Huyện Lạc Thủy: Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa, hè thu
Thứ hai, 5/7/2021 | 10:02:21 Sáng
(HBĐT) - Đến cuối tháng 6, tại các xã có truyền thống cấy sớm như: Thống Nhất, An Bình, Hưng Thi và thị trấn Chi Nê (Lạc Thủy) đã cấy được khoảng 350 ha lúa mùa. Nông dân Lạc Thủy tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa, hè thu đảm bảo đúng khung thời vụ. Giống, vật tư nông nghiệp chuẩn bị đầy đủ về số lượng, chủng loại theo cơ cấu đã định. Các giống mới, giống tiến bộ có năng suất, chất lượng tốt luôn sẵn sàng để nông dân sản xuất vụ mùa, hè thu.
Nông dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của mạ để đảm bảo chất lượng khi cấy.
Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Theo kế hoạch, vụ mùa, hè thu năm nay huyện phấn đấu gieo trồng cây hàng năm khoảng trên 3.800 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt trên 15.300 tấn. Một số cây trồng chính gồm: Lúa trên 1.600 ha, năng suất 56 tạ/ha, sản lượng 9.144,8 tấn; ngô 1.095 ha, năng suất 56,35 tạ/ha, sản lượng 6.171 tấn… Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, lực lượng chuyên ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến người dân tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nông dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi, lượng nước đang đủ cung cấp cho khâu làm đất để khẩn trương dọn sạch tàn dư thực vật. Phòng NN&PTNT huyện khuyến khích người dân sử dụng các chế phẩm sinh học thúc quá trình phân hủy rơm rạ nhanh trước khi cày úp, tránh ngộ độc hữu cơ, hạn chế nguồn lây bệnh sang lúa mùa.
Cùng với khâu làm đất, huyện cũng xác định cơ cấu trà, cơ cấu giống, đảm bảo khung thời vụ có vai trò quan trọng, quyết định tới thành công một vụ sản xuất. Theo đó, trà mùa sớm chiếm khoảng 55 - 60%, gieo mạ từ ngày 1 - 10/6, cấy trước 25/6. Trà chính vụ chiếm từ 40 - 45%, gieo mạ từ ngày 10 - 30/6, cấy kết thúc trước ngày 15/7. Để mạ vụ mùa đảm bảo chất lượng, người dân cần chú ý gieo mạ thưa, cấy mạ xúc, cấy nông tay, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mạ già không đảm bảo chất lượng khi cấy. Đối với cây màu, thời vụ gieo trồng tốt nhất kết thúc trong tháng 7.
Song song với lĩnh vực trồng trọt, huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đầu đàn và phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Trong đó, phát triển đàn trâu 5.200 con, bò 6.000 con, lợn 54.000 con, dê 7.500 con, tổng đàn gia cầm 701 nghìn con… Lĩnh vực lâm nghiệp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2021 là 830 ha, duy trì độ che phủ rừng đạt 46,7%; tiếp tục mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn và phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Theo dự báo, vụ mùa, hè thu sẽ diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như: Mưa, bão, lũ, ngập úng, lốc xoáy có khả năng xảy ra nhiều hơn; nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi rất cao. Vì vậy, Phòng NN&PTNT huyện khuyến cáo các địa phương phải đảm bảo đúng khung thời vụ. Thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết để kịp thời ứng phó. Hộ nông dân tăng cường đầu tư phân bón cho lúa và hoa màu, quan tâm sử dụng phân hữu cơ, bón đủ lượng và cân đối đạm, lân, kali, đối với đất chua cần bón thêm vôi bột; làm tốt công tác dự báo, phát hiện sâu bệnh hại kịp thời để có biện pháp xử lý hiệu quả. Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ chứa để có kế hoạch tu sửa kịp thời, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa và phục vụ sản xuất.
(HBĐT) - Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với vị trí quan trọng tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cửa ngõ khu vực Tây Bắc, cùng tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch, nông nghiệp, tỉnh cũng có tiềm năng phát triển công nghiệp trong bối cảnh dịch chuyển nhanh của dòng vốn đầu tư từ các địa phương do quá tải về môi trường, không gian phát triển. Do vậy, Hòa Bình có cơ hội lớn đón nhận làn sóng đầu tư mới để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực.
(HBĐT) - Những năm qua, Đoàn xã Kim Lập (Kim Bôi) tích cực lao động, học tập, sôi nổi trong các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều gương thanh niên phát triển kinh tế giỏi với cách làm hay, sáng tạo, qua đó góp sức xây dựng, phát triển quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.
(HBĐT) - Giải cứu nông sản, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả… bị ứ đọng là những hoạt động đã quá quen thuộc để đối phó với tình trạng "được mùa, mất giá” hàng năm. Nhưng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, hoạt động này được thực hiện sôi nổi, rộng khắp, chuyên nghiệp hơn, lan tỏa đi thông điệp tích cực, được đông đảo người dân đồng tình, hưởng ứng.
(HBĐT) - Việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, thúc đẩy phát triển KT - XH. Song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi có không ít dự án chậm triển khai thực hiện. Cụ thể, hiện có tới 284 dự án đầu tư chưa hoàn thành, trong đó có 211 dự án đang thực hiện thủ tục đất đai (98 dự án chậm triển khai thực hiện). Phần lớn các dự án này gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB).
(HBĐT) - Bắt kịp với nhịp độ phát triển của KHKT, những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đã có những bước chuyển mình, thay đổi tư duy trong canh tác, sản xuất. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều hộ hội viên nông dân (HVND) sản xuất, kinh doanh (SX-KD) giỏi; nhiều mô hình tổ, nhóm SX-KD nông sản, thực phẩm an toàn; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.
(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Tân Lạc diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, bằng sự chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân huyện đã nỗ lực thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch (PCD) hiệu quả vừa tập trung phát triển KT-XH.