(HBĐT) - Hoà Bình đang bước vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm. Điều này đồng nghĩa với những người làm nghề sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị điện tử, điện lạnh cũng tất bật "vào vụ” bởi nhu cầu của người dân mỗi ngày một tăng. 



Thợ bảo dưỡng máy điều hoà không khí cho hộ dân tại phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình). 

Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời trên địa bàn trong tỉnh luôn ở mức cao. Mới gần 8h, cái nóng đã bao trùm. Hiệu ứng bê tông hóa khiến nơi đâu cũng như một chảo lửa khổng lồ. Từ phòng trọ đến chung cư hay cả nơi công sở..., quạt hơi nước, quạt điện bình thường đều không thể đáp ứng được nhu cầu làm mát của người dân. Do đó, những chiếc máy điều hoà không khí (ĐHKK) dễ bị hỏng vì luôn phải hoạt động ở cường độ lớn. Chị Nguyễn Thị Thư, xã Hợp Thành (TP Hoà Bình) cho biết: máy ĐHKK của gia đình đã lâu không vệ sinh nên làm mát kém, tôi đã gọi thợ quen tới sửa nhưng do khách quá đông nên hẹn 2 ngày sau mới đến. Nóng lắm nhưng gia đình cũng phải chờ vì mùa này tìm thợ rất khó. Tôi cũng đã gọi vài chỗ đều nhận được câu trả lời tương tự.

Với những thợ bảo dưỡng, lắp đặt ĐHKK như anh Hồ Danh Đông, chủ một cửa hàng chuyên mua bán, bảo dưỡng, lắp đặt các thiết bị điện tử, điện lạnh tại phố Tân Lập 1, phường Trung Minh (TP Hoà Bình), cao điểm nắng nóng cũng là những ngày vất vả làm không hết việc, nhiều khi đến bữa không kịp ăn cơm vì lịch bảo dưỡng cho khách trong ngày chưa kết thúc. Anh Đông chia sẻ: Từ 1 tuần nay, khách hàng có nhu cầu bảo dưỡng, lắp đặt ĐHKK tăng lên mỗi ngày. Tuy cửa hàng có vài nhân viên cùng làm, phân công từng nhóm khách để đi làm như: Doanh nghiệp, cơ quan, hộ gia đình... nhưng vẫn có những ngày không kịp làm hết cho khách, phải hẹn sang hôm sau. Có hôm đi làm buổi trưa ngoài trời, nắng dội xuống người bỏng rát vẫn cố gắng hoàn thành nhanh công việc để kịp thời mang lại không khí mát mẻ, trong lành cho khách hàng, cũng là để giữ uy tín, niềm tin của khách đối với cửa hàng. Thời gian này, cửa hàng của anh Đông bảo dưỡng đều đặn trên 10 máy ĐHKK/ngày. Ngoài ra, nhu cầu lắp mới máy lạnh của người dân cũng tăng với 3 - 4 máy/ngày.

Nắng nóng khiến nhu cầu bảo dưỡng, lắp đặt thiết bị làm mát tăng đột biến dù là ở khu vực thành thị hay nông thôn, ở nhà dân, công sở hay các doanh nghiệp. Nhu cầu cao, thợ làm không xuể nên không ít thợ, cửa hàng phải hẹn khách hàng vài ngày sau mới tới sửa chữa được. Anh Vũ Văn Phong, phố Bằng, xã Tây Phong (Cao Phong) cho biết: Ở địa phương, thợ bảo dưỡng, lắp đặt thiết bị làm mát không nhiều như các khu vực trung tâm huyện hay thành phố. Vì thế gần đây, có ngày tôi nhận hàng chục cuộc điện thoại khách giục sửa, lắp đặt máy. Khách ai cũng muốn làm cho nhanh mà một mình làm không xuể nên tôi phải thuê thêm người đi cùng. Thông thường, máy ĐHKK bị hỏng ở các lỗi như: Lốc máy chết, hết gas, hơi lạnh yếu, máy nén (cục nóng) bị ồn... Để vệ sinh mỗi bộ máy ĐHKK công suất từ 9.000 - 18.000 BTU mất khoảng 30 phút, chi phí từ 100 -150.000 đồng, chưa kể công lắp đặt mới và sửa chữa thiết bị mỗi ngày. Không thể phủ nhận, thu nhập  từ nghề này tăng gấp mấy lần trong mùa cao điểm. Tuy nhiên, những người thợ đều "đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết để có được những đồng thù lao xứng đáng với công sức lao động của mình. 

