Trồng na đem lại thu nhập ổn định cho hộ thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy).
Xác định phát triển KTTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, BCĐ phát triển KTTT huyện đã triển khai kịp thời, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn việc thành lập, tổ chức hoạt động của HTX nông nghiệp.
Theo đánh giá của BCĐ phát triển KTTT huyện: HTX dịch vụ nông nghiệp từng bước khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Một số HTX bước đầu khẳng định được ưu thế, điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng KH-KT. Quy mô sản xuất của HTX được mở rộng, ngành nghề kinh doanh đa dạng. Đa số HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng giống, vật tư, phân bón, tiêu thụ sản phẩm cho hộ thành viên. Một số HTX thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và HTX điển hình như: HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, HTX Minh Đức, HTX nông trại xanh Gfarm Việt Nam, HTX Nam Sơn, HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Tiến… Từ đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của 51 HTX dịch vụ nông nghiệp đạt 10.710 triệu đồng, lợi nhuận bình quân của các HTX khoảng 2.402 triệu đồng.
Đặc biệt, các HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện là chủ thể tích cực tham gia Chương trình OCOP. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 5/10 sản phẩm OCOP chủ thể là HTX dịch vụ nông nghiệp, gồm: sản phẩm gà tươi nguyên con, chủ thể HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy; na Đồng Tâm, chủ thể HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm; trứng gà Ngọc Hân, chủ thể HTX Sơn Nam; mật ong Khoan Dụ, chủ thể HTX nuôi ong Khoan Dụ; thanh long ruột đỏ, chủ thể HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà.
Ông Vũ Tiến Sỹ, thành viên HTX nông nghiệp hữu cơ Hải Đăng chia sẻ: HTX được hình thành từ tổ hợp tác chăn nuôi gà Lạc Thủy, trồng rừng tại thôn Chợ Đập, xã An Bình. Hiện, 87 thành viên của HTX mạnh dạn phát triển chăn nuôi sinh học và hướng hữu cơ. HTX có trên 50 phôi nấm, duy trì nuôi trên 30 vạn con gà. Ngoài ra, HTX phát triển nuôi dê, lợn rừng, nuôi cá và ốc nhồi. Năm nay, HTX nỗ lực vượt qua khó khăn của dịch Covid-19 để nâng cao chất lượng sản phẩm gà tươi, hoàn thiện bao bì, tem mác theo đúng tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm OCOP; phấn đấu để sản phẩm gà tươi của HTX trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn: Năng lực quản trị của HTX hạn chế; hầu hết các HTX có quy mô nhỏ, thiếu vốn sản xuất; thiếu sự chủ động trong quản lý, điều hành. Nhiều HTX chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh, chưa khai thác có hiệu quả nội lực để vươn lên, dẫn tới năng lực thích ứng với thiên tai, dịch bệnh hạn chế…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về HTX, vai trò của KTTT, kinh tế HTX; Xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp điển hình; hỗ trợ HTX tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Thúc đẩy sự phát triển các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Thu Thủy