(HBĐT) - Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức mới đây, tỉnh Hoà Bình có điểm tổng hợp đạt 62,80 điểm, đứng thứ 44/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2019. Đây cũng là thành tích cao nhất trong 5 năm trở lại đây (năm 2016, 2017 xếp ở vị trí 52; năm 2018, 2019 xếp ở vị trí 48). Đây là ghi nhận nỗ lực, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thân thiện.
Năm 2020 được đánh giá là năm đầy khó khăn, biến động đối với nền kinh tế do đại dịch Covid-19 bùng phát, thời tiết cực đoan... ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, đời sống của người dân. Tăng trưởng của tỉnh chỉ đạt 3,8%, mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Song, trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã giúp số vốn đăng ký đầu tư vào tỉnh đạt khá, với gần 17.054 tỷ đồng (là năm cao nhất trong giai đoạn 2017-2020); số dự án đi vào SX-KD tăng, những dự án chậm triển khai, không triển khai được rà soát, thu hồi theo quy định.
Ngay từ những ngày đầu năm, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 97/QĐ-UBND về kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh năm 2020, định hướng đến năm 2021; quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo PCI tỉnh và văn bản triển khai các hoạt động nhằm nâng xếp hạng Chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (B1) trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng DN về tầm quan trọng của cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và ngày càng chủ động, tích cực triển khai các giải pháp trong phạm vi trách nhiệm của mình.
UBND tỉnh quan tâm gặp mặt DN, HTX, tổ chức hội nghị đối thoại với DN, nhà đầu tư; làm việc với nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại và nhiều cuộc làm việc về thực hiện các dự án có tác động lớn đến phát triển KT-XH của tỉnh để giải quyết vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ tiến độ giải ngân, sớm đưa dự án đi vào hoạt động.
Công ty CP Hồng Gia Bảo, xã Đông Lai (Tân Lạc) được đánh giá là một trong những DN vượt khó tiêu biểu để ổn định SX-KD. Anh Nguyễn Tiến Dũng, quản lý công ty chia sẻ: Công ty chuyên sản xuất chế biến gỗ. Năm qua, trước sự tác động sâu của dịch Covid-19, công ty luôn nhận được sự quan tâm, động viên của các cấp, ngành, nhất là Huyện ủy, UBND huyện Tân Lạc, giúp duy trì sản xuất, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Chúng tôi đã chủ động tìm thêm khách hàng để mở rộng đối tác nhập hàng. Đồng thời, tìm thêm đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu SX-KD. Trong năm nay, công ty sẽ mở rộng quy mô với việc xây dựng nhà máy ván ép, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Thời gian qua, công ty rất cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành và mong muốn tiếp tục được tỉnh, huyện tạo điều kiện thuận lợi giúp công ty mở rộng mặt bằng để nhà máy đi vào sản xuất theo kế hoạch.
Năm 2020, dưới sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất như: Xem xét, cho phép gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, cơ cấu nợ cho khách hàng. Các ngành và chính quyền địa phương thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ, không cơ quan nào tự ý đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực. Hiện, 100% DN đang hoạt động trên địa bàn đã thực hiện khai thuế điện tử, đăng ký nộp thuế điện tử với ngân hàng thương mại; 97,9% giao dịch nộp thuế hàng tháng được thực hiện bằng phương thức nộp thuế điện tử, góp phần nâng xếp hạng của chỉ số nộp thuế…
Theo đánh giá của tổ chức, cá nhân đã thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong năm 2020, có 93,1% đánh giá thời gian giải quyết TTHC sớm hơn thời gian quy định; 36,9% đánh giá đúng thời hạn quy định. Tất cả các TTHC thực hiện tại bộ phận một cửa được công khai chính xác, đầy đủ, kịp thời bằng cả hình thức niêm yết và điện tử.
Theo chia sẻ của đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, với việc nỗ lực triển khai các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã giúp công tác thu hút đầu tư vào tỉnh trong năm 2020 có dấu hiệu khởi sắc. Tuy số dự án không tăng so với năm 2019, song số vốn đầu tư có sự vượt trội.
Theo đó, tổng dự án thu hút đầu tư vào tỉnh trong năm 2020 đạt 45 dự án, có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 17.054 tỷ đồng (bình quân 379 tỷ đồng/dự án). Vốn đăng ký đầu tư năm 2020 tăng gấp 3,4 lần so với năm 2019 và là năm có vốn đăng ký đầu tư cao nhất trong giai đoạn 2017-2020. Trong năm, nhiều dự án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn được mời gọi và chấp thuận chủ trương đầu tư (7 dự án có vốn đăng ký trên 300 tỷ đồng, trong đó, 4 dự án vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng). Việc quản lý, hậu kiểm các dự án đầu tư ngoài ngân sách được tiến hành thường xuyên hơn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho nhà đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả vốn đầu tư, đóng góp cho NSNN.
Nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là: "Tập trung cải thiện Chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm tăng tối thiểu 3 bậc”. Ngày 19/1/2021, UBND tỉnh có Quyết định số 121 ban hành Kế hoạch tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh năm 2021. Ngày 31/3, UBND tỉnh có Quyết định số 679/QĐ-UBND về ban hành Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và các sở, ngành tỉnh áp dụng thử nghiệm trong năm 2021. Với việc triển khai Bộ chỉ số này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện TTHC, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bình Giang