Hàng năm, dịch vụ bảo dưỡng, lắp đặt điện tử, điện lạnh thường bắt đầu nhộn nhịp từ tháng 4 - 7. Thời gian này, nghề sửa chữa điện lạnh trở thành nghề có thu nhập cao, thu hút được nhiều lao động, tuy nhiên cũng là nghề vất vả, nguy hiểm. Vào những ngày cao điểm, công việc có thể kéo dài từ 6 - 23h, thậm chí tới 1h hôm sau. Chưa kể, nghề này đòi hỏi người thợ phải nhanh nhẹn, giỏi về kỹ thuật, am hiểu tận tường các loại máy móc.

Để tránh "tiền mất tật mang” khi sửa chữa, bảo dưỡng ĐHKK ngày nắng nóng, các đơn vị, cửa hàng lắp đặt, bảo dưỡng thiết bị điện tử, điện lạnh, thợ lành nghề khuyến cáo khách hàng nên liên hệ với các trung tâm chính hãng, cửa hàng uy tín khi gặp sự cố sử dụng ĐHKK. Bởi những nơi này, thường có đội ngũ thợ giỏi, có thể xử lý nhanh tình trạng máy hư hỏng. Nếu thợ không giỏi dẫn đến "đoán bệnh” của các loại máy không chuẩn sẽ gây tốn kém về thời gian, tiền bạc cho khách. Thậm chí một số nơi còn lợi dụng sự không am hiểu của khách hàng để "hét" giá hoặc thay hàng kém chất lượng.


Thu Hằng

Các tin khác


Xuất khẩu gạo vượt bão Covid-19

Gạo vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong bão dịch Covid-19 khi doanh nghiệp tiếp tục có nhiều đơn hàng sang các thị trường đòi hỏi cao về chất lượng. Nỗ lực nâng cao chất lượng trong nhiều năm qua đã mang lại kết quả khả quan cho xuất khẩu mặt hàng này thời gian gần đây.

Vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh được phép hoạt động trở lại

(HBĐT) - Ngày 31/5, Sở GTVT ban hành Công văn số 1515/SGTVT-PCAT về việc sắp xếp, tổ chức lại hoạt động vận tải hành khách (VTHK) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Xã Đồng Tân: Chú trọng công tác bảo vệ rừng

(HBĐT) - Xã Đồng Tân (Mai Châu) có 1.358 ha rừng, trong đó có 676 ha rừng đặc dụng với thảm động, thực vật phong phú, nhiều nguồn gen quý hiếm, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, điều hòa hệ sinh thái. Những năm qua, xã chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng (BVR), ngăn chặn các hành vi chặt phá, xâm hại tài nguyên rừng trái phép, phòng, chống cháy rừng (PCCR).

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa và cây màu vụ xuân

(HBĐT) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông năm 2021. Thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương tập trung thu hoạch lúa vụ chiêm xuân, đồng thời triển khai sản xuất vụ mùa, hè thu bảo đảm đúng thời vụ.

Thúc đẩy, hỗ trợ phát triển bền vững các mô hình sinh kế nông nghiệp

(HBĐT) - Dự án "Nâng cao năng lực tự giúp cho các cộng đồng dân tộc thiểu số tại huyện Kim Bôi” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em (DWC) phối hợp UBND huyện Kim Bôi và Hội LHPN huyện thực hiện bước vào năm thứ 2 của giai đoạn 2 (2020 - 2022). Với mục tiêu hoạt động ý nghĩa, thiết thực, dự án đã góp phần thúc đẩy, hỗ trợ các nhóm sở thích phát triển bền vững mô hình sinh kế nông nghiệp.

Siết tín dụng với bất động sản, chứng khoán

Trước những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro về cho vay bất động sản (BÐS), chứng khoán, đầu tư kinh doanh trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mới đây đã phát tín hiệu cảnh báo, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục