Do lo ngại dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi ở phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) còn e dè trong tái đàn lợn.
Đồng chí Bùi Thị Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: Chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của phường. Hiện, tổng đàn lợn của phường khoảng hơn 1.300 con. Phần lớn các hộ nuôi với số lượng 10 - 30 con/hộ. Tại phường, HTX chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn lợn sau dịch, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đa số tâm lý e dè, chưa dám tái đàn.
Gia đình anh Nguyễn Thành Tâm, tổ 2 là một trong những hộ bị thiệt hại do DTLCP. Anh Tâm cho biết: Nhà tôi có 3 chuồng lợn với tổng số 12 con, trong đó có 1 con lợn nái. Năm ngoái, do DTLCP, gia đình đã thiệt hại 2 con. Do sợ dịch có thể quay trở lại nên gia đình chỉ duy trì 10 con lợn còn lại, giảm còn 2 chuồng và không tái đàn. DTLCP chưa có vắc xin phòng bệnh nên gia đình tôi cố gắng phun thuốc tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại hàng ngày.
Tương tự như hộ anh Tâm, hộ ông Nguyễn Văn Bon, tổ 4 cũng e ngại tái đàn lợn vì lo sợ DTLCP có thể quay trở lại. Theo chia sẻ của ông, gia đình rất may mắn khi trải qua đợt dịch không bị chết con lợn nào. Nhờ khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại tốt cũng như xây tường bao cao, vững chắc nên nhà ông vẫn giữ nguyên được đàn lợn 15 con. Tuy nhiên, thấy hàng xóm bị dịch bệnh làm mất sạch cả đàn 30 con, khiến gia đình ông cảm thấy lo ngại tái đàn thời điểm sau dịch.
Đồng chí Bùi Thị Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết thêm: Nguyên nhân dẫn tới các hộ có tâm lý ái ngại việc tái đàn là do lo sợ DTLCP quay trở lại. DTLCP đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị, virus tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền bệnh đa dạng, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn giống đang ở mức khá cao cũng là nguyên nhân khiến hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn còn tâm lý e ngại trong việc tái đàn. Mặt khác, hầu hết chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân đều chưa đảm bảo an toàn sinh học.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, trong thời gian tới cần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; quản lý chặt khâu ra vào, cách ly, khử khuẩn, khử trùng, tiêu độc. Kiểm tra, kiểm soát những hộ đảm bảo điều kiện mới được tái đàn. Khi tái đàn các hộ chăn nuôi cần tuân thủ đầy đủ khâu vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Mai Anh (TTV)