghiệp, phải mất thời gian đào tạo. Nhất là lao động có tay nghề cao còn hạn chế, công ty phải dùng người từ Hà Nội nên gặp nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc, thời gian thực hiện kéo dài, làm chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật K-CCN và thu hút nhà đầu tư tiềm năng. Câu chuyện tại KCN bờ trái sông Đà là ví dụ điển hình. Tại đây, chủ trương triển khai dự án Nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử Meiko của Công ty Meiko Electronics Co.,Ltd., Nhật Bản; dự kiến thuê 10,8 ha đất. Đây là dự án lớn, kỳ vọng đóng góp quan trọng vào phát triển KT- XH của tỉnh. Tuy nhiên, những vướng mắc kéo dài trong công tác GPMB khiến dự án này chậm triển khai, phần nào ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh.

(Còn nữa)


Hoàng Nga


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt lên đói nghèo nhờ vốn chính sách

(HBĐT) - Đến nay, huyện Lạc Sơn là địa phương có tổng dư nợ tín dụng chính sách cao nhất tỉnh. Nhờ vốn chính sách mà nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng chính sách đã đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vượt lên đói nghèo.

3 tháng đầu năm, 95 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

(HBĐT) - Theo đánh giá của UBND tỉnh, thời gian qua, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh tiếp tục được đẩy mạnh. Các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Huyện Yên Thủy thực hiện dồn điền đổi thửa được trên 1.300 ha

(HBĐT) - Nhằm phát triển sản xuất gắn với công tác quy hoạch và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, UBND huyện Yên Thủy đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa; xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, trên cơ sở đó, các xã xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, tạo thương hiệu cho sản phẩm.

Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất

(HBĐT) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Huyện Lương Sơn dồn lực thực hiện mục tiêu trở thành thị xã

(HBĐT) - Ngày 20/11/2019, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký Quyết định số 986/QĐ-BXD công nhận thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV; hoàn thành trước 1 năm so với Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11/5/2012 của BTV Tỉnh ủy. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, xứng tầm là vùng động lực kinh tế, góp phần tạo động lực tác động đến sự phát triển của tỉnh và vùng Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền huyện đang dồn lực lãnh đạo, điều hành thực hiện mục tiêu chính trị đưa huyện Lương Sơn trở thành thị xã.

Xã Đồng Tâm: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn động vật hoang dã

(HBĐT) - Hội gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã thông thường xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng chuồng trại; thực hiện tốt vấn đề kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi để phát triển các loài động vật rừng thông thường như: nhím, lợn rừng, ong, dê, hươu… Qua đó, giúp các hộ thành viên phát triển kinh tế và bảo tồn các loài động vật hoang dã.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục