Đến nay, toàn tỉnh có 70 sản phẩm của 59 chủ thể (gồm 39 HTX, 9 doanh nghiệp, 2 cơ sở sản xuất và 9 hộ có đăng ký kinh doanh) được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó có 18 sản phẩm đạt hạng 4 sao (1 sản phẩm OCOP nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao), 52 sản phẩm đạt 3 sao.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Từ đầu năm đến nay, du lịch ngưng trệ khiến các bản du lịch cộng đồng (DLCĐ) đạt tiêu chuẩn OCOP gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của UBND xã Phong Phú, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, điểm DLCĐ xóm Lũy Ải chỉ đón 207 khách du lịch, trong đó có 2 khách quốc tế và 205 khách nội địa.
Không chỉ các sản phẩm trong nhóm ngành dịch vụ du lịch nông thôn bị ảnh hưởng mà đa số các sản phẩm OCOP sản lượng tiêu thụ giảm mạnh. Để đối phó với dịch Covid-19, các chủ thể OCOP đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, qua facebook, zalo. Với chất lượng đảm bảo, hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, bao bì hiện đại, tiện lợi, phù hợp nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ sản phẩm đã giúp nhiều chủ thể vượt qua khủng hoảng đại dịch Covid-19. Tiêu biểu như sản phẩm dầu sả chanh, chủ thể HTX dịch vụ tổng hợp Huy Chỉ; chuối Viba, chủ thể HTX chuối Viba; dầu lạc, chủ thể HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy...
Sức lan tỏa của Chương trình OCOP tạo động lực quan trọng để các địa phương, chủ thể quyết tâm vượt qua dịch bệnh tham gia Chương trình OCOP năm 2021. Anh Đinh Đức Chiến, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp an toàn Yên Thủy chia sẻ: Tất cả thành viên HTX đều nhận thấy, sau khi đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, sản phẩm OCOP 4 sao dầu lạc được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh đánh giá cao về chất lượng và yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ cũng như quy trình sản xuất. Vì vậy, năm 2021, HTX tiếp tục đăng ký tham gia chương trình với sản phẩm dầu vừng đen. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, từ năm 2018, HTX bắt đầu sản xuất sản phẩm dầu vừng đen, nhận thấy hiệu quả kinh tế tương đối cao. Dịch Covid-19 khiến HTX gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn hóa sản phẩm nên HTX phải thích ứng, nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hoàn thiện sản phẩm. Hiện, sản phẩm dầu vừng đen đã hoàn thiện làm tem truy xuất nguồn gốc, chai đựng và hồ sơ sản phẩm. Trong tháng 7, HTX sẽ lựa chọn hộp giấy chuyên dụng để đựng sản phẩm.
Đồng chí Hoàng Văn Tuân, Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm, chi cục đã chủ động tham mưu Sở NN&PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP năm 2021. Theo kế hoạch, các địa phương sẽ tổ chức hội nghị hướng dẫn chủ thể đăng ký ý tưởng sản phẩm, tuy nhiên, do dịch Covid-19 phức tạp nên công tác tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn được thực hiện thông qua các văn bản. Trên cơ sở tiềm năng phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương, năm nay, toàn tỉnh có 33 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, các huyện: Lạc Sơn, Lương Sơn, Lạc Thủy và TP Hòa Bình mỗi địa phương 3 sản phẩm; Tân Lạc 4 sản phẩm; Yên Thủy 7 sản phẩm; Kim Bôi 5 sản phẩm; Mai Châu và Đà Bắc mỗi huyện 2 sản phẩm; Cao Phong 1 sản phẩm. Hiện, đa số các địa phương đảm bảo đúng tiến độ thực hiện Chương trình OCOP tỉnh đã đề ra. Chủ thể tham gia chương trình luôn chủ động bám sát các văn bản hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng; đảm bảo đúng quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thực phẩm; tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm; đầu tư mẫu mã, bao bì…
Thời gian tới, để khắc phục khó khăn, Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình OCOP. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ đánh giá, chuẩn hóa sản phẩm, lựa chọn bao bì... để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm theo đúng kế hoạch đề ra.