(HBĐT) - Ngày 7/4/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBND về thành lập tổ công tác chỉ đạo triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách và các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, để thực hiện nhiệm vụ giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách Nhà nước (NSNN) cần đẩy nhanh tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu NSNN cho tỉnh.



Khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình) đang được khẩn trương giải phóng mặt bằng để dự án Nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử của Công ty Meiko Electronics Co.,Ltd., Nhật Bản sớm được triển khai thực hiện.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, tổ công tác đã rà soát, đưa 34 dự án đầu tư vốn ngoài NSNN, 9 dự án đầu tư công trọng điểm sử dụng vốn NSNN đang được triển khai thực hiện vào danh sách các dự án trọng điểm cần tập trung chỉ đạo thực hiện và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Lĩnh vực các dự án đầu tư tập trung vào du lịch, công nghiệp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị... Theo thông tin từ Sở KH&ĐT, trong 34 dự án vốn ngoài NSNN, có 14 dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 36.919 tỷ đồng và 20 dự án nhà đầu tư (NĐT) đề xuất đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, lập thủ tục đầu tư, tổng vốn đăng ký dự kiến trên 46.350 tỷ đồng.

Trong 14 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, có 1 dự án đang thi công xây dựng, 13 dự án trong thời gian thực hiện thủ tục đất đai (8 dự án đầu tư đã chậm tiến độ thời gian thực hiện). Đối với các đề xuất nghiên cứu, hiện, các đề xuất được UBND các huyện, thành phố phối hợp NĐT xác định ranh giới, phạm vi thực hiện, hướng dẫn lập đề xuất đầu tư dự án cụ thể, lập các quy hoạch xây dựng làm cơ sở đánh giá chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn sát sao chỉ đạo thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là giải quyết dứt điểm các dự án đầu tư vốn ngoài NSNN chậm tiến độ. Định kỳ, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng tổ công tác, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, NĐT tổ chức họp, kiểm điểm tình hình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc cần tập trung xử lý. Vừa qua, tại cuộc họp UBND tỉnh bàn về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo tập trung giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, NĐT để thực hiện các thủ tục hành chính đối với những dự án đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, cho thuê quyền sử dụng đất (SDĐ) nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư phi nông nghiệp. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định quy hoạch SDĐ cấp huyện kỳ 2021 - 2030. UBND tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí lựa chọn NĐT thực hiện dự án đầu tư có SDĐ trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện, các dự án đầu tư trọng điểm vốn ngoài NSNN gặp nhiều vướng mắc về quy định của pháp luật, khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, nhất là vướng mắc trong bồi thường, GPMB. Dự án khu du lịch sinh thái Hồ Gươm - Sông Đà tại xóm Liếm, xã Suối Hoa (Tân Lạc) do Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm đầu tư là một ví dụ. Tháng 2/2020, dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, diện tích gần 63 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 350 tỷ đồng. Hiện, tiến độ GPMB và thực hiện các thủ tục pháp lý chậm khoảng 3 tháng so với tiến độ được phê duyệt. Theo chia sẻ của đại diện NĐT, từ năm 2020, công ty phối hợp với chính quyền địa phương nhiều lần gặp gỡ, họp bàn với người dân, lúc đầu cơ bản được các hộ nhất trí. Song, khi bàn về GPMB, kiểm đếm cây cối trong từng gia đình thì bà con không hợp tác, nên trong hơn 1 năm triển khai dự án mới GPMB được 7,2 ha. Diện tích chưa được GPMB do bà con không đồng ý với giá đền bù. Các hộ đưa ra tổng mức đền bù rất cao, từ 400 - 500 triệu đồng. Cũng có những hộ đã đồng ý mức đền bù, nhưng khi chi trả lại không nhận tiền, gây khó khăn cho NĐT.

Trong các dự án trọng điểm của tỉnh thì TP Hòa Bình có nhiều nhất với 12 dự án, gồm 5 dự án đã được phê duyệt và 7 đề xuất nghiên cứu. Các dự án vốn ngoài NSNN và dự án sử dụng vốn NSNN như cầu Hòa Bình 2, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 435... khó khăn nhất vẫn là công tác GPMB. Đặc biệt như dự án đầu tư nước ngoài đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018 là nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử, tại khu công nghiệp bờ trái sông Đà của Công ty Meiko Electronics Co.,Ltd., Nhật Bản, có tổng vốn đăng ký 200 triệu USD, diện tích 10 ha, nhưng đến đầu tháng 6/2021 mới GPMB được 74% diện tích. UBND TP Hòa Bình phải ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Hiện, dự án đã được điều chỉnh tiến độ.

