(HBĐT) - Cuối tháng 5 là đợt cao điểm để nông dân huyện Cao Phong thu hoạch mía trắng. Tuy nhiên, tại các cánh đồng từ Tây Phong, Nam Phong, Dũng Phong tới những sườn đồi của xã Thạch Yên…, mía trắng vẫn bạt ngàn mà không có bóng dáng của tư thương tới thu mua. Người dân lo lắng khi mùa mưa kèm dông lốc đến, cây mía dễ bị đổ, nguy cơ thua lỗ rất cao.


Những cơn mưa đầu mùa kèm gió khiến mía trắng tại nhiều địa phương huyện Cao Phong đổ ngả nghiêng. Ảnh chụp tại xã Dũng Phong.

Cặm cụi bóc lá và dựng mía bị đổ sau mấy trận mưa đầu mùa vừa qua, chị Bùi Thị Mức, xóm Đồng Nhất, xã Dũng Phong trăn trở: Mới có mấy trận mưa kèm gió đầu mùa đã khiến diện tích mía trắng của gia đình đổ la liệt. Nhà tôi có khoảng 5.000 cây mía trắng loại 1 to, đẹp, như mọi năm là bán xong từ đầu tháng 4 với giá khoảng 5.000 đồng/cây. Tuy nhiên, giờ đã là cuối tháng 5 mà chưa có tư thương đến hỏi mua, cứ tình hình này gia đình sẽ phải thuê người đến dọn vườn bỏ mía đi, vì mía đã bị đổ không tiêu thụ được ngay sẽ bị hỏng. Chúng tôi mong các cấp, các ngành tìm kiếm thị trường tiêu thụ mía giúp người dân.

Những năm trước, dù giá mía đắt hay rẻ thì không khí mua bán mía tại chợ nông sản xóm Bảm, xã Tây Phong vẫn diễn ra sôi động. Hiện, thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng chợ mía đìu hiu, vắng vẻ. Cả chợ chỉ có vài hộ dân mang mía ra bán mà cũng không có khách mua. Đối với diện tích mía xấu, cây nhỏ, nông dân đành phải chặt bán cho những trang trại chăn nuôi gia súc lớn với giá 10.000 đồng/bó, mỗi bó khoảng 15 - 20 cây. Với giá này người nông dân phải bù lỗ.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, toàn huyện có trên 1.600 ha mía trắng. Đến thời điểm này, mới có khoảng 25% diện tích mía được tiêu thụ. Mía trắng là cây trồng chủ lực của huyện Cao Phong, là cây xóa đói, giảm nghèo đối với nông dân các xã Dũng Phong, Tây Phong, Thạch Yên… Cao Phong nổi tiếng là vùng trồng mía có chất lượng tốt. Cây mía to, dóng dài, màu vàng óng, nước thơm và có vị ngọt đậm nên tư thương tại các tỉnh: Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng rất ưa chuộng, có năm mía bán tại vườn với giá 6.000 - 7.000 đồng/cây. Tuy nhiên, năm nay, giá mía trắng chỉ khoảng 2.000 - 2.500 đồng/cây. Nông dân nơm nớp nỗi lo mưa gió dẫn tới mía bị đổ sẽ trắng tay.

Xã Thạch Yên là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của huyện. Đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có 148 ha mía, đến nay mới chỉ tiêu thụ được khoảng 7,5 ha, giá bán từ 2.000 - 4.000 đồng/cây, tư thương cũng chỉ chọn chặt những cây mía loại 1 to, cao, thẳng. Từ năm ngoái, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sức tiêu thụ mía của địa phương nhưng năm nay còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, năm ngoái có thời điểm nông dân bán được với giá 5.000 - 7.000 đồng/cây. Năm nay giá rẻ nhưng người mua rất ít, thi thoảng mới có người đến hỏi xong lại đi và không quay lại.

