Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tập trung ở huyện Lương Sơn dọc đường Hồ Chí Minh.
Tổng số DN có hoạt động được cấp giấy phép KTKS từ năm 2018 - 2020 do cơ quan thuế quản lý là 95 DN; trong đó có 81 DN KTKS đá vôi làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng; 6 DN khai thác đất, san lấp đất làm gạch; 1 DN khai thác than; 3 DN khai thác cát, sỏi lòng sông; 4 DN khai thác nước khoáng, quặng sắt, quặng đồng… Tổng số mỏ được cấp đối với 95 DN là 102 mỏ (không bao gồm 4 mỏ của 4 DN tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh).
Theo rà soát của Cục Thuế, trong 3 năm (2018 - 2020), phần lớn các DN hoạt động kinh doanh lỗ nhiều năm, trung bình 75% DN lỗ và hoạt động hiệu quả trong năm. Tính đến ngày 31/12/2020, tổng số lỗ lũy kế của DN là 283 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do các DN đầu tư lớn vào tài sản cố định, lãi vay lớn, sản phẩm đầu ra không ổn định dẫn đến sản xuất, kinh doanh lỗ kéo dài. Một số DN được cấp giấy phép KTKS, tuy nhiên lại gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hoặc đã chấp hành nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền KTKS nhưng chưa tiến hành khai thác, chưa phát sinh doanh thu từ hoạt động khai thác. Một số DN đang trong quá trình thăm dò, đánh giá trữ lượng KTKS không sát thực tế nên hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, các DN KTKS chủ yếu là DN có quy mô nhỏ và rất nhỏ, kể cả quy mô tài chính lẫn lực lượng lao động.
Tổng số thuế nộp bình quân của các DN là 186 tỷ đồng/năm. Trong đó, tiền cấp quyền KTKS là 55 tỷ đồng, chiếm 30%; số thuế tài nguyên là 40 tỷ đồng, chiếm 22%; số tiền phí bảo bảo vệ môi trường 12 tỷ đồng, chiếm 6%; các loại thuế khác 79 tỷ đồng, chiếm 42%. Tính đến cuối năm 2020 có 79 DN KTKS còn nợ thuế 151 tỷ đồng (có 37 DN nợ tiền cấp quyền KTKS 47 tỷ đồng). Hầu hết các trường hợp nợ thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, nhiều trường hợp cơ quan thuế kiến nghị Sở TN&MT, báo cáo UBND tỉnh thu hồi giấy phép KTKS. Tuy nhiên đến nay vẫn chây ì, dây dưa nợ kéo dài, chiếm dụng tiền thuế.
Hằng năm, cơ quan thuế đã rà soát, lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra khoảng 32/95 DN có hoạt động KTKS, theo đó, có khoảng 20/32 DN có hành vi vi phạm về kê khai thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường; còn lại có hành vi vi phạm kê khai đối với các loại thuế khác, hoặc cơ quan thuế xác định giảm lỗ. Tổng số tiền phạt, thuế truy thu bình quân 4 tỷ đồng/năm; trong đó, số tiền truy thu đối với thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường 1,4 tỷ đồng, chiếm 35% tổng số thuế truy thu, phạt.
Tại buổi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy với ngành Tài chính trong tháng 4/2021, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vũ Hồng Long cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực KTKS, chẩn chỉnh những hành vi vi phạm cũng như ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp đôn đốc các DN KTKS còn nợ thuế. Đề nghị UBND tỉnh sớm thu hồi và ban hành quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền KTKS để Cục Thuế có cơ sở điều chỉnh số tiền cấp quyền KTKS. Hiện nay, có một số dự án KTKS sau một thời gian đã được chủ đầu tư chuyển nhượng và được UBND tỉnh chấp thuận cấp phép cho DN mới. Tuy nhiên, các thủ tục về hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất vẫn đứng tên DN cũ, như: Xưởng sản xuất đá Bộ Tư lệnh pháo binh chuyển nhượng cho Công ty CP vật liệu và xây dựng Sơn Đông; HTX Phương Liệt chuyển nhượng cho Công ty TNHH khoáng sản NTA. Cục Thuế cũng đề nghị: UBND tỉnh yêu cầu các DN thực hiện các thủ tục về thuê đất, chuyển đổi hợp đồng thuê đất khi có hoạt động chuyển nhượng quyền khai thác mỏ. Chỉ đạo Sở TN&MT rà soát, đối chiếu về sản lượng tài nguyên khai thác theo quy định Thông tư số 152/2015/TT-BTC, ngày 2/10/2015 của Bộ Tài chính để kịp thời phát hiện những trường hợp khai thiếu, khai sai sản lượng tài nguyên khai thác. Chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp cung cấp báo cáo tình hình khai thác và cấp vật liệu nổ theo định kỳ; đối với trường hợp nợ đọng thuế lớn kéo dài, phối hợp áp dụng biện pháp ngừng cung cấp vật liệu nổ khi có đề nghị của cơ quan thuế để thu hồi tiền thuế nợ đọng.
P.V