Công tác đền bù, GPMB kéo dài dẫn đến chậm tiến độ của nhiều dự án, nhất là đối với các dự án NĐT phải thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng quyền SDĐ với các chủ SDĐ. Thực tế cho thấy, trong 14 dự án được phê duyệt, có 13 dự án đang thực hiện thủ tục đất đai, trong đó, 7 dự án chậm tiến độ GPMB và một số dự án có nguy cơ chậm tiến độ do chậm hoàn thành GPMB. Đối với dự án trong các khu, cụm công nghiệp, việc kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư của các doanh nghiệp (DN) thứ cấp.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án đầu tư vốn ngoài NSNN, góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu tiền SDĐ năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ dân trong khu vực thực hiện dự án về hiệu quả, lợi ích của các dự án đầu tư đối với phát triển KT-XH. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho NĐT trong việc bồi thường, GPMB, chuẩn bị đầu tư để sớm đưa dự án đi vào hoạt động; kịp thời giải quyết khiếu nại của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Nghiên cứu, ban hành quy định về trình tự, thủ tục liên quan đến dự án đầu tư có vốn ngoài NSNN, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý Nhà nước để thống nhất trình tự NĐT tổ chức thực hiện. Nâng cao chất lượng lập quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, công khai Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch SDĐ..., trong đó xác định rõ các vị trí có lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tiếp tục rà soát, xử lý các dự án đã đăng ký nhưng chậm triển khai, hoặc quá thời hạn nhưng không triển khai. Thực hiện tốt các chính sách, ưu đãi hiện hành cho DN hoạt động nhằm tạo nguồn lực khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ DN khôi phục, mở rộng SX-KD trong bối cảnh dịch Covid-19...

Hoàng Nga

Các tin khác


Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học

(HBĐT) - BTV Tỉnh ủy vừa ban hành Kết luận số 182-KL/TU về kết quả 5 năm thực hiện Kế hoạch số 57-KH/TU, ngày 20/12/2016 của BTV Tỉnh ủy "thực hiện Kết luận số 06-KL/TW, ngày 1/9/2016 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”.

17 hợp tác xã cung ứng dịch vụ đăng ký thành lập mới

(HBĐT) - 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 17 hợp tác xã (HTX) cung ứng dịch vụ đăng ký thành lập mới, gồm: 15 HTX nông nghiệp, 2 HTX phi nông nghiệp; 17 HTX cung ứng dịch vụ ngừng hoạt động, gồm: 9 HTX nông nghiệp, 8 HTX phi nông nghiệp và 1 HTX cung ứng dịch vụ nông nghiệp giải thể. Số lượng HTX được thành lập mới thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Dư nợ chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn đạt trên 636 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, đến hết tháng 5/2021, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh (SXKD) vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đạt 636,6 tỷ đồng, với 18.577 khách hàng còn dư nợ.

Tạo sinh kế cho người dân ảnh hưởng thiên tai ở huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Đợt mưa lũ tháng 10/2017, huyện Đà Bắc chịu ảnh hưởng lớn bởi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá xảy ra ở nhiều xã đặc biệt khó khăn, khiến cuộc sống, sản xuất gặp nhiều gian khó. Để góp phần giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, hỗ trợ khôi phục, phát triển sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản (GCT-VN&TS) Hòa Bình đã đề xuất và được Bộ KH&CN, Sở KH&CN giao cho đơn vị triển khai thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng của thiên tai tại huyện Đà Bắc” (dự án).

Bàn giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2025

(HBĐT) - Ngày 18/6, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị về các giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2025. Dự hội nghị có lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Viện Cơ điện và Nông nghiệp sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT); lãnh đạo, phòng chuyên môn của Sở NN&PTNT, đại diện một số doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. 

Hội nghị về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

(HBĐT) - Sáng 18/6, Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ TT&TT tổ chức hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT. Chủ trì hội nghị gồm các đồng chí: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành liên quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục