Nông dân xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn) xử lý ổ dịch sâu keo mùa thu gây hại trên ngô xuân.
Đồng chí Lê Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Mai Châu cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ sở thực hiện các công văn hướng dẫn của Trung tâm DVNN về quy trình kỹ thuật phòng trừ các loại sâu bệnh, đối tượng gây hại lúa vụ xuân 2021; phòng, chống sâu keo mùa thu (SKMT) hại trên ngô xuân hè 2021... Tổ chức rộng rãi chiến dịch đánh bắt chuột bằng biện pháp thủ công để bảo vệ mùa màng. Đồng thời, khuyến cáo nông dân bám sát đồng ruộng, kịp thời phát hiện những đối tượng sâu bệnh hại phát sinh sớm để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, trong toàn tỉnh, hiện chuột gây hại mạnh trên lúa giai đoạn ôm đòng - đòng già - trỗ với diện tích 456 ha, phân bố tại khu vực huyện Lạc Thủy, TP Hòa Bình, Lạc Sơn…; bệnh đạo ôn tiếp tục gây hại cục bộ vùng ổ bệnh cũ, giống nhiễm diện tích 22,5 ha; tập đoàn rầy, bọ xít dài hôi, bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tiếp tục gây hại nhẹ, rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Đối với cây ngô, SKMT gây hại trên ngô trồng mới giai đoạn 3 - 5 lá, 7 - 9 lá, mật độ, tỷ lệ thấp hơn cùng kỳ năm trước; chuột gây hại trên ngô trồng mới, tỷ lệ phổ biến 1 - 3% số cây. Ngoài ra, bọ trĩ, sâu khoang, sâu xám, bọ nhảy... tiếp tục gây hại trên các vùng trồng rau; bệnh thối nõn, sâu đục thân, rệp muội, bệnh rỉ sắt gây hại trên cây mía giai đoạn mọc mầm - đẻ nhánh - phát triển thân lá...
Dự báo trong thời gian tới, tập đoàn rầy tiếp tục gây hại và tăng dần mật độ trên các trà lúa, mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, cao 800 - 1.500 con/m2; cục bộ 3.000 - 5.000 con/m2, có thể gây cháy từng ổ, từng chòm hay cả ruộng trên trà chính vụ. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn tiếp tục gây hại trên lúa giai đoạn ôm đòng - đòng già - trỗ, bệnh hại mạnh sau các đợt mưa dông gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Bệnh đạo ôn cổ bông có thể phát sinh gây hại trên những ruộng nhiễm đạo ôn lá, giống nhiễm, các bệnh khác sẽ gây hại trên lúa xuân với mật độ tăng dần. Chuột cũng tiếp tục gây hại những ruộng cạn nước, ruộng gần gò đồi và gây hại trên các cây trồng cạn khác...
Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp yêu cầu các địa phương thực hiện tốt những giải pháp về tăng cường phòng, chống tổng hợp SKMT hại ngô và các loại cây trồng; tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa và cây trồng vụ xuân 2021; quy trình phòng, chống các loại sâu bệnh gây hại trên lúa, cây trồng vụ xuân. Đồng chí Vũ Thị Thanh Huyền, Chi cục phó Chi cục TT&BVTV cho biết: Để bảo đảm chăm sóc tốt lúa xuân, Trung tâm DVNN các huyện, thành phố cần nắm rõ cơ cấu giống, diện tích phân bố, chú ý phân loại các giống nhiễm, giống mẫn cảm với sâu bệnh, vùng ổ dịch cũ; theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, khí hậu; duy trì hệ thống bẫy đèn phục vụ cho công tác dự tính, dự báo dịch hại cây trồng. Cùng với đó, cán bộ chi cục tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn nông dân bảo vệ mùa màng. Với những ruộng bị bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, nên phun phòng ngay sau khi có đợt mưa dông, ở nơi xuất hiện vết bệnh trên lá, giống nhiễm, có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Staner, Kasumin, xanthomic… hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Với bệnh khô vằn có thể sử dụng các loại thuốc: Validasin 3SL, Daconil 75 WP... Ngoài ra, các địa phương tăng cường đặt bẫy bả chua ngọt để nhử bắt trưởng thành SKMT hại ngô và cây màu vụ xuân, thực hiện các biện pháp phòng trừ chuột triệt để bảo vệ cây trồng.