Việc giảm thuế đang được nhiều chuyên gia tài chính đánh giá là giải pháp cấp bách để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đặc biệt, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho hàng hóa dịch vụ cần được triển khai cấp thiết để hỗ trợ người tiêu dùng.


Thực hiện đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.

Giảm thuế thực chất khi dịch bùng phát

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết trong đó đề xuất tiếp tục giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng với tổng số tiền thuế dự kiến giảm khoảng 20.000 tỷ đồng. 

Theo đó, doanh nghiệp, người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề; giảm 30% thuế GTGT đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

"Theo Bộ Tài chính, khối tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp có thể  vượt qua khó khăn khi sử dụng nguồn hỗ trợ tài chính 20.000 tỷ đồng vào việc duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương, mặt bằng và các chi phí cần thiết mà không phải đi vay, không phải trả lãi vay, đặc biệt không phải hoàn trả lại ngân sách Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) nhận xét: Dự thảo Nghị quyết đã đảm bảo được các yêu cầu, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, vừa phải tạo ra nguồn thu, vừa phải tính toán thận trọng để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

Theo ông Tô Hoài Nam, hiện cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động, từ bỏ thị trường, phá sản. Kể cả những doanh nghiệp làm ăn tốt, thì chi phí sản xuất, kinh doanh cũng bị đội lên khiến lợi nhuận giảm mạnh. Do đó, chính sách giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021; giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021, giảm 30% thuế GTGT đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ… là rất cần thiết. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng: Một chính sách không thể nào giải quyết được hết các vấn đề doanh nghiệp đang phải đối mặt, mà cần sự kết hợp của rất nhiều chính sách, giải pháp khác. Dự thảo Nghị quyết trên nếu được phê duyệt, đi vào thực thi, thì sẽ giảm không ít gánh nặng về tài chính cho doanh nghiệp, giảm chi phí về thuế.

Triển khai nhanh chóng để doanh nghiệp vực dậy

Nhiều doanh nghiệp mong mỏi, Chính phủ cần quyết tâm và sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua theo thủ tục rút gọn để chính sách này sớm đến với người dân, doanh nghiệp và phát huy được tính khả thi, hiệu quả, đặc biệt chính sách giảm thuế GTGT. Giảm thuế GTGT đồng nghĩa với việc giảm giá bán, tức là người dân sẽ được mua hàng hóa dịch vụ với mức giá thấp hơn, điều này cần thiết và phù hợp với bối cảnh "bão” giá các sản phẩm hàng hóa đang tăng do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng bị gãy tại một số nút thắt... Khi giảm thuế, giá bán giảm sẽ làm kích cầu, từ đó giúp cho nhà sản xuất bán được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn, có tác động tích cực hỗ trợ cho khâu sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết: Việc giảm 30% thuế TNDN thì những gói hỗ trợ trước đây đã thực hiện. Chính sách này chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp có lãi, còn các doanh nghiệp khó khăn vẫn phải nộp thuế GTGT khi có doanh thu. Việc giảm thuế GTGT sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với doanh nghiệp. "Ngay sau khi Nghị quyết giảm thuế được ban hành, các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục để được miễn, giảm thuế. Về thủ tục, tiếp tục kế thừa các quy định tại Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị định 52/2021/NĐ-CP để đơn giản hóa thủ tục. Chỉ cần làm một lần giấy đề nghị giảm thuế là được giảm thuế TNDN, thuế GTGT”, bà Nguyễn Thị Cúc cho biết.


Ngoài thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của hộ cá nhân kinh doanh, tiền thuê đất của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch dịch vụ lưu trú cũng được nhiều doanh nghiệp mong mỏi hỗ trợ vì họ gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh không hoạt động được nhưng vẫn phải trả tiền thuê đất. Mặc dù Nghị định 52/2021/NĐ-CP có gia hạn tiền thuê đất nhưng sau khi hết thời gian gia hạn, doanh nghiệp vẫn phải nộp.

Mặc dù nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng nhưng trong bối cảnh khó khăn, cái được lớn hơn cả đó chính là thể hiện sự đồng hành, quan tâm của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Theo ông Nguyễn Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), trong tháng 7/2021, dịch COVID-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như: Du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao, vui chơi và giải trí....

Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các giải pháp đề xuất bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng, trong đó: Gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118 nghìn tỷ đồng.


Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Thay đổi mô hình vận hành doanh nghiệp từ việc áp dụng các nền tảng

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều chủ doanh nghiệp đang tìm kiếm mô hình hoạt động cho đơn vị mình, theo hướng có khả năng làm việc tại nhiều nơi cho hiệu quả, nhằm bảo đảm không bị gián đoạn hoạt động kinh doanh.

Nông nghiệp cần những giải pháp cấp bách trong đại dịch

Chuỗi cung ứng bị đứt gãy khiến nhiều vùng nông sản không thể tiêu thụ hết do khó khăn trong vận chuyển đến các địa phương khác; xuất khẩu cũng bị cản trở khi chi phí logistics tăng cao, thiếu container, các thị trường siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu khiến hàng hóa ùn tắc tại cảng… Ngành nông nghiệp đang gặp phải khó khăn kép.

Kiến nghị giãn thời gian trả nợ và không bị phạt chậm nợ đến tháng 6/2022

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong tháng 7/2021, VCCI đã tập hợp, phân loại và gửi 29 kiến nghị mới của các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tới các bộ, ngành, địa phương.

Huyện Lạc Thủy nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp

(HBĐT) - Theo thống kê của Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển kinh tế tập thể (KTTT) huyện Lạc Thủy, toàn huyện hiện có 51 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Thời gian qua, HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) và thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các HTX tích cực liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân - HTX - doanh nghiệp. Đồng thời, mạnh dạn ứng dụng KH-KT để giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá bán của các loại nông sản. Song, hoạt động của HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế cần tháo gỡ.

Bàn giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

(HBĐT) - Ngày 5/8, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình có buổi làm việc bàn giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Giảm giá điện và tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19

(HBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Hòa Bình đã triển khai thực hiện giảm giá điện và tiền điện đợt 3, đợt 4 cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục