(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản (TTNS) của nông dân trong tỉnh chậm hơn. Để chủ động hỗ trợ nông dân TTNS hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, các ngành, địa phương, đơn vị đã kịp thời vào cuộc, đồng thời đưa ra những giải pháp có tính lâu dài trong việc TTNS khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo Sở NN&PTNT, đầu năm nay, việc TTNS khá thuận lợi, giá cả ổn định. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, trước tình hình trong tỉnh có những trường hợp mắc Covid-19 và dịch diễn biến phức tạp trên cả nước nên đã xuất hiện tình trạng một số nông sản trong giai đoạn thu hoạch có nguy cơ xảy ra ùn ứ, khó tiêu thụ. Điển hình như rau su su, củ cải (Tân Lạc); chuối (TP Hòa Bình, Cao Phong); bí xanh (Kim Bôi, Yên Thủy…), giá bán giảm khoảng 15 - 20% so với mọi năm, chỉ 2.500 - 3.000 đồng/kg; mía trắng (Cao Phong) giá 2.000 - 3.000 đồng/cây nhưng tiêu thụ rất chậm do việc lưu thông qua các tuyến vận chuyển bị hạn chế, người dân ở một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch nên ít tiêu thụ.
Nông sản xuất khẩu sang thị trường nước ngoài của doanh nghiệp chế biến măng, rau các loại… trên địa bàn tỉnh cũng giảm khoảng 20%. Nguyên nhân do việc giảm sản lượng của đơn vị nhập khẩu và việc làm thủ tục tại các cửa khẩu kéo dài. Bên cạnh đó, một số nông sản khác như: Thịt lợn, thịt gà, cá lồng, rau các loại đều có sức tiêu thụ chậm do việc lưu thông bị hạn chế, các nhà hàng, quán ăn, trường học… đều đóng cửa.
Chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân tiêu thụ nông sản
Để đảm bảo ổn định sản xuất trồng trọt, TTNS trên địa bàn và cả chuẩn bị vật tư phục vụ sản xuất vụ mùa, hè thu sắp tới, giảm thiểu tác động bất lợi của dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc; các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ nông dân.
Ngày 10/5/2021, Sở NN&PTNT ban hành Văn bản số 880/SNN-TT&BVTV về việc tăng cường các giải pháp đẩy mạnh TTNS vụ xuân và triển khai sản xuất vụ mùa, hè thu 2021 trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cơ sở rà soát toàn bộ diện tích cây trồng đã, đang trong thời điểm thu hoạch vụ xuân 2021 trên địa bàn, phân loại chất lượng để có kế hoạch tổ chức thu hoạch, tiêu thụ sớm ngay từ đầu. Đối với sản phẩm lúa gạo cần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, còn lại tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; với một số sản phẩm rau quả cho thu hoạch sản lượng lớn, khẩn trương tiêu thụ khi có nhu cầu của thị trường. Những diện tích chưa tiêu thụ được khuyến cáo người dân thu hoạch khi đủ độ già, khi đã lên phấn để kéo dài thời gian bảo quản, tích trữ, chờ thời gian tiêu thụ và đẩy mạnh tiêu thụ phục vụ chế biến; diện tích mía ăn tươi cần chủ động tiêu thụ ngay từ đầu vụ khi thời tiết thuận lợi, nhu cầu thị trường cao. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động bán mía khi giá cả phù hợp, không nên giữ hàng dễ gặp rủi ro, ứ đọng sản phẩm vào cuối vụ; tạo điều kiện tối đa để tư thương tiếp cận các vùng sản xuất, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ GTVT. Trong đó có hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch để vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thu mua, TTNS và lưu thông trên địa bàn kịp thời, hiệu quả. Tổ chức tốt các hoạt động mua bán, đảm bảo phòng dịch tại các điểm thu mua, chợ đầu mối TTNS trên địa bàn…
Sản phẩm dưa lưới của Công ty CP công nghệ cao Trường Thịnh, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) sản xuất theo quy trình VietGAP trong nhà kính cho giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Trên cơ sở công văn của T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam, ngày 12/5/2021, HND tỉnh ban hành Công văn số 1462 về việc hỗ trợ TTNS cho nông dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thực hiện công văn, các ban, đơn vị, HND các huyện, thành phố tăng cường nắm bắt thông tin, tổng hợp tình hình TTNS trên địa bàn; chủ động đăng ký các sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ với HND tỉnh để kịp thời TTNS theo nhu cầu của thị trường. Mới đây, sau khi khảo sát thực tế và gửi thư ngỏ kêu gọi hỗ trợ nông dân TTNS, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã nhiệt tình hưởng ứng, đăng ký mua nông sản, đồng thời chia sẻ thông tin về hoạt động này lên các trang mạng xã hội. Nhờ đó, sau 3 ngày (từ ngày 28 - 30/5), trên 20 tấn rau su su, củ cải, bí xanh đã được HND tỉnh hỗ trợ tiêu thụ với mức giá từ 3.000 - 4.500 đồng/kg tùy loại.