Lý giải về nguyên nhân khiến mía trắng rớt giá, tiêu thụ chậm, đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Thị trường tiêu thụ mía trắng của huyện chủ yếu được tư thương các tỉnh phía Bắc tới mua. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay dịch Covid-19 bùng phát trở lại, các lễ hội không tổ chức, điểm du lịch dừng hoạt động, sức tiêu thụ nước mía sụt giảm trầm trọng. Việc thu mua mía chậm khiến nông dân đứng ngồi không yên khi thời tiết ngày thì nắng nóng gay gắt, chiều lại thường xuyên xuất hiện mưa dông làm mía bị đổ rạp, nếu không bán được ngay sẽ hỏng. Đặc biệt, việc tiêu thụ chậm như hiện nay còn ảnh hưởng đến vụ mía năm sau, bà con không giải phóng được mía đúng thời vụ sẽ không trồng mới được, nếu để mía lưu gốc chuyển vụ cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng mầm mía vụ sau. Trước tình trạng tiêu thụ mía trắng gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Phòng NN&PTNT huyện khuyến cáo nông dân thường xuyên bóc lá già để khi xảy ra mưa kèm gió hạn chế được tình trạng mía bị đổ. Cấp ủy, chính quyền huyện đang nỗ lực tìm thị trường tiêu thụ mía giúp đỡ nông dân vượt qua khó khăn.


Thu Thủy


Các tin khác


Ban Kinh tế - Ngân sách: Một nhiệm kỳ tích cực, đổi mới, hiệu quả

(HBĐT) - Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) HĐND tỉnh khóa XVI đã hoàn thành chương trình công tác theo đúng kế hoạch, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng cao, tạo dấu ấn, góp phần vào sự thành công trong nhiệm kỳ hoạt động của HĐND tỉnh. Những nội dung Ban tham mưu, đề xuất ban hành chính sách thuộc lĩnh vực KT-NS được cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết của HĐND tỉnh.

Sức sống nông thôn mới

(HBĐT) - Giờ đây, về vùng nông thôn của tỉnh cảm nhận rõ sức sống mới căng tràn trên từng bản làng, ngõ xóm, bởi hệ thống điện - đường - trường - trạm và nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu được xây dựng khang trang, kiên cố. Đồng ruộng, núi rừng trải dài màu xanh với những mô hình, cách làm kinh tế sáng tạo, hiệu quả. Đó là thành quả từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước triển khai các chương trình, dự án thiết thực về tận cơ sở, trong đó không thể không nói tới Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (XDNTM) - một chương trình hợp ý Đảng, lòng dân.

Điểm nhấn đô thị thành phố Hòa Bình

(HBĐT) - Theo dòng chảy lịch sử bên dòng Đà Giang, TP Hòa Bình đã có sự phát triển vượt bậc với diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Đồng thời nắm bắt những cơ hội rộng mở, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu trở thành đô thị loại II trong trương lai không xa.

Huyện Mai Châu: Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên 300 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mai Châu, đến hết tháng 4, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn h đuyệnạt gần 300,1 tỷ đồng, với trên 9,7 nghìn khách hàng còn dư nợ.

Cương quyết xóa bỏ ‘xin-cho’, tạo khí thế, quyết tâm mới trong đầu tư phát triển

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong giai đoạn tới, phải cương quyết xóa bỏ "xin-cho”, chống tiêu cực trong đầu tư công, chấm dứt dàn trải, manh mún, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tạo khí thế, quyết tâm mới trong phát triển.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19

(HBĐT) - Hiện đang bước vào cuối tháng 5, các địa phương trong tỉnh khẩn trương thu hoạch lúa xuân trà sớm, chuẩn bị thu lúa trà chính vụ, các loại ngô, đậu; bên cạnh đó tích cực phòng, chống dịch bệnh trên gia súc và kiểm tra các công trình thủy lợi chuẩn bị phương án khi bước vào mùa mưa bão. Ngành nông nghiệp đẩy mạnh chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường sản xuất trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục