(HBĐT) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 6. Đồng chí yêu cầu, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các dự án chậm giải ngân, nếu đến ngày 30/9/2021, giải ngân không đạt tối thiểu 60% kế hoạch vốn đầu tư công (VĐTC) được giao thì chắc chắn sẽ thực hiện điều chuyển cho dự án có khối lượng mà còn thiếu vốn, vì vậy, các chủ đầu tư phải hết sức cố gắng.
Kế hoạch VĐTC nguồn NSNN năm 2021 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) giao 3.781,4 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách T.Ư 1.626,9 tỷ đồng, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh 2.154,5 tỷ đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua trên 4.080 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết vốn cho các dự án 3.313 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch vốn TTCP giao, đạt 81% kế hoạch vốn HĐND tỉnh thông qua. Số vốn chưa giao chi tiết 773,4 tỷ đồng do chưa đủ điều kiện giao vốn.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai các dự án ĐTC có khối lượng thực hiện để giải ngân theo kế hoạch. Định kỳ Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức làm việc chuyên đề, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án sử dụng vốn ngân sách nên công tác giải ngân có sự chuyển biến nhất định. 5 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân mới đạt 19% kế hoạch vốn năm 2021 của TTCP giao, đến 6 tháng tăng lên 25,6%. Tuy nhiên, kết quả này còn thấp so với bình quân chung của cả nước (29,02%) và nhiều tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh, tính đến ngày 30/6, tổng giải ngân kế hoạch VĐTC năm 2021 của tỉnh được 969,4 tỷ đồng. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh 738,9 tỷ đồng, đạt 34,3% kế hoạch vốn năm 2021 do TTCP giao; nguồn vốn ngân sách T.Ư giải ngân 230,5 tỷ đồng, đạt 14,2% kế hoạch, trong đó, vốn nước ngoài mới được 73 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch.
Tìm hiểu thực tế được biết, nhiệm vụ giải ngân VĐTC gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do nguồn thu sử dụng đất (SDĐ) và thu xổ số kiến thiết chưa đạt so với kế hoạch giao, nên chưa có vốn bố trí cho các dự án theo kế hoạch được duyệt. Tác động của dịch Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng đến việc cung cấp nguyên vật liệu, nhân công, chuyên gia, di chuyển lao động giữa các địa phương, giãn cách thời gian lao động, làm chậm việc thực hiện chuẩn bị đầu tư, chậm quá trình hoàn thiện thủ tục hồ sơ, giải phóng mặt bằng (GPMB). Ngoài ra, ảnh hưởng của biến động đơn giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhất là giá thép, dẫn đến nhiều dự án phải điều chỉnh dự toán phù hợp điều kiện thực tế nên kéo dài thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Đối với các dự án không được điều chỉnh giá, nhà thầu có dấu hiệu chây ì, giảm tiến độ, chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Tổ công tác của Chủ tịch UBND tỉnh cũng đánh giá: Một số chủ đầu tư chưa quan tâm, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn được giao. Còn có dự án đã được bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành và xử lý sau quyết toán, hoặc được bố trí vốn để hoàn trả vốn ứng trước nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục thanh toán, giải ngân, hoàn ứng tại Kho bạc Nhà nước. Công tác GPMB, tái định cư còn chậm, gặp nhiều vướng mắc khi chưa nhận được sự đồng thuận của một số hộ dân về tiền bồi thường khi bị thu hồi đất. Công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB có nơi chưa đảm bảo tính minh bạch, công bằng…
Trao đổi về vấn đề giải ngân VĐTC, đồng chí Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Huyện cam kết đến ngày 30/9 sẽ giải ngân được 60% kế hoạch vốn giao. Tuy nhiên, nhiệm vụ này còn khó khăn, nhất là đối với dự án kè sông Bùi, vốn giao lớn, hiện quy trình, thủ tục hồ sơ dự án đã được UBND tỉnh điều chỉnh, chủ trương điều chỉnh dự án được UBND tỉnh phê duyệt. UBND huyện đã giao nhà thầu cam kết thực hiện theo từng ngày, từng tháng. Doanh nghiệp cũng cố gắng, huy động máy móc, nhân lực thi công, nhưng đây là rốn lũ của huyện nên thực hiện khó khăn, đến nay mới đạt khoảng 10% khối lượng. Vì chờ tiến độ mới đáp ứng được giải ngân, do vậy đã ảnh hưởng chung đến kết quả giải ngân của huyện.
Với quyết tâm đạt được tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 là 100%, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, phát triển liên kết vùng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư ban hành kế hoạch hành động cho từng dự án với một số giải pháp trọng tâm: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác GPMB, tái định cư; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp đến hết ngày 30/9/2021 giải ngân không đạt tối thiểu 60% kế hoạch được giao chi tiết đến từng dự án. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tiêu cực trong ĐTC; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định. Đồng thời, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tăng thu nguồn thu SDĐ, đảm bảo đến ngày 30/9/2021 giải ngân đạt 70% nguồn vốn thu SDĐ do huyện điều tiết.
Đối với các dự án ODA, các chủ đầu tư tăng cường phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, các bộ, ngành T.Ư liên quan và nhà tài trợ trong việc điều chỉnh chủ trương, dự án đầu tư và Hiệp định vay của chương trình, dự án để sớm có cơ sở triển khai thực hiện kế hoạch vốn giao…
Hoàng Nga