Ông Bùi Thành Sơn, Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Kim Bôi, xã Đú Sáng (Kim Bôi) cho biết: Bí xanh được tiêu thụ nhanh chóng nên vẫn bảo đảm chất lượng, không bị quá thời gian thu hoạch. Qua việc kết nối với HND tỉnh, bí xanh được bán đúng với giá nông dân mong muốn, góp phần hạn chế thiệt hại về kinh tế cho các nông hộ. Nhờ đó, nông dân vơi bớt nỗi lo, có thêm động lực để tiếp tục chuẩn bị giống, vật tư nhằm canh tác hiệu quả ở vụ sản xuất tiếp theo.
Tại TP Hòa Bình, với mục đích thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân ở những khu cách ly trên địa bàn thành phố, đồng thời hỗ trợ nông dân xã Độc Lập TTNS. Thành Đoàn Hòa Bình, Ban CHQS thành phố đã phối hợp chính quyền xã Độc Lập huy động, thu mua 1,5 tấn bí xanh để ủng hộ, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn, động viên tinh thần các lực lượng, Nhân dân đang chống dịch tại các khu cách ly. Cùng với đó, BTV Thành Đoàn chỉ đạo các Đoàn cơ sở sử dụng trang mạng xã hội như zalo, facebook của đơn vị, cá nhân mỗi đoàn viên thanh niên để thông tin rộng rãi về tình hình nông sản của nông dân thành phố cần tiêu thụ (nếu có) để người dân nắm được và đặt mua.
Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Do dịch Covid-19, hoạt động TTNS gặp khó khăn là tình hình chung ở hầu hết các địa phương. Tại huyện Lạc Thủy, để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến sản xuất nông nghiệp, TTNS của nông dân địa phương, UBND huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn tăng cường kết nối, tìm thị trường để đảm bảo đầu ra cho nông sản trong mùa dịch. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh, như các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng internet, nhất là trên website: http:// nongsanlacthuyhb.vn...
Với sự vào cuộc kịp thời, tích cực của hệ thống chính trị, toàn bộ nông sản cây ăn quả có múi sau thu hoạch cơ bản đã được tiêu thụ hết, giá giảm một chút so với cùng kỳ năm trước. Vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn tỉnh có tổng diện tích bí xanh 1.500 ha, sản lượng khoảng 30 nghìn tấn. Trong đó, riêng với 130 ha bí xanh sản xuất theo quy trình VietGAP đã tiêu thụ hết, sản lượng khoảng 300 tấn. Sở đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai tiêu thụ những diện tích bí xanh còn lại. Đến thời điểm hiện tại, tình hình tiêu thu bí xanh tương đối ổn định, không có vấn đề xảy ra.
Cần "tính chuyện đường dài”
Việc kịp thời triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân TTNS trong mùa dịch đã giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp mang tính cấp thiết này, cần có giải pháp dài hơn để đảm bảo sản xuất và đầu ra cho nông sản địa phương.
