Giá lợn giảm sâu khiến nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lo lắng về nguy cơ thua lỗ. Ảnh chụp tại xóm Nhõi Trong, xã Hợp Phong (Cao Phong).
Những ngày gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm nên giá lợn giống cũng giảm đáng kể. Sau khoảng thời gian dài lập "đỉnh” với mức giá kỷ lục lên tới 90 nghìn đồng/kg lợn hơi, với sự tăng giá chóng mặt, trong nhiều tháng, việc giảm giá lợn trở thành đề tài nóng được Chính phủ đưa ra bàn thảo, tìm giải pháp giảm giá. Từ đầu năm nay, giá lợn trong nước giảm mạnh, về mức mà nhiều người tiêu dùng đánh giá là "đúng giá trị thực”, với giá bán dao động từ 60 - 65 nghìn đồng/kg, giá lợn giống cũng giảm đáng kể, từ mức 2 - 3 triệu đồng/con giống xuống dưới 2 triệu đồng. Với giá bán từ 60 - 65 nghìn đồng/ kg, người chăn nuôi lợn dù không còn lãi cao như trước nhưng chăn nuôi lợn vẫn là nghề có thể đem lại thu nhập khá.
Thế nhưng, trái ngược với sự sụt giảm của giá lợn, giá thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng kể từ quý IV/2020 đến nay. Sau 8 lần giá thức ăn chăn nuôi tăng, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh trong tâm trạng thấp thỏm, lo lắng. Cách đây hơn 2 tháng, qua theo dõi thị trường nhận thấy, với giá lợn duy trì ở mức 60 - 65 nghìn đồng/kg, dù giá thức ăn có tăng nhưng người chăn nuôi vẫn có lãi. Do đó, anh Bùi Văn Minh, xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) quyết định xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn thịt. Anh Minh đã nhập đàn lợn giống 20 con về nuôi. Thế nhưng, đến nay, khi giá cám chưa có dấu hiệu chững lại thì giá lợn hơi đã về mức chỉ còn từ 50 - 52 nghìn đồng/kg. Anh Minh cho biết, với mức giá thấp như vậy, nếu nuôi đến khi xuất chuồng gia đình sẽ bị thua lỗ lớn. "Giờ chúng tôi chỉ biết trông chờ thị trường ổn định để giá lợn tăng trở lại. Với mức giá như hiện nay thì gia đình sẽ bị thua lỗ nặng” - anh Minh than thở.
Cũng nằm trên địa bàn xã Gia Mô, gia đình ông Bùi Văn Đượng, xóm Gia Phú đã đầu tư lứa lợn để gây lợn nái. Dự tính ban đầu của gia đình ông là chỉ nuôi lợn nái vì giá con giống cách đây chưa đầy 1 tháng ở mức khoảng 1,5 triệu đồng/con. Tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây, khi giá lợn hơi sụt giảm, giá lợn giống cũng đã xuống mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây, với giá hiện chỉ khoảng 1 triệu đồng/con giống. "Ban đầu, gia đình tính sẽ bán giống nhưng hiện giá con giống thấp quá nên lại để nuôi lợn thịt. Với giá lợn thịt như hiện nay, khi quyết định để lại nuôi gia đình cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên, qua theo dõi đài báo, chúng tôi biết một trong những nguyên nhân khiến giá lợn giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hy vọng khi dịch được kiểm soát, giá lợn sẽ tăng trở lại” - ông Đượng chia sẻ.
Qua nắm bắt thực tế có thể thấy, những lo lắng của anh Minh, ông Đượng cũng là tâm trạng chung của người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Theo đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (CN&TY) tỉnh, hiện, giá lợn thịt ở các công ty, trang trại quy mô lớn dao động ở mức 58 - 60 nghìn đồng/kg; đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh giá thấp hơn, dao động từ 52 - 53 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi lợn có nguy cơ cao bị thua lỗ.
Về nguyên nhân khiến giá lợn sụt giảm, đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên việc vận chuyển, tiêu thụ lợn trên địa bàn diễn ra chậm, dẫn đến giá lợn bị sụt giảm. Đây cũng là vấn đề chung của thị trường trên cả nước. Với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự báo việc tiêu thụ lợn vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, người chăn nuôi cần tiếp tục theo dõi thị trường, tình hình dịch bệnh để quyết định tái đàn, đồng thời quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn sinh học để tránh bị dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi.
Viết Đào