(HBĐT) - Sáng 4/6, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã làm việc với tỉnh về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) động vật. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố.
Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại xã Hòa Sơn (Lương Sơn).
Theo thống kê, đến ngày 31/5, toàn tỉnh có tổng đàn trâu 115.700 con, bò 85.890 con, lợn 431.410 con, gia cầm 7,831 triệu con, dê 51.365 con, đàn chó nuôi 145.860 con, đàn ong 59.340 tổ. Hiện, toàn tỉnh có 3 trang trại chăn nuôi bò của Công ty T&T 159 quy mô 500 - 7.000 con bò thịt và bò cái sinh sản; 71 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn từ 3.000 - 170.000 con; 41 trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt quy mô từ 300 - 3.000 con. Các HTX chăn nuôi phát triển cả về quy mô, số lượng, từng bước hình thành nguồn cung ổn định cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Đã có 3 sản phẩm chăn nuôi gà và 3 sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao, 4 sao.
Về tình hình dịch bệnh, từ đầu năm đến ngày 31/5, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 15 xã của 6 huyện, thành phố; hiện còn 7 xã của 4 huyện có dịch chưa qua 21 ngày. Dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 11 xã của 3 huyện, thành phố. Bệnh viêm da nổi cục trâu, bò xảy ra tại 125 xã, thị trấn của 10 huyện, thành phố. Khi dịch bệnh động vật xảy ra, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương công bố dịch theo quy định, áp dụng đồng bộ các biện pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan, dây dưa kéo dài.
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, khó khăn về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và công tác PCDB động vật trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đóng góp ý kiến vào dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện đề án "Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030"; dự thảo kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh; việc thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; hoạt động liên quan tới phát triển chăn nuôi của tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ tỉnh xây dựng thương hiệu cho các loài vật nuôi địa phương để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước; hỗ trợ các cơ sở chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình VietGAP trong chăn nuôi; xây dựng mô hình sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ vắc xin, thuốc sát trùng cho địa phương; hướng dẫn tỉnh triển khai đề án "Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030" theo Quyết định số 414/QĐ-TTg, ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để thống nhất thực hiện.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển chăn nuôi và công tác PCDB trên đàn vật nuôi của tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát triển quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tích cực cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi; tiếp tục huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành trong PCDB; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm PCDB cho người dân; quan tâm củng cố, phát huy hiệu quả hệ thống thú y trên địa bàn; bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ tiêm vắc xin PCDB cho đàn vật nuôi. Các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Bộ NN&PTNT sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.
Trước đó, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác đã thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất, chăn nuôi tại xã Hòa Sơn (Lương Sơn).
Thu Thủy
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo cơ quan cấp dưới thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai của cả nước.
(HBĐT) - Tháng 5 vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tới hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Tại một số địa phương, các hoạt động sản xuất - kinh doanh dịch vụ, hàng hóa phải tạm dừng để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nhờ chủ động các phương án, kịch bản nên nguồn cung hàng hóa vẫn được đảm bảo, giá các mặt hàng không có nhiều biến động so với thời điểm trước, nhất là tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
(HBĐT) - Hoà Bình đang bước vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm. Điều này đồng nghĩa với những người làm nghề sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị điện tử, điện lạnh cũng tất bật "vào vụ” bởi nhu cầu của người dân mỗi ngày một tăng.
(HBĐT) - Xây dựng huyện Lương Sơn phát triển toàn diện, bền vững, trở thành vùng kinh tế năng động của tỉnh với mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng, thu ngân sách Nhà nước đạt 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 60%, thị trấn Lương Sơn và khu vực mở rộng cơ bản đạt tiêu chí thị xã... Đó là nội dung quan trọng được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bám sát định hướng chung, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tích cực triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết, với quyết tâm tạo thêm động lực đưa huyện thực sự trở thành vùng kinh tế năng động của tỉnh.
Ngày 2-6, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP về phương án hõ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện (đợt 3) cho các khách hàng sử dụng điện.
(HBĐT) -Giữa những ngày thời tiết oi bức, nắng tới 36oC nhưng khắp cánh đồng các xã: Khoan Dụ, Đồng Tâm... của huyện Lạc Thủy bà con nông dân khẩn trương thu hoạch lúa. Những chiếc máy gặt hối hả chạy trên ruộng, mỗi người một công đoạn để kịp thời gặt xong trước khi mùa mưa bão tới.