Mười lăm năm về trước, khi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhà cửa của nhiều hộ còn tạm bợ, vốn chính sách đã giúp người dân xây dựng được căn nhà mới, mua được con trâu, con bò để làm "đầu cơ nghiệp”. Sau này, khi cây cam lên ngôi với những giá trị kinh tế thiết thực, đã có hàng nghìn hộ vay vốn với mục đích để trồng loại cây này. Gần 10 năm làm nhiệm vụ của người truyền tải vốn chính sách tại địa bàn huyện Cao Phong, đồng chí Cấn Văn Hùng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch (PGD) NHCSXH huyện hiểu rõ vai trò của vốn chính sách đối với vùng đất cam. Theo đồng chí Hùng, giai đoạn từ năm 2014 - 2017, đa số các hộ vay vốn để đầu tư phát triển cây có múi, đặc biệt là trồng cam. Nhờ cây cam không ít hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bắc Phong là một trong những xã phát triển mạnh về trồng cam trong những năm trở lại đây. Đây cũng là xã có nhiều hộ dân tiêu biểu về sử dụng hiệu quả vốn chính sách. Như gia đình bà Trần Thị Dinh, xóm Dệ, từ hộ nghèo đến nay đã có cuộc sống khá giả. Hành trình thoát nghèo của gia đình bà Dinh có sự đồng hành xuyên suốt của vốn chính sách. Ban đầu, gia đình bà Dinh được vay vốn hộ nghèo, sau này tiếp tục được vay vốn từ chương trình cho vay hộ cận nghèo. Gần đây nhất, gia đình bà được vay vốn hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, sử dụng vào mục đích trồng 4.000 m2 cây cam. Mấy năm trở lại đây, vườn cam đem lại thu nhập cho gia đình bà Dinh bình quân trên 200 triệu đồng/năm.
Đến xóm Nam Thái, xã Nam Phong có thể thấy, những đồi hoang trước đây um tùm tre, nứa và các loại cây bụi, nay được phủ sắc xanh của cây có múi, nhất là cây cam. Cùng bà Phạm Thị Hải, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Nam Thái, chúng tôi được dịp mục sở thị những vườn cam xanh tốt của bà con nơi đây. Bà Hải cho biết: Hiện nay, tổng dư nợ của tổ đạt trên 2 tỷ đồng. Mấy năm trước, hầu hết bà con vay vốn chính sách để đầu tư trồng cây cam. Đến nay, nhiều hộ có thu nhập ổn định, đạt vài trăm triệu đồng mỗi năm. Như vườn cam của gia đình ông Phạm Văn Quán, mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng.
Gia đình bà Hải cũng có vườn cam, bưởi rộng 2 ha. Khu vực trồng cam của gia đình bà cách khu dân cư chừng vài trăm mét. Gia đình bà đã trồng nhiều loại cây, từ bạch đàn, keo, sau này trồng mía nhưng hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao. Được vay 45 triệu đồng từ NHCSXH, cộng thêm vốn tích cóp từ trước, bà Hải và gia đình mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cam. "Vốn vay từ NHCSXH gia đình tôi đều đầu tư vào cây cam. So với năm ngoái, vụ này cam sai quả hơn. Mặc dù giá bán giảm so với trước nhưng đây vẫn là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây khác” - bà Hải cho biết.
Đồng chí Đặng Hoàng Hoán, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho biết: Đối với địa bàn huyện Cao Phong, cây cam có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Nhờ cây cam, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Hàng chục năm qua, NHCSXH huyện đã nỗ lực huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vốn chính sách đã bao phủ, cùng với các đồng vốn tín dụng giúp người dân phát triển kinh tế, hình thành vùng cam có thương hiệu. Hiện nay, khi tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể, vốn chính sách tiếp tục đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Trong 6 tháng đầu năm đã có 818 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng chính sách; doanh số cho vay đạt gần 65 tỷ đồng, mức cho vay bình quân 31,5 triệu đồng/hộ.
Viết Đào