"Tính chuyện đường dài” cho sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, tiêu thụ đã được tỉnh chú trọng thực hiện nhiều năm qua. Nhiều nông sản của tỉnh được xây dựng và bảo hộ thương hiệu; toàn tỉnh đã có 104 cơ sở áp dụng quy trình VietGAP, phát triển được 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn với các lĩnh vực sản xuất rau, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, Hòa Bình cũng là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước được quan tâm xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm tại địa chỉ hb.check.net.vn với 72 doanh nghiệp, 400 sản phẩm được quảng bá trên hệ thống. Tuy nhiên, vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi, vì sản lượng nông sản được bao tiêu trong chuỗi liên kết còn rất khiêm tốn so với tổng sản lượng nông sản trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh chỉ đạo xây dựng và sẽ sớm thực hiện Đề án tái canh cây có múi đến năm 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tập trung tái canh vùng cam Cao Phong với quy mô 1.500 ha. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ tổ chức lại sản xuất, bố trí thành những cánh đồng lớn để trồng, phân loại, thuận lợi cho việc cấp mã số vùng trồng, quản lý an toàn thực phẩm tới việc tiêu thụ, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm quả có múi. Đồng thời, tỉnh cũng đã kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, làm cầu nối cùng địa phương thu hút doanh nghiệp liên kết đầu tư nhà máy chế biến nước mía sấy khô trên địa bàn tỉnh; cấp mã số vùng trồng trên phạm vi cả nước, cũng như hỗ trợ tỉnh trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để đảm bảo ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với thị trường, giảm thiểu tác động bất lợi của dịch Covid-19 thời gian tới, Sở NN&PTNT đã chủ động lấy ý kiến của các sở, ngành, tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình BTV Tỉnh ủy Nghị quyết về nâng cao chất lượng nông sản gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 và một số hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức cho nông dân, các doanh nghiệp, HTX để sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Định hướng, thống kê diện tích, số lượng sản phẩm của từng vùng, địa phương để cung cấp thông tin, kết nối cung cầu tới các thị trường, doanh nghiệp, HTX, người dân. Bên cạnh đó, Sở cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt, ban hành Kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ đạo các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025…
Thực tế tại tỉnh ta, diện tích sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, VietGAP… còn khá khiêm tốn. Không ít nông dân mỗi khi gặp vụ nông sản giá rẻ lại nghĩ mình trồng chưa đúng cây, nuôi chưa đúng con, nếu trồng cây khác hoặc nuôi con khác sẽ hay hơn, năng suất cao hơn. Vì vậy, nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn trồng xong chặt, cứ cây nào trồng ít, con nào nuôi ít, giá cao thì vụ sau lại đua nhau nuôi trồng.
Do vậy, để nông sản của tỉnh tăng sức cạnh tranh trên thị trường, trước hết, các ngành, đơn vị chuyên môn tập trung nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của ngành nông nghiệp. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn nhằm hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, phát huy thế mạnh của từng vùng, địa phương gắn với các sản phẩm đặc trưng. Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ nông dân, các HTX, tổ hợp tác thay đổi chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng KHKT hiện đại vào sản xuất để giảm chi phí về nhân công, giảm giá thành sản phẩm. Hỗ trợ, kết nối để nông dân tiếp cận thị trường, nắm bắt thông tin tiêu thụ được nông sản với giá đảm bảo, không bị ép giá bởi tư thương.
Bùi Đức Biên
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Giải quyết "điểm nghẽn” để đảm bảo lưu thông hàng hóa
Trong tình hình hiện nay, việc vận chuyển nông sản từ các địa phương có dịch hoặc đi qua vùng dịch gặp khó khăn. Người và xe vận chuyển nông sản phải được kiểm tra, ghi nhận đảm bảo tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 mới có thể lưu thông hàng hóa, nông sản đến các địa điểm tiêu thụ.
Chi cục TT&BVTV đã tham mưu cho tỉnh kiến nghị với Bộ NN&PTNT sớm báo cáo Chính phủ để có quyết định sớm nhất, đồng bộ từ các ngành liên quan nhằm tiêu chuẩn hóa tất cả các công đoạn, từ thu hoạch, đóng gói, khử trùng phương tiện, người chở hàng và hàng hóa vận chuyển khi đến hay qua các vùng dịch, vùng nguy cơ cao. Từ đó, công khai thực hiện trong toàn quốc để việc lưu thông hàng hóa không bị ảnh hướng, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản kịp thời sau khi thu hoạch, theo đúng nhu cầu của thị trường.
Nguyễn Hồng Yến
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật